GIỚI THIỆU

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1. Điều kiện tự nhiên

Châu Phú ngày nay có vị trí địa lý phía Đông giáp huyện Phú Tân, Chợ Mới; phía Tây giáp huyện Tịnh Biên, Tri Tôn; phía Nam giáp huyện Châu Thành; phía Bắc giáp thành phố Châu Đốc. Diện tích đất tự nhiên là 45.100,76 km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 39.774,89 ha.

Châu Phú có hệ thống sông, kinh, rạch chằng chịt, không những cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ sinh hoạt của đời sống người dân, mà còn là đường giao thông thủy rất thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Thiên nhiên ban tặng cho Châu Phú nằm bên hữu ngạn sông Hậu, đoạn chảy qua huyện dài khoảng 34,5 km. Vào đầu thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức đã ghi lại lợi ích của sông Hậu: “… nước dầm thấm khắp cả ruộng vườn, bao hàm cả cồn bãi bờ bến, là nguồn lợi thủy sản rất lớn, lúa gạo cá tôm dùng ăn không hết” [1]. Bên cạnh sông Hậu, Châu Phú còn có hệ thống kinh, rạch tự nhiên chằng chịt. Những rạch lớn hiện có ở Châu Phú là Năng Gù, Cần Thảo. Dưới thời Pháp thuộc (1918-1945) nhằm mục đích đẩy mạnh khai phá vùng đất hoang hóa bờ trong sông Hậu (Tứ giác Long Xuyên), Pháp cho đào các kinh như kinh Vàm Xáng Cây Dương - Ba Thê dài 40 km, đoạn chảy qua Châu Phú dài 14 km; kinh Vàm Xáng Vịnh Tre - Tri Tôn dài 40 km, đoạn chảy qua Châu Phú dài 18,9 km, Kinh Đào dài 14 km; kinh Cần Thảo, đoạn chảy qua Châu Phú dài 17,3 km. Hiện nay, Châu Phú còn có kinh 10 (21,3 km), kinh Núi Chóc - Năng Gù (7,5km), kinh Số 4 (24 km), kinh Số 7 (24,2km), kinh Số 10 (23,3 km), kinh 3 (10 km), kinh Hào Đề Nhỏ - kinh 2 - kinh Hào Xương (20km), kinh Hào Đề Lớn (11,4km), kinh 13 (19,4 km), kinh Cóc (9,8 km),…

Cũng giống như các huyện của tỉnh An Giang, huyện Châu Phú có khí hậu nhiệt đới gió mùa, hằng năm có 2 mùa gió là: gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc. Gió Tây Nam mang nhiều hơi nước, gây mưa. Gió mùa Đông Bắc hanh khô, có phần nắng nóng, kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4, gây ra hiện tượng khô hạn. Nhiệt độ cao nhất thường 36-380C, nhiệt độ thấp nhất hằng năm thường xuất hiện vào tháng 10 dưới 180C. Huyện ít chịu ảnh hưởng của gió bão nhưng lại chịu tác động mạnh của quá trình thủy văn như lũ lụt, sạt lở đất bờ sông…

Đất đai Châu Phú rất phì nhiêu màu mỡ do hàng năm tiếp nhận lượng phù sa đáng kể bồi đắp cho ruộng đồng nên phần lớn người dân Châu Phú sinh sống bằng nghề nông. Họ trồng cây lúa và hoa màu, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và xuất khẩu. Đánh bắt thuỷ sản, nuôi cá trong hầm, bè là nghề truyền thống của người dân Châu Phú. Với vị trí nằm bên bờ sông Hậu và hệ thống kinh rạch chằng chịt, Châu Phú là nơi rất giàu về tôm, cá. Vào những thập niên năm 1970, 1980 vào mùa nước nổi (nước lũ ngập đồng) khi nước chuẩn bị rút xuống, mọi ngõ ngách, mọi con kênh nào là cá linh, cá thác lát, cá chốt, cá leo... dân chúng đánh bắt bằng chài lưới, gió cất, gió gạc, thả đáy... cá đầy ghe xuồng, ăn không hết phải phơi khô, làm mắm, nước mắm.

