VÙNG ĐẤT CON NGƯỜI - DU LỊCH CHÂU PHÚ - VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
1. Truyền thống văn hóa
Khi mới mở đất, người Việt ở Châu Phú dựng miếu thờ Sơn thần thổ trạch (vị thần trông coi vùng đất mà mình sinh sống) hoặc thờ những vị anh hùng, những người có công mở đất hoặc giữ đất. Trong mỗi làng đều có một ngôi đình. Đình là nơi hội họp, bàn bạc công việc chung của làng, ngoài thờ Sơn thần thổ trạch còn là nơi thờ Thần Thành hoàng Bổn cảnh, những người có công đối với dân với nước và những tín ngưỡng thờ phụng khác. Ở Châu Phú, đình được dựng lên khá sớm. Do khai phá từ rất sớm nên nhu cầu tâm linh ở vùng đất mới rất cần thiết. Ông Dương Văn Hóa (người có công khai phá và lập thôn Bình Lâm) đã cùng nhân dân dựng lên đình làng. Ban đầu đình mang tên Bình Lâm, làm bằng tre lá đơn sơ tại vàm Rạch Chanh. Sau khi ông mất, dân làng tôn làm Tiền hiền thờ trong đình.
Lễ hội đình làng để cầu mùa màng tươi tốt, an cư lập nghiệp, bình an khoẻ mạnh cho cả làng, là một trong những nét tín ngưỡng của người Việt ở Châu Phú. Mỗi đình làng tự chọn ngày cúng lễ. Lễ Kỳ yên ở các đình, miếu được tổ chức hàng năm theo nghi thức truyền thống. Trong những ngày lễ hội, người Việt đánh trống xây chầu, khua chiêng, múa lân, hát bộ, ca nhạc tài tử; xung quanh khu vực đình làng tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động thể dục thể thao và cuộc thi tìm hiểu lịch sử địa phương. Lễ Kỳ yên ở đình Bình Thủy diễn ra vào ngày 9-10-11 tháng 5 âm lịch hằng năm kỷ niệm ngày thành lập làng và đình có tổ chức lễ hội đua thuyền rất nhộn nhịp.
Các phong tục tập quán truyền thống của người Việt trong các nghi lễ như cưới xin, ma chay, giỗ chạp... ở Châu Phú vẫn là những phong tục lâu đời được tôn trọng trong nhân dân. Bên cạnh đó, người dân còn có những sinh hoạt lễ hội, lễ nghi của tôn giáo. Đối với đạo Phật, vào những ngày Tết, rằm, lễ Phật đản... người dân đến chùa cúng viếng rất đông.
Người Hoa, Chăm, Khmer cũng đã đến định cư và lập nghiệp tại vùng đất Châu Phú từ rất sớm. Đa phần người Hoa ở đây là người Quảng Đông và Triều Châu, tập trung đông nhất ở thị trấn Cái Dầu, xã Mỹ Đức. Họ theo tín ngưỡng đa thần, thờ Quan Đế, Bảo Sanh, ông Bổn, ông Bắc, bà Thiên Hậu. Ngoài tín ngưỡng đa thần, người Hoa cũng thể hiện niềm tin vào vật linh như thờ thần Hổ, thờ Ngũ Cốc Thánh Chủ… với mong ước được bảo hộ và may mắn trong hoạt động nông nghiệp. Ở Châu Phú, hầu hết người Chăm theo đạo Hồi. Thánh kinh Coran được tin tưởng tuyệt đối. Mỗi ngày 5 lần, ít nhất cũng 3 lần, mọi tín đồ phải thực hiện cầu nguyện. Trưa thứ sáu hằng tuần, nam tín đồ tắm rửa sạch sẽ, y phục chỉnh tề nghe tiếng gọi của ông Bilal (Muszin) kéo đến thánh đường làm lễ Zam ak như một ngày hội. Người Khmer có đời sống tinh thần và tâm linh của cư dân nông nghiệp nên tôn thờ các vạn vật hữu linh như Arăk, Neak Tà; các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer như lễ chịu tuổi (giống như tết Nguyên đán của người Kinh) còn gọi là Chol Chnam Thmây, lễ Đôn Ta (cúng ông, bà), lễ Cầu mưa…
Cùng với những nét đặc sắc về văn hóa, Châu Phú cũng là nơi sớm có điều kiện phát triển về giáo dục. Năm 1842, dưới thời vua Thiệu Trị, Tỉnh học An Giang mới được thành lập, đặt tại địa phận thôn Tây Phú (ngày nay thuộc thành phố Châu Đốc), đặt chức Đốc học và Phó Đốc học để trông coi việc dạy học ở đây. Ở thôn Bình Lâm (xã Bình Thủy), dân làng còn truyền tụng và ghi chép: “năm 1873, cụ Nguyễn Hà Thanh từng làm Tri phủ, vì bất mãn chúa Nguyễn về đây sinh sống, mở trường dạy học, mở mang dân trí” [1]. Dưới thời Pháp thuộc, việc mở trường lớp ở Châu Phú rất hạn chế. Mỗi xã nếu có chỉ toàn là trường Sơ cấp [2]. Trước năm 1945 đã rải rác có các trường làng với khoảng vài lớp bậc sơ học, tiểu học; chưa có trường lớp nào thuộc bậc trung học. Từ sau năm 1945, mỗi xã đều có trường sơ học, tiểu học. Đến năm 1960, ở Châu Phú đã có trường trung học đặt tại Cái Dầu.
Sau năm 1975, giáo dục Châu Phú phát triển về qui mô và mạng lưới trường lớp. Theo kết quả điều tra trình độ văn hóa vào ngày 01/4/1999, ở Châu Phú có 124.750 người có trình độ tiểu học, 32.535 người trung học cơ sở, 22.251 người trung học phổ thông, 585 người cao đẳng, 688 đại học và còn 33.927 người chưa biết chữ [3]. Theo thời gian và sự phát triển dân trí, số người có trình độ học vấn cao ngày càng nhiều.
