LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
1. Địa giới hành chính qua các thời kỳ lịch sử
Châu Phú xưa kia là thuộc vùng đất Tầm Phong Long[1]. Vùng đất này khi ấy hầu như còn hoang hóa. Khi chúa Nguyễn đến thiết lập chính quyền ở Gia Định (1698), ngay bên bờ sông Hậu đã có người Việt rải rác sinh sống.
Năm Đinh Sửu 1757, để tạ ơn cứu giúp, vua Chân Lạp là Nặc Ông Tôn dâng đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp nhận, liền sai Trương Phước Du và Nguyễn Cư Trinh “đem xứ Sa Đéc đặt làm đạo Đông Khẩu, xứ cù lao ở Tiền Giang đặt làm đạo Tân Châu, xứ Châu Đốc ở Hậu Giang làm đạo Châu Đốc” [2]. Như vậy, về mặt quân sự, vùng đất Châu Phú lúc này thuộc đạo Châu Đốc, dinh Long Hồ.
Sau khi lên ngôi vua, vào năm 1805 Gia Long chia Nam Bộ làm 5 trấn: Biên Trấn (Biên Hoà), Phiên Trấn (Gia Định), Định Trấn (Định Tường),Vĩnh Trấn (Vĩnh Long, An Giang), Hà Tiên Trấn. Vùng đất Châu Phú thuộc Vĩnh Trấn. Năm 1808, Vĩnh Trấn đổi lại là trấn Vĩnh Thanh. Trấn Vĩnh Thanh có 1 phủ Định Viễn và 4 huyện (Vĩnh Bình, Tân An, Vĩnh An, Vĩnh Định). Huyện Vĩnh Định quá rộng, phạm vi từ biên giới Việt Nam - Campuchia xuống đến giáp biển, qua phía Rạch Giá, với 37 thôn, chưa chia ra tổng vì dân cư còn thưa thớt. Địa bàn Châu Phú dưới thời vua Gia Long (1802 - 1820) gồm có bốn thôn Bình Lâm, Bình Thạnh Tây, Bình Trung, Mỹ Đức thuộc huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh.
Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh. Nam Bộ được chia làm 6 tỉnh, còn gọi là Nam Kỳ lục tỉnh: Phiên An (Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Tỉnh An Giang có 2 phủ 4 huyện (phủ Tuy Biên gồm huyện Tây Xuyên và Phong Phú, phủ Tân Thành gồm huyện Vĩnh An và Đông Xuyên). Vùng đất Châu Phú khi đó thuộc tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang gồm có bốn thôn Bình Lâm, Bình Mỹ, Vĩnh Thạnh Trung, Mỹ Đức. Từ đây, vùng đất Châu Phú thuộc tỉnh An Giang. Phủ trị và huyện trị đặt tại thôn Mỹ Đức.
Sau khi chiếm xong Nam Kỳ, thực dân Pháp tiến hành thiết lập các đơn vị hành chính mới, bước đầu thực hiện chính sách “chia để trị”, ngày 16/9/1875, Thống đốc Nam Kỳ Duperrè ra Nghị định: “Cù lao Cỏ Tầm Bon thuộc làng Bình Khánh Đông cho tách ra lập làng Khánh Hòa. Các nhà cửa làng Mỹ Đức ở rạch Mương Cái nhập vào làng Vĩnh Thạnh Trung. Làng Thạnh Mỹ Đông ở cù lao Cái Dầu nhập vào làng Bình Long”[3]. Theo Nghị định ngày 5/1/1876, thực dân Pháp chia tỉnh An Giang xưa làm 3 hạt tham biện Châu Đốc, Sa Đéc, Ba Xuyên. Vùng đất Châu Phú lúc này thuộc hạt Châu Đốc.