2. Điều kiện kinh tế - xã hội

Châu Phú là một huyện nằm trong ruột tứ giác Long Xuyên ở phía Tây ngạn sông Hậu. Được thiên nhiên ưu đãi, hàng năm tiếp nhận lượng phù sa đáng kể bồi bổ cho ruộng đồng. Cùng với cây lúa, cây màu được phát triển tạo thành nguồn chủ lực trong nền kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh, Châu Phú còn phát triển nghề nuôi cá hầm, tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, một số ngành nghề truyền thống như làm gạch ngói, làm lò đất và cân treo có tiếng lâu đời, là nét đặc trưng của Châu Phú.

Giao thông thủy, bộ ở Châu Phú phát triển rộng khắp, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi. Kinh, rạch Châu Phú được xây dựng thành hệ thống hoàn chỉnh vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa là đê bao phòng lũ lụt và cũng là tuyến giao thông thủy bộ nối liền sông Hậu với bên trong vùng Tứ giác Long Xuyên như kinh Thầy Phó, Bình Mỹ, Vàm Xáng Cây Dương, Phù Dật, Chữ S, Vàm Xáng Vịnh Tre, Cần Thảo, Kinh Đào,... Về đường bộ, từ năm 1893, Pháp xúc tiến thi công con đường Châu Đốc - Long Xuyên, nhưng mãi đến năm 1925 con đường mới thông thương được. Từ đó, sự giao thông, vận chuyển trên địa bàn huyện được thông suốt và nhộn nhịp hơn. Hiện nay, đường tráng nhựa đến tận các trung tâm xã trong huyện.

Giao thông thuận lợi đẩy mạnh hoạt động thương mại, chủ yếu là lúa gạo và sản phẩm nông nghiệp. Chợ Cái Dầu hình thành khá sớm và đến năm 1930 trở nên sung túc thành trung tâm thương mại giao lưu rộng rãi với các nơi về lúa, bắp, đậu... Dần dần, nhiều chợ làng mọc lên bày bán và trao đổi sản phẩm nông nghiệp như chợ Mỹ Đức, Năng Gù, Bình Thủy... Do có đường Quốc lộ 91 và sông Hậu chạy qua, là cầu nối giữa thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc, đây là điều kiện thuận lợi cho huyện trong việc phát triển đô thị, thương mại và dịch vụ.

Về dân số, Châu Phú là nơi tập trung khá đông dân cư. Toàn huyện có 246.496 người, đứng hàng thứ ba trong tỉnh (sau Chợ Mới và thành phố Long Xuyên), mật độ 547 người/km2. Trong đó, có 99,12% người Kinh, 0,18% người Hoa (chủ yếu ở thị trấn Cái Dầu và Mỹ Đức). Số còn lại là người Chăm (0,42%), người Khmer 0,27%. Cư dân Châu Phú sinh sống chủ yếu tập trung ven hai bờ sông, kinh rạch.

Tình hình dân số trên địa bàn huyện Châu Phú luôn có những biến động theo thời gian. Năm 1901, dân số Châu Phú có 11.225 người, trong đó có 931 người Chăm [2], đến năm 1970 là 78.866 người. Sau năm 1975, tình hình dân số Châu Phú tăng khá ổn định. Theo điều tra ngày 05/02/1976, dân số Châu Phú là 158.752 người [3] (trong đó có 51 người Khmer, 946 người Hoa, 902 người Chăm), đến năm 1979 là 181.617 người, năm 1990 là 210.882 người và tăng lên 234.924 người vào năm 1999. Theo tổng điều tra ngày 01/4/2009, dân số Châu Phú là 246.496 người [4], trong đó có 441 người Hoa, 1.027 người Chăm và 666 người Khmer.