Châu Phú là nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng và kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh như Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành (xã Thạnh Mỹ Tây), chùa Long Khánh (xã Khánh Hòa), Cốc Đạo Cậy (xã Đào Hữu Cảnh), đình Mỹ Đức (xã Mỹ Đức), đình Bình Long (thị trấn Cái Dầu), đình Bình Mỹ (xã Bình Mỹ), đình Bình Thủy (xã Bình Thủy). Hàng năm vào những ngày lễ hội, địa phương thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Đặc biệt, ở Châu Phú còn có Lễ Hội đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành. Hiện nay đền thờ tọa lạc tại xã Thạnh Mỹ Tây. Trước năm 1975, mặc dù trong thời kỳ chiến tranh, nhưng nhân dân trong vùng đến chiêm bái vào các ngày lễ hội hàng năm có trên mười nghìn lượt người. Ngày 12/12/1986, đền thờ được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, việc tổ chức lễ hội được chính quyền sở tại trực tiếp tham gia, có qui mô lớn, thu hút lượng du khách mỗi năm đông hơn. Năm 1999, có hơn 30.000 lượt người từ các tỉnh đến tham quan. Đền thờ cũng được nhà nước và nhân dân từng bước trùng tu, ngày càng khang trang hơn. Lễ hội chính thức được tiến hành vào các ngày 21, 22 tháng 2 âm lịch (kỷ niệm ngày mất của ông).
Từ năm 2003, huyện Châu Phú đã chọn ngày 22 tháng 2 âm lịch hàng năm làm ngày Lễ hội văn hóa lịch sử truyền thống của huyện, nhân kỷ niệm ngày Quản Cơ Trần Văn Thành cùng nghĩa binh Gia Nghị chống Pháp hy sinh và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa; lễ hội tổ chức tại Bửu Hương Tự, nơi thờ Đức Quản cơ Trần Văn Thành, cách Quốc lộ 91 mười cây số theo đường Nam Vịnh Tre. Lễ hội kéo dài trong 05 ngày, được nhân dân cả vùng Tây Nam Bộ đến dự với số lượng trên 30 - 40 nghìn người.
2. Quá trình cải tạo, chinh phục thiên nhiên của cư dân Châu Phú
Tuy là vùng đất khai khẩn sau Chợ Mới, Tân Châu nhưng vào cuối thế kỷ XVIII Châu Phú được mô tả là vùng đất “rừng hoang đầy rẫy thú dữ, sông vắng lại đặc nghẹt kình ngư” [4].
Ở Châu Phú, ban đầu người dân di cư thường đến thẳng, cư trú trước tiên ở những giồng đất cao ven sông sông Hậu. Họ luôn phải đối phó với lũ lụt, với thú dữ, với những điều kiện có hại cho cuộc sống và “con người bao giờ cũng biết tự tạo ra môi trường sống thích hợp với mình trong mọi thiên nhiên” [5]. Trong giai đoạn đầu, vì số người mới đến phần đông là những người nông dân nghèo khổ, thiếu thốn đủ mọi thứ như vốn liếng, nông cụ, trâu bò,... cho nên số ruộng đất mà mỗi người trưng khẩn được thường chỉ chiếm một diện tích nhỏ bé.
Để biến rừng hoang cỏ rậm thành đất đai canh tác, người dân trước tiên tiến hành khẩn hoang mở đất. Việc này đòi hỏi rất nhiều công sức. Đến nửa đầu thế kỷ XIX, công cuộc khai phá ở Châu Phú phát triển khá mạnh so với thế kỷ trước và đạt được nhiều thành quả đáng kể. Theo kết quả đo đạc của triều Nguyễn vào năm 1836, diện tích khai phá của thôn Bình Lâm là 740,5 ha, Bình Mỹ 692,2 ha, Vĩnh Thạnh Trung 40,6 ha[6]. Lúc này, đất đai ở Châu Phú chủ yếu là trồng lúa chiếm khoảng 29,4% diện tích khai phá, trồng dâu nuôi tằm chiếm 49,2%, trồng đậu khoai chiếm 9,6%, trồng tre chiếm 9,9%, còn lại 1,9% là đất thổ cư.
Việc trồng lúa lúc này của người dân Châu Phú hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Theo Gia Định thành thông chí mô tả: “ruộng núi thì khi mới khai khẩn thì đẵn chặt cỏ cây, đợi cho khô đốt thành tro, đến khi mưa xuống cứ thế mà gieo thóc, không phải cày bừa…; ruộng thấp thì cỏ lác, cỏ năn và bùn lầy, ngày nắng ráo thì đất rạn nẻ…., đợi đến khi cuối mùa hạ sang mùa thu, nước mưa đầy tràn, chặt phá cỏ lác cỏ năn, bừa cỏ đi, be đắp thành bờ, trang đất cắm mạ” [7]. Người nông dân chỉ gieo trồng mỗi năm một vụ vào mùa mưa. Tùy thuộc chân ruộng cao hay thấp mà làm sớm hay làm muộn.
Do vùng đất Châu Phú phần lớn là đất thấp trũng phèn và phải đối phó với lũ lụt lớn, vào cuối thế kỷ XIX người dân còn làm ruộng trồng lúa nổi, với kinh nghiệm “Cạn thì Tây, sâu thì Tàu” (nơi ngập vừa phải thì trồng các giống Nàng Tây,…; nơi ngập sâu thì trồng các giống Tàu Binh, Tàu Nút,…). Các giống lúa này “có khả năng tăng trưởng nhanh và chịu được tình trạng ngập sâu, chiều cao từ 3 mét đến 5 mét” [8].
