10:20 28/03/2019
Châu Phú là một địa danh có lịch sử lâu đời; xưa là vùng rừng rậm, hoang vu ngập nước, trải qua quá trình khẩn hoang và nhiều lần chia tách, sáp nhập. Ngày nay, Châu Phú là một đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 12 xã và 01 thị trấn) thuộc tỉnh An Giang. Vị trí địa lý có nhiều thuận lợi và có Quốc lộ 91 đi qua, Châu Phú ngày nay càng khẳng định vị trí giao thương quan trọng, là cầu nối giữa hai thành phố Long Xuyên và Châu Đốc với nền tảng tăng trưởng kinh tế - xã hội dựa vào nông nghiệp trồng trọt và nuôi trồng thủy sản là chính.Trong những năm qua, tuy đối mặt với nhiều khó khăn chung của cả nước, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng, Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Phú tập trung mọi nguồn lực phát huy tiềm năng, thế mạnh đưa kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.
![]() |
Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành tọa lạc tại ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây |
Năm 2018 - Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 44 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 1 hecta đạt 169 triệu đồng/năm. Sản lượng lương thực đạt 573.672 tấn. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới trên 320 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước đầu tư trên 283 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 37 tỷ đồng. Có 6/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bộ mặt nông thôn Châu Phú ngày càng đổi mới, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Để có cuộc sống yên bình, ấm no và tươi đẹp như ngày hôm nay, dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Châu Phú nói riêng phải đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu và nước mắt của bao thế hệ đi trước. Biết bao thế hệ anh hùng quên mình hy sinh vì lý tưởng giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước. Đặc biệt, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vùng đất anh hùng Châu Phú có một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu, đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của kẻ thù, thể hiện tinh thần quật khởi, quyết không cam chịu thân phận nô lệ, thuộc địa của nhân dân ta, góp phần tô điểm thêm dấu son chói lọi trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc. Đó là cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa do Quản cơ Trần Văn Thành khởi xướng và chỉ huy.
Ông Trần Văn Thành, sinh vào khoảng năm 1818, quê quán tại thôn Bình Thạnh Đông, tổng Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Năm 1840, Ông gia nhập quân đội triều Nguyễn. Nhờ giỏi võ nghệ, có chữ nghĩa và tài chỉ huy, ông được phong làm suất đội, chỉ huy 50 binh lính. Giai đoạn này, Ông lập nhiều công trận, giữ yên bờ cõi, bảo vệ biên giới, trấn áp các cuộc nổi loạn trong nước, được thăng chức Quản Cơ, chỉ huy 500 quân sĩ, đồn trú trong địa phận tỉnh An Giang. Cuối năm 1847, tình hình biên giới ổn định, giặc giả không còn, Triều đình Huế cho giải ngũ một số binh sĩ. Cơ binh Trần Văn Thành cũng được hưởng ân huệ này. Riêng Trần Văn Thành được vua Tự Đức ban thưởng nhiều phẩm vật và tờ chiếu khen, có bốn chữ “Quản Cơ tinh binh”.
![]() |
Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành được Bộ Văn Hóa công nhận là Di tích Lịch sử tại quyết định số 235/VH.QĐ, ngày 12.12.1986 |
![]() |
Các vị đại biểu dâng hương tại đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành |
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của Quản Cơ Trần Văn Thành, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, nhân dân Châu Phú đã một lòng theo Đảng đánh giặc, kiên cường, bất khuất, vượt qua muôn ngàn gian khổ, không sợ hi sinh góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.
Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, ngày 28/5/2010 Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho huyện và 4 xã. Năm 2018 vừa qua, 2 Liệt sĩ Đào Hữu Cảnh và Lê Văn Cường cũng đã được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến. Đây là niềm cổ vũ và động viên tinh thần to lớn cho nhân dân Châu Phú tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương hiện nay.
Kỷ niệm 146 năm ngày Quản cơ Trần Văn Thành và Nghĩa Binh Gia Nghị chống Pháp hy sinh là dịp để chúng ta ôn lại trang sử oanh liệt, truyền thống hào hùng, kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam nói chung và của Nhân dân Châu Phú nói riêng, tri ân và khắc ghi công lao to lớn của các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để Tổ quốc tươi đẹp và cuộc sống hạnh phúc hôm nay.
Để xứng đáng với công lao của các thế hệ đi trước, thay mặt lãnh đạo Huyện tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân huyện Châu Phú hãy đoàn kết nhất trí một lòng, quyết tâm xây dựng và phát triển quê hương Châu Phú ngày càng giàu – đẹp. Cùng nhau đóng góp trùng tu, tôn tạo khu di tích Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành ngày càng khang trang tươi đẹp, cũng là giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của Lễ hội văn hóa truyền thống hàng năm của huyện nhà. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Châu Phú luôn trân trọng, tự hào và tạo mọi điều kiện để lễ hội diễn ra trang trọng, vui tươi, an toàn, tiết kiệm – thực sự trở thành nơi sinh hoạt tinh thần giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
![]() |
ông Nguyễn Văn Bé Tám-Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú- Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ Hội phát biểu tại Lễ khai hội |
Phát biểu tại Lễ khai hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Văn Bé Tám nhấn mạnh: "Kỷ niệm 146 năm ngày Quản cơ Trần Văn Thành và Nghĩa Binh Gia Nghị chống Pháp hy sinh là dịp để nhắc nhở thế hệ hôm nay tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của Quản Cơ Trần Văn Thành, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, Nhân dân Châu Phú đã một lòng theo Đảng đánh giặc, kiên cường, bất khuất, vượt qua muôn ngàn gian khổ, không sợ hi sinh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước"./.
Nhẫn Nguyễn ( Đài truyền thanh huyện Châu Phú )