Ngày 01/01/1900, Toàn quyền Paul Doumer áp dụng Nghị định 20/12/1899, Pháp bãi bỏ các hạt thành tỉnh, cấp bậc hành chính mới là tỉnh, quận (bỏ phủ và huyện), tổng và xã (thay cho các tên thôn xã phường ấp cũ)[4], Châu Phú thuộc tỉnh Châu Đốc. Năm 1917, Châu Phú là tổng thuộc quận Châu Thành, tỉnh Châu Đốc. Quận Châu Thành gồm 3 tổng với 37 xã [5]. Địa bàn Châu Phú ngày nay nằm trong bảy xã của quận Châu Thành, đó là Bình Mỹ, Bình Long, Vĩnh Thạnh Trung, Thạnh Mỹ Tây, Khánh Hòa, Katambong (tổng An Lương), Mỹ Đức (tổng Châu Phú). Năm 1919, quận Châu Thành đổi tên thành quận Châu Phú thuộc tỉnh Châu Đốc. Tuy nhiên, đến năm 1939 lại đổi lại tên quận Châu Thành như cũ.
Dưới chính quyền Sài Gòn, ngày 22/10/1956, tỉnh An Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên cũ. Lúc này, vùng đất cả hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc trước đó đều có quận Châu Thành, nhưng do tỉnh lỵ tỉnh An Giang đặt ở quận Châu Thành thuộc tỉnh Long Xuyên cũ, cho nên quận Châu Thành thuộc tỉnh Châu Đốc cũ được đổi tên là quận Châu Phú như ở giai đoạn 1919 - 1939. Ngày 24/4/1957, theo Nghị định số 143/NĐ của chính quyền Ngô Đình Diệm, quận Châu Phú thuộc tỉnh An Giang có 3 tổng, 27 xã (bao gồm huyện Châu Phú, huyện An Phú, thành phố Châu Đốc, các xã ven sông Hậu của huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu ngày nay):
- Tổng Châu Phú có 9 xã: Châu Phú, Châu Giang, Đa Phước, Mỹ Đức, Vĩnh Hậu, Vĩnh Ngươn, Vĩnh Phong, Vĩnh Tế, Vĩnh Trường.
- Tổng An Lương có 9 xã: Bình Long, Bình Thủy, Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Hòa Lạc, Hưng Nhơn, Khánh Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Thạnh Trung.
- Tổng An Phú có 9 xã: Nhơn Hội, Phú Hữu, Khánh An, Khánh Bình, Phước Hưng, Phú Hội, Phũm Soài, Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Lộc.
Ngày 6/8/1957, tách tổng An Phú có 9 xã và 4 xã của tổng Châu Phú (Đa Phước, Vĩnh Hậu, Vĩnh Phong, Vĩnh Trường) thành lập quận An Phú. Quận Châu Phú còn 2 tổng, 14 xã: Châu Phú, Châu Giang, Mỹ Đức, Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế (tổng Châu Phú), Bình Long, Bình Thủy, Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Hòa Lạc, Hưng Nhơn, Khánh Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Thạnh Trung (tổng An Lương).
Ngày 8/9/1964, theo Sắc lệnh 246/NV của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, tỉnh An Giang tách thành 2 tỉnh Châu Đốc và An Giang, quận Châu Phú thuộc tỉnh Châu Đốc gồm 2 tổng, 15 xã: Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Châu Phú, Mỹ Đức, Châu Phong (tổng Châu Phú), Bình Long, Bình Thủy, Bình Thạnh Đông, Châu Giang, Hiệp Xương, Hòa Lạc, Hưng Nhơn, Khánh Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Thạnh Trung (tổng An Lương).
Về phía chính quyền Cách mạng, sau Cách mạng tháng Tám 1945, Châu Phú vẫn thuộc tỉnh Châu Đốc. Ngày 6/3/1948, Long Xuyên, Châu Đốc được chia thành hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu, Châu Phú thuộc tỉnh Long Châu Hậu. Ngày 30/10/1950, theo Nghị định số 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Châu Phú thuộc tỉnh Long Châu Hà. Tháng 10/1954, Xứ ủy Nam Bộ lập lại hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc, Châu Phú thuộc tỉnh Châu Đốc. Giữa năm 1957, Châu Phú thuộc tỉnh An Giang và đến tháng 9/1974 thuộc tỉnh Long Châu Hà.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Nghị định số 19/NQ-TW ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị, tỉnh An Giang được thành lập bao gồm tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc cũ, Châu Phú là một trong 8 quận của tỉnh An Giang. Tháng 2/1976, Nghị định của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam giải thể khu hợp nhất tỉnh, bỏ danh xưng “quận” có từ thời Pháp thuộc và lấy lại danh xưng “huyện” và “phường” dành cho các đơn vị tương xứng với huyện và xã khi đã đô thị hóa; Châu Phú là một trong 10 huyện, thị xã [6] của tỉnh An Giang gồm 8 xã: Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Mỹ Đức, Khánh Hòa, Vĩnh Thạnh Trung, Thạnh Mỹ Tây, Bình Long, Bình Mỹ. Ngày 27/01/1977, theo Quyết định số 199/TC.UB của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, xã Vĩnh Nguơn thuộc thị xã Châu Đốc.