Để có thể tiến hành canh tác có hiệu quả, người nông dân thuở ấy còn phải giải quyết vấn đề thuỷ lợi. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với việc khai phá thành công vùng đất Châu Phú. Bởi vì vùng đất này là một “cánh đồng rộng bao la, xung quanh rừng rậm dày đặc, đầm lầy, ít kênh rạch thông vào, đi lại khó khăn, lắm thú to rắn độc” [9]. Trong tình trạng ấy, để đảm bảo được mùa màng, người nông dân khai hoang phải tổ chức việc tưới, tiêu, rửa phèn. Tuy nhiên bằng cách làm ăn đó họ đã bước đầu chinh phục được thiên nhiên và đã mang lại những kết quả to lớn. Họ biến đất khô khan hoặc ngập úng thành những cánh đồng rộng lớn phì nhiêu. Những năm gần đây, cư dân Châu Phú còn hạn chế tác hại của lũ lụt bằng cách tiến hành bao đê để sản xuất vụ 3, góp phần tăng năng suất lao động và cải thiện thêm đời sống.
Trên cơ sở diện tích đạt được, với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác nhau, cư dân Châu Phú trong các thế kỷ XVII - XX đã biến vùng đất hoang vu, rậm rạp, sình lầy khi họ mới đặt chân tới, thành một vùng đất canh tác rất tốt, sản xuất được nhiều lúa gạo.
3. Cư dân Châu Phú đấu tranh chống giặc ngoại xâm
Tinh thần yêu nước của nhân dân Châu Phú được bộc phát qua việc ủng hộ và tham gia cuộc khởi nghĩa của hai ông Lê Văn Sanh và Đỗ Đăng Tàu (năm 1867) là thủy vệ binh của triều Nguyễn, khi Pháp đánh chiếm Châu Đốc. Thành Châu Đốc thất thủ, hai ông bí mật tổ chức đội thuyền hoạt động ở mương Vệ Thủy (nay thuộc phường Vĩnh Mỹ, Tp Châu Đốc), thường xuyên bố trí kéo dây ngang sông Hậu để chặn tàu giặc. Quân Pháp tấn công, hai ông lãnh đạo nghĩa quân rút sâu vào vùng Ô Long Vĩ, nhận chìm hai tàu thuyền rồi rút vào Bảy Thưa. Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực cũng lôi cuốn người dân yêu nước ở đây tham gia. Đặc biệt, Châu Phú là nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa của Quản cơ Trần Văn Thành. Đây là cuộc khởi nghĩa có tính chất qui mô, quyết liệt và dai dẳng, thể hiện lòng căm thù sâu sắc giặc ngoại xâm.
Trần Văn Thành (không rõ sinh năm nào - 1873) [10], quê quán tại làng Bình Thạnh Đông, tổng Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Từ năm 1840, ông gia nhập quân đội triều Nguyễn. Dưới thời vua Tự Đức, ông giữ chức Chánh Quản cơ nên còn gọi là Quản cơ Thành. Sau đó, ông xin giải ngũ về trú ngụ tại Cồn Nhỏ (nay thuộc xã Phú Bình, Phú Tân) để khai khẩn đất hoang. Năm 1849, Trần Văn Thành gia nhập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương của Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An). Giữa lúc triều Nguyễn đề ra chính sách khẩn hoang lập làng ở An Giang, năm 1851, ông cùng gia đình đến vùng trũng Láng Linh để chiêu mộ nhiều người đến khẩn hoang đất đai, lập ra Bửu Hương Các (nay thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú).
Ngày 22/6/1867, thực dân Pháp đánh chiếm An Giang, Trần Văn Thành đang ở Cồn Nhỏ với một lực lượng nửa vũ trang chịu sự chi phối của tỉnh thành An Giang. Đầu tiên ông xây dựng lực lượng ở đồn Hàng Tràm (tại Cồn Nhỏ), tổ chức nhân dân trong vùng lập bè cản tàu chiến giặc trên sông Hậu tại Cồn Nhỏ, phá hoại việc thiết lập bộ máy thống trị thực dân ở An Giang, đánh phá các đồn lẻ của giặc ở xa trung tâm. Tháng 11/1867, nghĩa quân Trần Văn Thành tập trung lực lượng tấn công thành An Giang (ở Châu Đốc) nhưng không thành. Sau những trận giao chiến đầu tiên với Pháp từ tháng 6 đến cuối năm 1867, ông thấy rằng phải phát triển lực lượng mạnh mẽ hơn nữa, phải có một cứ hiểm mới đương đầu với quân Pháp lâu dài được. Chính vì thế, đầu năm 1868, ông cùng nghĩa quân rút vào rừng Bảy Thưa [11] trong Láng Linh chiêu mộ nghĩa binh lập căn cứ tổ chức kháng chiến chống Pháp.
Do là một trong những lãnh tụ có uy tín của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương và uy tín có được từ khả năng hoạt động quân sự trong quân đội nhà Nguyễn nên ông nhanh chóng tập hợp những nông dân yêu nước, trước hết là những tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương yêu nước đang căm thù thực dân Pháp xâm lược và quan lại phong kiến đầu hàng, trong đó có nhiều người yêu nước đến từ miền Tiền Giang. Chính vì vậy, “lực lượng gia nhập khởi nghĩa Trần Văn Thành có thể không bó hẹp trong tỉnh An Giang mà còn lan rộng ra nhiều tỉnh lân cận bởi tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương vốn đã có cơ sở nhiều nơi trong lục tỉnh” [12]. Đến năm 1870, ông chiêu mộ nghĩa binh được khoảng 1.200 người.
