Công An

ASEAN tăng cường hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia

08:19 27/11/2020

    

Hội nghị AMMTC 14 đã ra Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường gắn kết hơn nữa trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong bối cảnh hiện nay; khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước ASEAN hướng đến môi trường hòa bình, ổn định và vì lợi ích của mọi người dân.
Responsive image

Hội nghị AMMTC 14 đã ra Tuyên bố chung.

Ngày 26/11, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC 14) đã hoàn thành các nội dung đề ra trong chương trình nghị sự.

          Kết thúc hội nghị, dưới sự chủ trì của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, các Bộ trưởng phụ trách phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ASEAN đã thông qua Tuyên bố chung, gồm 13 điều, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường gắn kết hơn nữa trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, trong bối cảnh hiện nay; biểu dương nỗ lực của Việt Nam trong thiết lập kênh liên lạc trực tiếp cấp Bộ trưởng trong cơ chế AMMTC và nhiều nội dung quan trọng khác.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, thành công của hội nghị góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lên một tầm cao mới, ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu trong bối cảnh mới khi đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại các nước ASEAN.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn, vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, cùng đại dịch COVID-19 là những thách thức cho quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Hội nghị AMMTC 14 là một minh chứng cho thấy sự thích ứng, gắn kết của cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN, khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ hướng đến môi trường hòa bình, ổn định và vì lợi ích của mọi người dân.

          Theo Bộ trưởng Tô Lâm, cùng với kết quả đã đạt được của những hội nghị AMMTC trước đây, hội nghị AMMTC 14 là bước tiến quan trọng tiếp theo để cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn các nội dung hợp tác đi vào chiều sâu và thực chất theo đúng tinh thần "ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia".

Mặc dù hạn chế về thời gian do tính chất hội nghị theo hình thức trực tuyến, song các Bộ trưởng ASEAN đã khắc phục khó khăn để thảo luận, thống nhất những vấn đề cốt lõi, toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Trên cơ sở những nội dung đã thống nhất, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các nước cùng phối hợp thực hiện tốt.

Kết thúc phiên họp toàn thể hội nghị AMMTC 14, Bộ Công an Việt Nam đã bàn giao vai trò Chủ tịch AMMTC cho Brunei, nước đóng vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2021.

 Tuyên bố chung Hội nghị AMMTC 14

1. Chúng tôi, Bộ trưởng/Đại diện cấp cao ASEAN của các nước Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma, Cộng hòa Phi-líp-pin, Cộng hòa Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (sau đây gọi là Hội nghị AMMTC 14) theo hình thức trực tuyến ngày 26/11/2020. Hội nghị AMMTC 14 nhằm mục đích củng cố và tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Trưởng AMMTC-Việt Nam chủ trì Hội nghị.

2. Trước Hội nghị, cuộc họp trù bị của Quan chức cấp cao các nước ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) đã được tổ chức ngày 25/11/2020 theo hình thức trực tuyến. Cuộc họp do Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng SOMTC-Việt Nam chủ trì.

3. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về việc đưa ra chủ đề cho Hội nghị AMMTC 14 “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia”. Qua đó, góp phần khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Bộ trưởng các nước ASEAN trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đồng thời, chủ đề của Hội nghị AMMTC 14 đã thể hiện đóng góp tích cực của Bộ Công an Việt Nam đối với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

4. Chúng tôi cảm thông và chia sẻ trước những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, dịch bệnh gây ra ở các nước thành viên ASEAN trong thời gian qua. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành và phối hợp chặt chẽ để cùng nhau vượt qua khó khăn, sớm phục hồi cuộc sống của người dân ở các nước ASEAN.

5. Chúng tôi ghi nhận Báo cáo của Chủ tịch Hội nghị AMMTC 13, được tổ chức từ 26-28/11/2019 tại Băng Cốc, Thái Lan. Báo cáo đã nêu rõ những tiến bộ đáng khích lệ mà các quốc gia thành viên ASEAN đạt được trong năm qua; ghi nhận nỗ lực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của khu vực, trong đó có: (i) khởi động cơ chế Hội nghị tham vấn Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia với Hàn Quốc lần thứ nhất; (ii) thông qua Kế hoạch hành động ASEAN triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về phòng ngừa và ngăn chặn sự gia tăng của cực đoan hóa và cực đoan bạo lực giai đoạn 2019-2025; (iii) thống nhất từ năm 2021, quốc gia giữ vai trò Chủ tịch SOMTC cũng sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AMMTC.

