Hội thảo mô hình xử lý rơm rạ thành phân bón ngay tại ruộng bằng phân hữu cơ tại xã Thạnh Mỹ Tây

      Trung tâm Khuyến nông phối hợp Văn phòng thường trực tại Nam Bộ - TTKN Quốc Gia, Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Phương Nam, Công ty TNHH Behn Meyer Agricare Việt Nam tổ chức buổi hội thảo mô hình “Xử lý rơm rạ thành phân bón ngay tại ruộng bằng phân hữu cơ Growel M+ phối hợp chế phẩm vi sinh Sumitri” vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2024, tại xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú.

Trong sản xuất lúa hiện nay, vấn đề về xử lý rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch chưa được nông dân quan tâm, do đó nông dân thường sử dụng biện pháp đốt đồng sẽ sinh ra lượng lớn khí CO2 ­ gây hại cho sức khỏe con người và các khí độc hại khác như NO2, SO2,… góp phần tăng lượng khí thải nhà kính, ô nhiễm môi trường không khí và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, xử lý rơm rạ không tốt, sẽ gây mùi hôi thối khi rơm rạ phân hủy, các acid hữu cơ có thể gây ngộ độc cho rễ lúa, làm cản trở quá trình sinh trưởng và phát triển, tỷ lệ nhánh hữu hiệu thấp, tỷ lệ lép cao, dẫn đến giảm năng suất lúa.

 

 

       Theo đó, nhằm tạo điều kiện nông dân thay đổi tập quán trong đốt rơm rạ sau mỗi vụ và xử lý rơm rạ đúng cách, đạt hiệu quả cao. Vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2024, tại ruộng lúa của ông Nguyễn Hữu Lộc, tại ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, mô hình xử lý rơm rạ thành phân bón ngay tại ruộng bằng phân hữu cơ đã được triển khai thực hiện thí điểm với quy mô diện tích 05 ha, bao gồm 2 nghiệm thức: Mô hình 1 (3,0ha): sử dụng phân hữu cơ BM + phân hoá học; Mô hình 2 (2,0ha): sử dụng chế phẩm Sumitri + phân hoá học; Mô hình đối chứng: bón phân hoá học theo tập quán.

 

     Mô hình được triển khai thực hiện từ 14/8 – 24/11/2024. Tại buổi hội thảo, đánh giá tổng kết mô hình, bà con nông dân đã được trực tiếp tham quan mô hình và được hướng dẫn những kỹ thuật xử lý rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng. Theo nhận định, mô hình xử lý rơm rạ bước đầu triển khai đã mang lại lợi nhuận cao hơn so với các hộ bên ngoài mô hình.

     Qua mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức, tăng năng suất, chất lượng, gắn với tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm lượng khí phát thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Từ đó góp phần cung cấp sản phẩm lúa, gạo an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội. Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng mong muốn tiếp tục nhân rộng mô hình theo hướng quy hoạch vùng gắn với liên kết chuỗi sản xuất, thông qua các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để giúp cho bà con nông dân phát triển nhanh và bền vững.

 

Nguyễn Kim