Căn cứ chính của ông đặt tại đồn Hưng Trung (nay nằm trên nền chùa Nam Long Tự thuộc xã Đào Hữu Cảnh, Châu Phú). Xung quanh đồn Hưng Trung còn thiết lập các đồn làm tuyến ngăn giặc như phía hữu có đồn Sơn Trung (nay thuộc xã Vĩnh An, huyện Châu Thành) và đồn Giồng Nghệ (nay thuộc xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành); phía trước có đồn Cái Môn (nay thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) và đồn Hờ (ở rạch Cái Dầu, huyện Châu Phú); phía sau có trạm canh Ông Tà (nay thuộc xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn).
Trong thời gian chuẩn bị lực lượng, năm 1872, mật thám Pháp theo dõi hoạt động của Trần Văn Thành trong việc chiêu tập tín đồ và phát hiện âm mưu chuẩn bị khởi nghĩa. Biết căn cứ bị bại lộ, Trần Văn Thành chủ động khởi nghĩa. Ông phất cờ khởi nghĩa, lấy danh hiệu là đội quân Binh Gia Nghị, tuyên bố đánh Pháp. Từ tháng 4/1872, quân khởi nghĩa có những hoạt động chiến đấu tấn công vào quân Pháp đóng xung quanh căn cứ Bảy Thưa, dọc theo sông Hậu và rạch Mặc Cần Dưng.
Tháng 6/1872, quân Pháp mở cuộc tấn công đầu tiên vào căn cứ Bảy Thưa. Cuộc giao chiến diễn ra ác liệt ở đồn Giồng Nghệ. Cuối cùng quân Pháp buộc phải rút lui khỏi Giồng Nghệ. Thực dân Pháp thay đổi chiến thuật, tìm cách chiêu dụ Trần Văn Thành và các nghĩa quân ở Láng Linh.
Sau nhiều lần chiêu dụ không thành, tháng 3/1873, quân Pháp tấn công quy mô vào căn cứ Bảy Thưa. Cuộc tấn công này do chủ tỉnh Long Xuyên Emile Puech và đại úy Pháp Gayon chỉ huy với sự hỗ trợ đắc lực của Tri huyện Trần Bá Tường và Phó quản Hiến (trước đây là quân Bảy Thưa). Emile Puech điều thêm 40 lính ở Cần Thơ và 60 lính mã tà ở Long Xuyên, chuẩn bị lương thực và đạn dược 4 ngày để tấn công vào căn cứ Bảy Thưa. Ngày 19-3-1873, chúng chia thành hai cánh quân: cánh quân thứ nhất, dùng tàu chiến từ Long Xuyên dọc theo sông Hậu vào rạch Mặc Cần Dưng tấn công vào đồn Giồng Nghệ; cánh quân thứ hai, từ Châu Đốc tiến dọc sông Hậu đánh chiếm đồn Hàng Tràm, đồn Hờ. Sau vài trận chiến đấu quyết liệt với tinh thần dũng cảm, gan dạ, nghĩa quân không chống cự nổi trước hỏa lực mạnh của Pháp nên một số hy sinh, bị bắt [13]. Các đồn chung quanh lần lượt bị Pháp chiếm.
Ngày 20/3/1873, Pháp tập trung lực lượng tấn công vào đồn Hưng Trung, đại bản doanh căn cứ Bảy Thưa, nơi có Trần Văn Thành chỉ huy. Tại Hưng Trung, Trần Văn Thành vẫn bình tĩnh đối phó. Tuy bị bao vây, ông “đứng sau chiến lũy làm bằng những tấm ván và bao gạo chồng lên nhau, để đốc thúc nghĩa binh chiến đấu. Nghĩa quân trong các chiến luỹ thổi tù và, đánh trống và reo hò để tăng uy thế. Bên cạnh Trần Văn Thành còn có con trai ông hỗ trợ cho ông bắn” [14].
Trước hỏa lực mạnh mẽ của quân Pháp, nghĩa quân đã chống trả quyết liệt với tinh thần chiến đấu dũng cảm. Số nghĩa quân chết và bị thương khá nhiều. Đến tối ngày 20/3/1873 (nhằm 21 tháng 2 âm lịch), đồn Hưng Trung thất thủ. Sau tháng 3/1873, cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa hoàn toàn tan rã.
Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa gắn liền với gương chiến đấu hy sinh vì đất nước của Trần Văn Thành đã được nhân dân trong vùng và cả tỉnh An Giang khâm phục, tự hào. Nhân dân Châu Phú lập đền thờ tại trại ruộng Láng Linh. Riêng tại nền cũ đồn Hưng Trung cũng có đền kỷ niệm và nhân dân tôn kính ông là “Đức Cố Quản”.
Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa tuy thất bại nhưng đã thể hiện tinh thần quật khởi, yêu nước của nhân dân địa phương không cam tâm chịu nhục, chịu mất tự do và truyền lại cho thế hệ sau chí khí bất khuất đấu tranh vì độc lập, tự do.
Sau cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, vùng Châu Phú trở thành nơi trú ẩn của nhiều nhà yêu nước, những nghĩa sĩ nổi dậy chống Pháp thất bại. Trong văn thư lưu trữ của Pháp có ghi: “Phạm Văn Trang, 60 tuổi, quê Thạnh Mỹ Tây (Châu Đốc), gốc làng Long Thới (Vĩnh Long) đến Châu Đốc ngụ tại làng nói trên làm chức Xã trưởng, can án đồng lõa làm loạn, xử ngày 6-9-1875” [15]. Bên cạnh đó, năm 1872 Ngô Lợi cho hợp ghe thuyền của tín đồ đi đến tổng An Lương, tỉnh An Giang và cất ngôi chùa ở làng Bình Long, rồi lấy đó làm cơ sở truyền đạo. Từ đây, Ngô Lợi mở rộng vùng hoạt động sang cù lao Ba (huyện An Phú), đến vùng Bảy Núi. Chính sự bất ổn về cư trú lúc bấy giờ, nên ngày 30/9/1875 Thống đốc Nam Kỳ ký Nghị định số 248 phạt vạ Hương chức làng Mỹ Đức (Châu Đốc) về “tội cho phép một người phản loạn từ Mỏ Cày (Bến Tre) đến nơi cư ngụ mà không điều tra kỹ. Tiền phạt là 500 quan” [16].