Ngày 25/4/1979, theo Quyết định 181-CP của Hội đồng Chính phủ tách các ấp Bình Nghĩa, Bình Hòa 1 của xã Bình Long, ấp Vĩnh Tiền, Vĩnh Quới của xã Vĩnh Thạnh Trung thành lập thị trấn Cái Dầu; tách các ấp Mỹ Thiện 1, Mỹ Thiện 2 của Mỹ Đức và ấp Vĩnh Hòa của xã Vĩnh Thạnh Trung thành lập xã Mỹ Phú; tách ấp Vĩnh Bình của Vĩnh Thạnh Trung và một phần ấp Mỹ Hòa của xã Mỹ Đức thành lập xã Ô Long Vĩ; tách các ấp Bình Chánh, Bình An của xã Bình Long và nửa ấp Bình Chơn của Bình Mỹ thành lập xã Bình Phú; tách ấp Bình Chánh và nửa ấp Bình Chơn của xã Bình Mỹ thành lập xã Bình Chánh.
Ngày 23/8/1979, theo Quyết định số 300-CP của Hội đồng Bộ trưởng sáp nhập xã Bình Thủy của huyện Châu Thành vào huyện Châu Phú; sáp nhập xã Vĩnh Tế vào thị xã Châu Đốc. Ngày 12/01/1984, thành lập xã Đào Hữu Cảnh trên cơ sở tách các ấp Hưng Thới, Hưng Thuận, Hưng Trung, Long Châu 4 của xã Thạnh Mỹ Tây theo Quyết định số 8-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
Hiện nay, huyện Châu Phú gồm có 1 thị trấn: Cái Dầu và 12 xã: Bình Mỹ, Bình Thủy, Bình Long, Bình Chánh, Bình Phú, Vĩnh Thạnh Trung, Mỹ Phú, Mỹ Đức, Khánh Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Ô Long Vĩ, Đào Hữu Cảnh.
2. Quá trình khai hoang, lập làng ở Châu Phú
Cho đến đầu thế kỷ XVIII, khi lưu dân người Việt bước chân đến khẩn hoang, lập ấp thì Châu Phú vẫn là vùng đất “mênh mông lầy rậm, hoang dã, đầy cọp sấu, rắn rết” [7], chưa được mở mang khai phá bao nhiêu.
Năm 1757, tuy chúa Nguyễn lập đạo Châu Đốc (đóng tại Châu Đốc ngày nay), khi ấy đồn này là đồn biên ải rất hoang tịch, một ít xóm người Việt phần lớn là các gia binh. Để tự túc lương thực, họ tiến hành khai phá đất đai chung quanh đồn, rồi dần dần về sau “dân chúng đã tự động vào sinh cơ lập nghiệp trong đất mới chứ chưa thấy tổ chức doanh điền nào của nhà cầm quyền” [8]. Lúc này, vùng đất Châu Phú lưu dân còn thưa thớt, rải rác vài nhóm lưu dân người Việt sinh sống ở ven bờ, cồn bãi sông Hậu và thôn làng chưa có. Mặt khác, vùng đất mới này luôn gặp nhiều khó khăn do địa thế trũng thấp, khí hậu khắc nghiệt và giặc Xiêm La, Chân Lạp thường xuyên cướp phá nên công cuộc khai khẩn còn chậm.