Châu Phú là vùng có nhiều tôn giáo, với khoảng 98,6% đồng bào có đạo. Cùng với công cuộc khai phá, nhiều tôn giáo cũng được qui tụ về đây. Đạo Thiên Chúa có mặt khá sớm từ buổi đầu khai hoang lập làng. Năm 1845, linh mục Jacques Dương về xây dựng nhà thờ và lập họ đạo Năng Gù. Họ đạo này ngày càng thu hút tín đồ đến khai phá và trở thành một trong những họ đạo lớn nhất trong tỉnh bấy giờ. Chùa Tây An (núi Sam) được xây dựng vào năm 1847 cho thấy đạo Phật cũng sớm có nơi đây. Từ đạo Phật, một giáo phái khác nảy sinh là Bửu Sơn Kỳ Hương vào năm 1849, người sáng lập là ông Đoàn Minh Huyên. Ông cùng các đệ tử vừa khai đất vừa giảng giáo lý phát triển đạo, dấu tích còn lại ở vùng Thạnh Mỹ Tây. Đạo Hồi cũng theo chân người Chăm đến Châu Phú vào giữa thế kỷ XIX. Đạo Phật giáo Hòa Hảo ra đời năm 1939 ở Hòa Hảo (Phú Tân) do ông Huỳnh Phú Sổ sáng lập. Trong một thời gian ngắn đã lan rộng khắp tỉnh và nhanh chóng phát triển ở Châu Phú, thu hút lượng tín đồ khá đông. Hầu hết người Khmer là tín đồ Phật giáo Nam tông của hai phái Mohanikay và Thommayutt.

Theo số liệu thống kê năm 2014, Châu Phú có 132.923 người theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, chiếm 54,2% tổng dân số của huyện; 97.895 người theo đạo Phật giáo, chiếm 39,94%; 3.695 người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, chiếm 1,5%; 2.862 người theo đạo Cao Đài, chiếm 1,17%; 1.805 người theo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, chiếm 0,73%; 1.340 người theo đạo Công giáo, chiếm 0,55%; 1.029 người theo đạo Hồi giáo, chiếm 0,42%; ngoài ra có 61 người theo đạo Tin Lành, 56 người theo đạo Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam.

Toàn huyện có hàng chục cơ sở thờ tự, trong đó có 01 đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành ở Thạnh Mỹ Tây, 01 Cốc Đạo Cậy ở xã Đào Hữu Cảnh, nhiều chùa Phật (chùa Long Khánh, Châu Khánh (Khánh Hòa), chùa Đức Lâm (Mỹ Đức), chùa Long Thới (thị trấn Cái Dầu), chùa Phú Đà Châu ở Bình Mỹ, chùa Bình Phước và Kỳ Lân ở Bình Thủy), 01 nhà thờ Thiên chúa giáo ở Bình Long, 01 thánh đường Hồi giáo Jamiul Aman ở Khánh Hòa và nhiều đình ở các xã, thị trấn: Cái Dầu, Mỹ Đức, Bình Mỹ, Bình Thủy, Vĩnh Thạnh Trung, Khánh Hòa…

 

[1] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2004, tr 73.

[2] Monographie de la Province de Châu Đốc, Saigon, 1902, tr 17-20.

[3] Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Địa chí An Giang, Sơ thảo, năm 2003, tr 216.

[4] Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh An Giang năm 2009 và kết quả chủ yếu, An Giang, 2010, tr 89. Năm 2009, dân số các xã, thị trấn: Cái Dầu 18.244, Khánh Hòa 25.320, Mỹ Đức 21.283, Mỹ Phú 21.718, Ô Long Vĩ 12.420, Vĩnh Thạnh Trung 29.390, Thạnh Mỹ Tây 22.997, Bình Long 17.935, Bình Mỹ 24.621, Bình Thủy 17.580, Đào Hữu Cảnh 14.535, Bình Phú 9.358, Bình Chánh 9.701 người.