Sau thời gian lẫn trốn, năm 1893, Trần Văn Nhu (con trai trưởng của Trần Văn Thành) trở về căn cứ cũ định cư, khai khẩn lập ra trại ruộng. Năm 1901, ông cho dựng chùa Bửu Hương Tự và trở thành nơi thu hút các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đến chữa bệnh, tưởng niệm khí phách của Trần Văn Thành cùng các nghĩa quân Bảy Thưa xưa. Chính quyền thực dân ở Châu Đốc lo ngại cho một cuộc khởi nghĩa mới. Nhân ngày 22 tháng 2 âm lịch năm 1913, Trần Văn Nhu cùng các người thân tín tụ họp tại Bửu Hương Tự, làm lễ tưởng niệm 40 năm cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa bị đàn áp khốc liệt và nhiều nghĩa quân hy sinh. Quân Pháp ở Châu Đốc được mật báo, kéo quân vào vây Bửu Hương Tự (Thạnh Mỹ Tây) bắt 83 người, Trần Văn Nhu trốn thoát. Thực dân Pháp triệt hạ Bửu Hương Tự. Sau đó, ở Châu Đốc, chúng kết án 56 người, có 20 người bị đày đi Côn Đảo[17].
Vào những năm đầu thế kỷ XX, phong trào “Hội kín” phổ biến và lan rộng khắp Nam Kỳ. Vùng đất Châu Phú cũng là nơi cho các hội viên Hội kín trú ẩn và hoạt động.
Trong cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, với chính sách tập trung ruộng đất và độc quyền của thực dân Pháp, người dân Châu Phú sống trong cảnh đói, nghèo. Họ phải làm thuê, cày mướn quá vất vả, làm quần quật từ sáng đến tối mịt vẫn đói khổ. Còn lĩnh canh đất thì mọi chi phí người tá điền gánh chịu. Sau mỗi vụ gặt phải nộp tô cho điền chủ. Nếu gặp năm thiên tai thất mùa nông dân không có lúa trả thì phải đi vay với lãi suất rất cao. Ngoài ra, người dân còn phải đóng thuế thân. Người dân ngày càng lâm vào cảnh bần cùng, có người chịu không nổi phải tha phương cầu thực. Lòng căm thù của nông dân đối với địa chủ và thực dân Pháp ngày càng gay gắt, chờ dịp bộc phát.
Trên nền tảng truyền thống đoàn kết trong lao động, khai hoang sản xuất hòa quyện với truyền thống đoàn kết đấu tranh chống quân xâm lược, người dân Châu Phú tiếp bước tham gia tích cực trong các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc.
1. Di tích lịch sử
Phần lớn các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Châu Phú thờ nhân thần vì nơi đây là vùng đất gắn liền với các sự kiện lịch sử một thời đi khai hoang mở cỏi và chống giặc ngoại xâm. Qua nghiên cứu tìm hiểu cho thấy các di tích Đình, Dinh, Chùa, Miếu, Miểu là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam, ẩn chứa trong đó là cốt cách, là tâm hồn của người dân Việt. Từ lâu trong tâm thức của người dân Châu Phú các di tích lịch sử - văn hoá chính là một phần linh hồn, một nét đẹp văn hoá đặc sắc của quê hương. Do vậy, nơi đây đã lưu giữ được nhiều di tích, trong đó 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 06 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
1. Các di tích lịch sử trên địa bàn huyện
1.1. Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, xã Thạnh Mỹ Tây (di tích cấp quốc gia):
Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số: 235/VH-QĐ ngày 12/12/1986. Từ năm 2003 đến nay, hàng năm huyện Châu Phú long trọng tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống kỷ niệm Quản cơ Trần Văn Thành chống Pháp hy sinh và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa vào ngày 21 – 22/02 (âm lịch).
1.2. Chùa Long Khánh, xã Khánh Hòa (di tích cấp tỉnh):
Chùa Long Khánh được UBND tỉnh An Giang công nhận là di tích lịch sử cách mạng theo Quyết định số 291/QĐ-UB ngày 18/02/2000.
- Cúng rằm Thượng Ngươn vào ngày 14 – 15/01 (âm lịch).
- Cúng rằm Trung Ngươn vào ngày 14 - 15/07 (âm lịch).
- Cúng cơm Hòa thượng Thích Thiện Huyền vào ngày 25 – 26/03 (âm lịch) và các ngày 4 – 5 – 6/8 (âm lịch).
- Cúng rằm Hạ Ngươn vào các ngày 14 – 15/10 (âm lịch).
1.3. Đình Mỹ Đức, xã Mỹ Đức (di tích cấp tỉnh):
Đình Mỹ Đức được UBND tỉnh An Giang công nhận là di tích lịch sử cách mạng và kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 270/QĐ-UB ngày 02/3/2001.
- Cúng Tá Âm Nhơn vào ngày 15/01 (âm lịch).
- Lễ Cầu An diễn ra vào ngày 10/05 (âm lịch).
- Lễ Cầu An vào ngày 15/10 (âm lịch).
- Cúng Chạp Miếu vào ngày 15/12 (âm lịch).
1.4. Đình Bình Long, Thị trấn Cái Dầu (di tích cấp tỉnh):
Đình Bình Long được UBND tỉnh An Giang công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 287/QĐ-UB ngày18/02/2000.
- Cúng Cầu An vào ngày 15 – 16/01 (âm lịch).
- Lễ Cầu An diễn ra vào ngày 15 – 16 – 17/04 (âm lịch).