Khi trật tự an ninh ổn định, cư dân người Việt tự động hoặc theo chính sách di dân lập ấp đến vùng đất Châu Phú khai hoang lập làng. Ông Dương Văn Hóa là lưu dân từ miền Trung đến cù lao “Long Cù” khai khẩn đất đai và định cư tại đây. Địa thế nơi đây có nhiều sông rạch, thuận lợi đánh bắt thủy sản và đất đai màu mỡ là điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi nên thu hút lưu dân đến lập nghiệp ngày càng đông hơn. Năm 1783, thôn Bình Lâm (Bình Thủy ngày nay) được thành lập do cụ Dương Văn Hóa, người có công khai phá, đệ đơn xin lập làng. Sau khi được chấp thuận, cụ được chúa Nguyễn phong chức “Trùm tri thâu” để trông coi thôn và vùng “xép” từ Cái Dầu đến ranh Chắc Cà Đao. Nơi đây, vào đầu thế kỷ XIX được Trịnh Hoài Đức mô tả: “rừng trúc rậm rạp, chằm cá đầy rẫy, phàm dân ở thượng lưu sông Hậu Giang đều lấy tre gỗ cá mú là món nhật dụng trước hết, bông là thứ hai, mà thóc gạo lại là bực thứ nữa” [9].
Đến đầu thế kỷ XIX, vùng đất An Giang dân cư còn quá thưa thớt, đất hoang còn nhiều, nhất là vùng bờ tây sông Hậu. Triều Nguyễn chủ trương đẩy mạnh khai hoang nhằm giải quyết phần nào tình trạng kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Các chỉ dụ năm 1802, 1803 khuyến khích mọi người khai hoang với các thủ tục dễ dãi “người dân tự lựa chọn nơi khai phá” [10], cho vay thóc giống, cho miễn thuế người đi khai phá đất hoang với thời hạn là 3 năm,… Chính vì thế, sự xâm nhập của lưu dân người Việt vào vùng đất Châu Phú ngày càng mạnh mẽ hơn. Họ tiếp tục lấn dần vào vùng đất hoang, đất đai trồng trọt được mở rộng, dân cư ngày càng đông đúc hơn, dẫn đến nhiều thôn mới được thành lập như thôn Bình Thạnh Tây, Bình Trung, Mỹ Đức.
Theo Địa bạ An Giang năm 1836, trên địa bàn huyện Châu Phú ngày nay, cư dân khai phá và lập ra các thôn: Bình Lâm (xã Bình Thủy), Bình Mỹ (xã Bình Mỹ, Bình Long, Cái Dầu, Bình Phú, Bình Chánh), Vĩnh Thạnh Trung (xã Vĩnh Thạnh Trung, Mỹ Phú, Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Ô Long Vĩ), Mỹ Đức (xã Mỹ Đức, Khánh Hòa) [11].
Bên cạnh hình thức khai hoang do chính quyền tổ chức hay người dân tự tiến hành, công cuộc khẩn hoang ở Châu Phú còn có sự đóng góp công lao của các nhóm tín đồ tôn giáo. Ở thôn Bình Lâm, một nhóm giáo dân theo đạo Thiên Chúa cũng đến đây khai khẩn ruộng đất. Năm 1845, linh mục Jacques Dương về lập họ đạo Năng Gù. Đây là họ đạo lớn nhất ở An Giang lúc bấy giờ.
Năm 1851, để tránh sự nghi kỵ của chính quyền nhà Nguyễn, các nhóm tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương chia nhau đi nhiều nơi để khai phá. Các đệ tử Đoàn Minh Huyên có Quản cơ Trần Văn Thành đến vùng Láng Linh lập trại ruộng, thực hiện cuộc khẩn hoang. Đây là vùng hoang vu, ngập lụt. Công cuộc khẩn hoang vô cùng khó khăn. Tuy nhiên với quyết tâm, cố gắng của Trần Văn Thành và những người đi khai hoang, một khu dân cư mới được hình thành, dẫn đến làng Thạnh Mỹ Tây được thành lập sau đó. Ông Nguyễn Văn Xuyến (Đạo Xuyến) cùng tín đồ và gia đình mở đất vùng Cái Dầu, lập chùa Châu Long Thới.