6. Chúng tôi ghi nhận kết quả và tiến triển của Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 20 do Phi-líp-pin chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 24/9/2020 và các thông tin cập nhật về hoạt động của cơ chế Những người đứng đầu Cơ quan xuất nhập cảnh và Lãnh sự ASEAN (DGICM) do Myanmar, nước giữ vai trò Chủ tịch DGICM chia sẻ.

7. Thực hiện cam kết của lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường gắn kết hơn nữa trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống và làm gia tăng mức độ rủi ro đối với những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Nỗ lực triển khai cam kết hợp tác của các nước ASEAN trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đã thể hiện sự thích ứng và thích nghi với trạng thái bình thường mới của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về Phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2016-2025. Đồng thời, điều đó đã chứng tỏ sự đoàn kết, thống nhất mạnh mẽ và tính tự cường của các nước, góp phần vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới.  

8. Chúng tôi biểu dương nỗ lực của Việt Nam trong quá trình xây dựng dự thảo Tài liệu khái niệm về việc thiết lập kênh liên lạc trực tiếp cấp Bộ trưởng trong cơ chế AMMTC nhằm kịp thời trao đổi thông tin và thiết lập quy trình hành động xử lý các vụ việc liên quan trong trường hợp khẩn cấp. Chúng tôi đề nghị các nước thành viên ASEAN tiếp tục trao đổi dự thảo Tài liệu khái niệm nói trên tại các cuộc họp của SOMTC để thống nhất cách thức triển khai trong thời gian tới.

9. Chúng tôi biểu dương nỗ lực và vai trò tích cực của Malaysia trong việc xây dựng và thúc đẩy các tiến triển của Điều khoản tham chiếu (ToR) về SOMTC và Điều khoản tham chiếu của Nhóm công tác SOMTC về các vấn đề tội phạm xuyên quốc gia chung (WG on GTCM). Chúng tôi mong đợi việc hoàn thiện và thông qua cả hai Điều khoản tham chiếu nói trên.

10. Chúng tôi hài lòng với những tiến triển về dự thảo Tài liệu khái niệm “Lộ trình hợp tác quản lý biên giới ASEAN” do Thái Lan thực hiện.

11. Chúng tôi ghi nhận việc thông qua Kế hoạch hành động ASEAN triển khai về Kế hoạch phòng ngừa và ngăn chặn sự gia tăng của cực đoan hóa và cực đoan bạo lực giai đoạn 2019-2025 (Kế hoạch Bali) tại Hội nghị AMMTC 13 và mong đợi việc triển khai thực hiện Kế hoạch này thông qua việc tổ chức Hội thảo khu vực ASEAN về Phòng, chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực (PCRVE): “Đánh giá về các đe dọa và xu hướng mới nổi” và Hội nghị Đối tác ASEAN thực hiện Kế hoạch Bali 2019-2025 lần thứ 2 trong năm 2021.

12. Chúng tôi hoan nghênh Bru-nây Đa-rút-xa-lam, nước giữ vai trò Chủ tịch sắp tới và mong đợi Hội nghị AMMTC lần thứ 15 và các Hội nghị liên quan trong năm 2021. Đây sẽ là bước khởi đầu cho việc nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN cũng đồng thời là Chủ tịch của cơ chế SOMTC và AMMTC.

13. Chúng tôi trân trọng cám ơn Bộ Công an Việt Nam đã nỗ lực thu xếp để tổ chức Hội nghị AMMTC 14 theo hình thức trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử AMMTC thành công tốt đẹp trên tinh thần hữu nghị và thân ái của ASEAN./.

 

 

 

Thanh Cao (ST báo điện tử ĐCSVN)

các tin khác