- Cúng Chạp Miếu vào ngày 15 – 16 /12 (âm lịch).
1.5. Đình Bình Mỹ, xã Bình Mỹ (di tích cấp tỉnh):
Đình Bình Mỹ được UBND tỉnh An Giang công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 285/QĐ-UB ngày18/02/2000.
- Lễ Cầu An diễn ra vào ngày 18 – 19 – 20/04 (âm lịch).
- Lễ Chạp Miếu diễn ra vào ngày 19 – 20/12 (âm lịch).
1.6. Đình Bình Thủy, xã Bình Thủy (di tích cấp tỉnh):
Đình Bình Thủy được UBND tỉnh An Giang công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 286/QĐ-UB ngày18/02/2000.
Lễ hội Kỳ Yên diễn ra vào ngày 9 – 10 – 11/05 (âm lịch) hàng năm kỷ niệm ngày thành lập làng và Đình.
1.7. Cốc Đạo Cậy, xã Đào Hữu Cảnh (di tích cấp tỉnh):
Cốc Đạo Cậy được UBND tỉnh An Giang công nhận là di tích lịch sử cách mạng theo Quyết định số 271/2001/QĐ-UB ngày 02/3/2001.
Cúng Cốc Đạo Cậy vào ngày 13/11 âm lịch.
1.8. Thánh đường Masjid Al Aman, xã Khánh Hòa:
- Tháng chay Ramadan diễn ra vào tháng 6 âm lịch.
- Tết lớn LiHaji diễn ra vào tháng 12 âm lịch.
- Lễ sinh nhật Đức thánh MohaMách diễn ra vào tháng 3 âm lịch.
1.9. Chùa Phú Đà Châu, xã Bình Mỹ:
- Tết Chôl Chnăm Thmây(dân tộc Khmer) diễn ra từ ngày 2 –25/03(âm lịch).
- Lễ nhập hạ diễn ra vào ngày 15/06 (âm lịch).
- Lễ Dolta diễn ra vào ngày 30/8 (âm lịch).
1.10. Nhà thờ Thị trấn Cái Dầu xã Bình Long:
- Tổ chức Lễ Noel diễn ra vào ngày 24 - 25/12 hàng năm.
1.11. Đình thần Khánh Hòa, xã Khánh Hòa:
- Cúng Cầu An vào ngày 14 – 15/01 (âm lịch).
- Cúng Thần vào ngày 10–11/05(âm lịch) và ngày10–11–20/11 (âm lịch).
1.12. Đình thần Vĩnh Thạnh Trung, xã Vĩnh Thạnh Trung:
- Cúng Cầu An vào ngày 15 – 16/03 (âm lịch).
- Cúng Đình thần diễn ra vào ngày 15 – 16 – 17/04 (âm lịch).
1.13. Chùa Bình Phước, xã Bình thủy:
Lễ Phật Đản vào ngày 15/04 (âm lịch).
1.14. Chùa Kỳ Lâm, xã Bình thủy.
Lễ Phật Đản vào ngày 15/04 (âm lịch).
Trải qua biết bao thời gian thăng trầm, người dân vẫn mãi mãi biểu thị lòng tri ân, uống nước nhớ nguồn các di tích lịch sử - văn hoá của các bậc tiền nhân đi trước đối với những người có công với nước với dân; đồng thời còn là minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của các nghệ nhân, cũng là nơi để mỗi người dân gửi gắm niềm tin, tâm hồn của mình sau những ngày lao động mệt nhọc, vất vả.
2. Trần Văn Thành và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867 -1873)
Ngày 21 – 22/2 (âl) hằng năm có rất đông tín đồ và những người ngưỡng mộ lũ lượt kéo về Láng Linh (xã Thạnh Mỹ Tây) chiêm ngưỡng vị anh hùng Trần Văn Thành có công đánh Pháp.
Từ những biến cố lịch sử của dân tộc, ảnh hưởng sâu sắc đến vùng đất An Giang. Thực dân Pháp đã đẩy nông dân vào vòng nô lệ. Nhân dân vẫn thiết tha với mảnh đất đã bao đời khai khẩn nay rơi vào tay giặc... Giữa lúc công cuộc khai khẩn đất đai ở Bình Thạnh Đông và Láng Linh chưa đi đến đâu thì giặc Pháp kéo đến. Quân Pháp chiếm thành An Giang, Trần Văn Thành với lực lượng vũ trang đã tổ chức nhân dân lập bè cản ngăn tàu chiến của giặc tại Cồn Nhỏ (Phú Bình, Phú Tân), đánh phá các đồn lẻ của giặc, chuẩn bị lực lượng tấn công thành Châu Đốc nhưng không thành. Sau những lần giao chiến với quân Pháp, ông cùng gia đình và nghĩa quân rút vào rừng Bảy Thưa - Láng Linh xây dựng căn cứ kháng chiến.
Láng Linh là cánh đồng rộng, xưa kia gọi là vùng “nê địa”, nhiều rừng rậm, bùn lầy, rắn độc. Phía bắc giáp núi Sam, phía đông nằm kề sông Hậu, phía Tây dựa vào Thất Sơn. (Ngày nay, Láng Linh thuộc phạm vi huyện Châu Phú, Châu Thành và Tri Tôn).Quản cơ Trần Văn Thành quy tụ nhiều nông dân yêu nước khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Trong Láng Linh có đến 1.200 nghĩa quân.