Cùng với người Việt, công cuộc khai hoang lập làng còn có người Hoa, Chăm, Khmer. Vào những năm 80 thế kỷ XVIII, người Hoa cũng có mặt ở An Giang, do trước đây một bộ phận người Hoa theo Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đến định cư tại cù lao Cây Sao (huyện Chợ Mới). Sau đó, các xã Minh Hương được hình thành sớm ở Mỹ Đức, Cái Dầu [12]. Ông Lý Văn Nhiên cho biết: “Ông sơ của ông xưa cũng là người gốc Triều Châu, di sang làm nghề lương y, sinh sống ở xã Mỹ Đức rồi lập gia đình ở đây, tính đến nay đã được 8 đời, khoảng trên 200 năm” [13] .
Do những biến cố lịch sử, một bộ phận người Chăm rời bỏ quê hương sang Campuchia rồi về Châu Phú sinh sống. Địa phương chí xã Châu Phong (quận Châu Phú) có ghi gốc tích của người Chăm của xã như sau: Năm 1820, một quan Thống đốc của người Chàm ở Cao Miên tên là Saet Abubaca bị tố cáo là phiến loạn đã bị vua Cao Miên bắt và xử tử hình ở Oudong. Con ông và một số người hầu cận bị cầm tù, một số người trốn thoát được về sống dưới sự che chở của người Ma Lai lúc bấy giờ cư trú tại Châu Đốc. Năm 1840, phần lớn thân binh người Chăm sau khi giải ngũ đến trú ngụ tại cù lao Katambong. Năm 1858, ở Chân Lạp, “Tuôn Sêt It lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống lại triều đình phong kiến An Dương. Cuộc khởi nghĩa thu hút khá đông người Chăm và người Mã Lai tham gia. Đến khi khởi nghĩa thất bại, để lánh nạn, rất nhiều người Chăm, người Mã Lai chạy về Nam Bộ Việt Nam tìm sự che chở của triều Nguyễn đã về định cư ở tả ngạn sông Tiền, cù lao Katambong và ở Châu Đốc, dọc hai bờ sông Hậu” [14].
[1] Phiên âm tiếng Khmer là “Kongpong Luông” dịch ra là Tầm Lôn. Đất Tầm Phong Long xưa bao gồm từ Vĩnh Long, Sa Đéc lên tận Châu Đốc. Tỉnh An Giang nay thuộc đất Tầm Phong Long xưa. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb Giáo dục, 1998, tr 80.
[2] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb Giáo dục, 1998, tr 80.
[3] Võ Thành Phương, Địa giới An Giang xưa và nay, Chuyên san Giáo dục An Giang, số 14, tr 41.
[4] Nguyễn Đình Đầu, Địa bạ triều Nguyễn : An Giang, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr 94.
[5] Quận Châu Thành có 3 tổng, 37 xã: Bình Long, Bình Thủy, Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Hòa Lạc, Hưng Nhơn, Khánh Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Thạnh Trung, Katambong (tổng An Lương), Kacoki, Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Phú Hữu, Vĩnh Hậu, Vĩnh Khánh, Vĩnh Lộc, Vĩnh Phong, Châu Giang, Đồng Đức, Kacôi, Khánh Hội, Phum Soài, Làng Hậu (tổng An Phú), Châu Phú, Đa Phước, Hà Bao, Mỹ Đức, Phú Hội, Phước Hưng, Vĩnh Hội, Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Trường, Lama (tổng Châu Phú).
[6] Châu Thành, Huệ Đức, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Long Xuyên và thị xã Châu Đốc.
[7] Cao Thanh Tân, Lịch sử khai phá và bảo vệ chủ quyền vùng đất Châu Đốc thời Nguyễn”, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009, tr 40.
[8] Nguyễn Văn Hầu, Sự thôn tính và khai thác đất Tầm Phong Long, Tạp san Sử Địa, số 19-20, 1970, tr.11
[9] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr 64.
[10] Huỳnh Lứa, Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1987, tr 98.
[11] Nguyễn Đình Đầu, Địa bạ triều Nguyễn : An Giang, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr 259-262.
[12] Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Địa chí An Giang, tập 2, tr 216.
[13] Lâm Tâm, Người Hoa ở An Giang, Chi hội Văn nghệ dân gian An Giang và Hội Văn nghệ Châu Đốc xuất bản, 1993, tr 64.
[14] Phan Văn Kiến, Võ Thành Phương, Lịch sử địa phương An Giang, Nxb. Giáo dục, 2009, tr 86.