Công cuộc xây dựng đồn lũy được xúc tiến. Căn cứ chính của ông đặt tại Hưng Trung (gần Nam Long Tự, xã Đào Hữu Cảnh, Châu Phú), xung quanh thiết lập các đồn “Hờ” làm tuyến ngăn giặc: Đồn Cái Môn (Cái Dầu), đồn Giồng Nghệ (Mặc Cần Dưng), trạm canh Ông Tà (Tri Tôn), đồn Hàng Tràm (Bình Thạnh Đông)... Mỗi đồn được trang bị súng thần công, súng điễu thương, hỏa hổ với 150 nghĩa quân phụ trách phòng thủ. Trước tình hình trên chủ tỉnh Long Xuyên là Emille Puech gởi báo cáo về Sài Gòn: “Ông (tức Trần Văn Thành) lập ra một đạo gọi là “Đạo Lành” trong hầu hết các tỉnh ở Gia Định đều có tín đồ. Tín đồ từ các nơi tới mật khu mang theo lúa gạo, sắt để rèn khí giới. Dân ở làng lân cận bảo vệ căn cứ, giữ mật, không ai đi lọt vào vùng cấm địa”( ). Nghĩa quân tổ chức thành nhiều đội. Mỗi đội có người chỉ huy, đội Nhất: Nguyễn Văn Năng, Lê Văn Vang, đội Nhì: Nhiều (Lượng), đội Tư: Đinh Văn Hiệp... Trong lực lượng nghĩa quân còn có bà Nguyễn Thị Thạnh (vợ Trần Văn Thành) và các con: Trần Văn Nhu, Trần Văn Chái (tư Chái)...
Năm 1872, thực dân Pháp phát hiện kế hoạch khởi nghĩa. Chúng cho mật thám vào Láng Linh để điều tra hoạt động của Đạo Lành. Biết căn cứ bại lộ, Trần Văn Thành phất cờ khởi nghĩa, lấy danh hiệu “Binh Gia Nghị” tuyên bố đánh Pháp.
Tháng 6 năm 1872, quân Pháp mở cuộc tiến công vào căn cứ Bảy Thưa. Chúng dùng thuyền nhỏ từ Long Xuyên tiến vào rạch Mặc Cần Dưng đánh đồn Giồng Nghệ và chiếm được đồn này nửa tháng. Sau đó, quân Pháp rút lui vì không chịu nỗi kiểu đánh du kích của nghĩa quân. Tháng giêng năm 1873, tay sai Pháp là Tôn Thọ Tường ra lời dụ hàng, nhưng không thuyết phục được Trần Văn Thành. Chúng buộc phải đánh tiếp.
Tháng 3 năm 1873, quân Pháp mở cuộc tấn công lớn vào Bảy Thưa. Tên E.Puech và đại úy Gayen chỉ huy với sự giúp sức của Tri huyện Trần Bá Tường (em ruột Trần Bá Lộc) và Phó quản Hiếm. E.Puech được lính Pháp hộ tống hành quân vào Bảy Thưa. Giặc chiếm đồn Giồng Nghệ. Cánh quân Pháp từ Châu Đốc đánh xuống chiếm đồn Hàng Tràm (Phú Bình, Phú Tân). Sau đó chúng đẩy lùi nghĩa quân khỏi đồn Hờ ở Cái Dầu (Châu Phú).
Sau vài trận giao chiến, nghĩa quân rút lui để bảo toàn lực lượng. Cuối cùng, đồn Hưng Trung thất thủ, đội chín Văn tử trận, đội nhất Năng tự sát. Trần Văn Chái bị thương nơi đùi rồi sa vào tay giặc.
Ngày 20/3/1873 (nhằm 21/2 - Âl), quân Pháp tấn công vào căn cứ chính Hưng Trung. Trần Văn Thành bình tĩnh đối phó. Tuy bị bao vây nhưng ông vẫn đứng sau phòng tuyến làm bằng ván với những bao gạo chồng chất, thách thức bọn Pháp, dùng ống loa chửi Pháp thậm tệ. Ông hướng về phía binh sĩ khích lệ tinh thần, quân sĩ hò reo vang rền, chửi rủa bọn Pháp, trống đánh liên hồi. Cuộc chiến diễn ra ác liệt từ sáng đến tối. Trước hỏa lực của giặc, số nghĩa quân chết và bị thương khá nhiều.
Đến tối, đồn Hưng Trung thất thủ, khi quân Pháp vào đồn thấy có 10 xác nghĩa quân, 5 người khác bị thương. Chúng bắt thêm 13 người chưa kịp rút lui. Quân Pháp thu được 16 đại bác bắn đá, 70 cây đao và một số giấy tờ xác nhận Trần Văn Thành có liên hệ nhiều nơi Nam Kỳ lục tỉnh. Chúng ước lượng nghĩa quân có chừng 400 - 500 người và than phiền không tiêu diệt hoàn toàn, vì cánh quân Châu Đốc chưa đến kịp. Trần văn Thành hy sinh trong chiến đấu. Quân Pháp bắt con trai ông là Tư Chái giải về Châu Đốc. Tư Chái quyết giữ khí tiết, không khuất phục nên tự sát tại khám Châu Đốc.
Ngày 22/4/1873, Đô đốc Nam Kỳ ra nghị định “nghiêm cấm không cho dân chúng được theo đạo Lành, vì theo đạo này xúi dục dân chúng đi lạc khỏi đường ngay nẻo chánh”. Nhiều nhà yêu nước như Nguyễn Văn Tư, Trần Văn Tuấn (quê Long Xuyên), bị án tù chung thân (3/5/1873), đày ra đảo Réunion; Phan Văn Trang 60 tuổi quê ở Thạnh Mỹ Tây (Châu Đốc) làm xã trưởng, can án “đồng lõa làm loạn”, xét xử ngày 6/9/1875 cũng bị đày đi Côn Đảo.
Nhân dân thương tiếc tôn gọi ông là Đức cố Quản, lập đền thờ tại Láng Linh thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Lễ giổ nhà yêu nước Trần Văn Thành được tổ chức trọng thể hàng năm vào ngày 21, 22 tháng 2 al hàng năm, quy tụ đông đảo đồng bào nhiều nơi ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang …đến tưởng niệm.
Khởi nghĩa Bảy Thưa nổ ra trong điều kiện khó khăn vì hầu hết các phong trào chống Pháp ở Nam Kỳ bị đánh dẹp nên thực dân Pháp rảnh tay tập trung lực lượng đàn áp. Quản cơ Trần Văn Thành hy sinh trong tư thế chiến đấu nhưng tinh thần yêu nước của ông sống mãi trong lòng nhân dân An Giang.
Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, hòa trong khí thế vui mừng, phấn khởi của cả nước, phong trào văn nghệ huyện Châu Phú đã phát triển rộng khắp từ các xã, ấp đến cấp huyện dưới sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, bên cạnh đó có vai trò nòng cốt của nhiều anh chị em văn nghệ sĩ không chuyên trên các lĩnh vực như âm nhạc, văn học, sân khấu, mỹ thuật. Nhìn chung trong giai đoạn 1975 đến 1990 hoạt động văn nghệ huyện Châu Phú đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong huyện, nhiều tài năng nghệ thuật đã xuất hiện từ phong trào và trưởng thành, có nhiều đóng góp đáng kể cho hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh như: Trịnh Bửu Hoài, Huỳnh Kim Hoa, Đoàn Văn Đạt, Đinh Thanh Vũ, Mai Bửu Minh, Võ Thành Phương, Huỳnh Công Giải,…
Tuy lực lượng văn nghệ sĩ khá hùng hậu nhưng vì chưa được tổ chức lại một cách chính thức nên chưa phát huy hết khả năng sáng tạo của anh chị em, đồng thời làm cho phong trào văn nghệ chưa phát triển mạnh mẽ và ổn định.
Năm 2002 Hội Văn học Nghệ thuật huyện được chính thức thành lập, có 42 hội viên tham gia hoạt động ở các lĩnh vực văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, trong đó có 19 người là hội viên Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh An Giang và 05 người là hội viên các chuyên ngành nghệ thuật quốc gia.
Trong những năm qua, Hội văn học nghệ thuật huyện Châu Phú đã có nhiều hoạt động nổi bật như:
- Năm 2004 tổ chức hội thi sáng tác ca khúc với chủ đề "Hát về quê hương Châu Phú" được sự tham gia của gần 20 tác giả trong và ngoài huyện với 27 bài hát, có 08 tác phẩm được trao giải. Câu lạc bộ nhiếp ảnh của huyện duy trì hoạt động thường xuyên, mỗi năm tổ chức nhiều cuộc triển lãm và giao lưu triển lãm với các đơn vị bạn.
- Năm 2005 thực hiện đĩa VCD ca cổ “Châu Phú tôi yêu” với 12 bài ca cổ viết về quê hương Châu Phú, từ truyền thống trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến giai đoạn xây dựng CNXH, số lượng phát hành 1.000 đĩa.
- Vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng (03/2/1930-03/2/2005) Hội VHNT huyện kết hợp với Ban Tuyên Giáo Huyện ủy tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử đảng bộ huyện Châu Phú và cảm nghĩ về Đảng”, có hơn 3.000 bài viết của cán bộ, đảng viên và học sinh trong toàn huyện tham dự.
- Năm 2009 huyện tổ chức Hội thảo khoa học “Lễ hội văn hóa truyền thống của huyện và cuộc khởi nghĩa Bảy thưa”, có 12 nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh gởi 15 bài tham dự, qua đó góp phần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề liên quan trong việc tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa và tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống của huyện hàng năm.
- Năm 2011 Hội Văn học Nghệ thuật huyện tổ chức phát động sáng tác ảnh nghệ thuât “Châu Phú xây dựng và phát triển”, có hơn 30 nghệ sĩ nhiếp ảnh tham gia với 115 tác phẩm. Ban tổ chức đã chọn triển lãm 50 tác phẩm vào dịp lễ 30/4/2011.
- Từ năm 2002 đến nay Hội VHNT huyện Châu Phú thực hiện đều đặn việc xuất bản Tập san Văn nghệ Châu Phú mỗi năm 3 số. Tổng cộng đã xuất bản 28 số với số lượng 11.200 cuốn (mỗi số 400 cuốn).
- Phong trào văn học nghệ thuật ở trường học được hình thành và liên tục phát triển. Từ năm 1999 đến 2012 có 10 lần tổ chức tập huấn giao lưu sáng tác văn học với gần 8.000 học sinh tham dự. Qua đó đã phát hiện nhiều học sinh có năng khiếu và vận động thành lập Câu lạc bộ sáng tác văn học trẻ của huyện với hơn 100 lượt em tham gia, qua đó đã tạo điều kiện cho các em phát huy khả năng sáng tác văn học và đã có nhiều em có tác phẩm tốt được đăng trên các tạp chí văn nghệ cấp huyện, cấp tỉnh và khu vực.
Qua các hoạt động văn học nghệ thuật bằng nhiều loại hình đã phục vụ ngày càng tốt cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhận thức thẩm mỹ của công chúng ngày một nâng lên, các tiềm năng sáng tạo nghệ thuật của huyện được phát hiện và bồi dưỡng để phát huy năng lực sáng tác. Nhiều văn nghệ sĩ của huyện đã có nhiều tác phẩm được chọn đăng trên các tờ báo, tập san văn nghệ cấp tỉnh và khu vực, có nhiều tác phẩm văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu đạt giải cao tại các cuộc thi cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế, như: nhà văn Đoàn Văn Đạt, cố họa sĩ Quốc Mỹ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Vũ, soạn giả Nguyễn Thanh Điền, soạn giả Hoài Nhật Thanh, nhà văn Mai Bửu Minh, nhà thơ Thảo Vy, nhạc sĩ Huỳnh Thưởng, tác giả Hoàng Nam, cây bút trẻ Vĩnh Thông …