Bài viết - Phóng sự

Thanh niên khởi nghiệp từ mô hình tăm tre

08:59 10/10/2020

    

Với niềm đam mê và ý tưởng sáng tạo của bạn Nguyễn Vũ Linh, sinh năm 1994, hiện ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thạnh Trung, với những cây tăm tre nhỏ nhắn qua đôi tay khéo léo, tỉ mỉ từng công đoạn của Linh đã tạo ra các sản phẩm rất bắt mắt và đẹp lạ như: mô hình nhà, đền thờ Bác Tôn, hình ảnh Bác Tôn, Bác Hồ, cầu, tháp, móc khóa, bảng hiệu, tranh thư pháp gỗ, lịch gỗ,…

 

Responsive image
 

     Trò chuyện với Linh, chúng tôi được biết Linh bắt đầu tập tành công việc tăm tre này vào năm 2012 là lúc Linh tham gia lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương khoảng nửa năm, trong quá trình tham gia có anh trong đơn vị rất khéo tay, hay mua tăm tre về làm các mô hình tặng bạn, tranh thủ thời gian lúc rảnh Linh học hỏi anh để làm, thời gian sau đó Linh nghiên cứu và có ý tưởng làm tháp, ban đầu làm kích thước không hợp lý và không được đẹp lắm, sau đó Linh tiến hành làm lại với thời gian khoảng 6 tháng mới hoàn thành và đăng lên mạng được nhiều bạn bè khen ngợi. 

     Sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở địa phương, Linh đến Long Xuyên học sửa điện thoại di động để có nghề nghiệp. Lúc này, Linh vẫn dùng tăm tre làm những vật phẩm nhỏ để tặng bạn, bạn bè đánh giá cao các vật phẩm này và khuyên Linh nên làm để bán, với việc đánh giá, khen ngợi của bạn bè và được bạn bè giới thiệu, Linh bắt đầu nghiên cứu làm những sản phẩm lớn hơn. Sau khi học sửa điện thoại xong, nhưng trong quá trình làm nghề tay trái với tăm tre khiến Linh quyết định chọn tăm tre làm hướng đi cho tương lai và quay về quê khởi nghiệp.

     Với mong muốn, khởi nghiệp cho tương lai Linh đã đầu tư mở cơ sở sản xuất nhỏ ở gần nhà cặp Quốc lộ 91, ấp Vĩnh Phú vào năm 2019 và trang bị nhiều máy móc, dụng cụ để đáp ứng sản phẩm làm ra theo yêu cầu của khách hàng. Đến thời điểm này các chi phí máy móc và nguyên liệu dự trữ của cơ sở có giá trị trên 250.000.000 đồng.

     Nguyên liệu trước đây được Linh sử dụng là tăm tre và gỗ, hầu hết khai thác tại địa phương, các sản phẩm làm ra được Linh phủ lớp PU để đảm bảo độ bền của sản phẩm và khắc Laser, hiện Linh đã và đang sử dụng thêm sản phẩm làm từ lá, trái, tàu lá và cộng lá của cây thốt lốt, đã cho các sản phẩm làm từ cây thốt lốt rất đẹp mắt và khó phân biệt với tăm tre.

     Nói về mô hình tăm tre này, bạn Nguyễn Vũ Linh cho biết: “Dự án mô hình hiện tại có thể phát triển được, tạo điều kiện được cho các bạn trẻ thanh niên ở địa phương và mục tiêu em đến với nghề này, thứ nhất là có việc làm để nuôi sống bản thân, thứ hai là có tâm huyết muốn kết nối được các bạn trẻ, thanh niên yếu thế, đặc biệt là các anh chị khuyết tật để cùng nhau phát triển sản phẩm, nghề này đối với anh chị khuyết tật thì có những công đoạn, việc làm vừa sức”.  

     Theo Linh, để sản phẩm hoàn thiện như hiện nay là cả một quá trình, đòi hỏi người làm không chỉ có niềm đam mê mà còn phải có sự sáng tạo, tỉ mỉ và kiên trì. 

     Lúc đầu Linh chỉ bán và quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội nên chưa được nhiều người biết, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Sau này, nhờ được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp Đoàn, đặc biệt là Tỉnh Đoàn An Giang hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn để mở rộng kiến thức, có thêm kinh nghiệm trong kinh doanh, buôn bán, từ đó sản phẩm của Linh làm ra có điều kiện tiếp cận với thị trường, hiện đầu ra cũng khá ổn định. Kết quả doanh thu mỗi tháng của cơ sở trừ đi hết các chi phí nhân sự và mặt bằng cơ sở còn lại lợi nhuận từ 10 đến 15 triệu mỗi tháng, hiện tại doanh thu mỗi tháng đang tăng lên nhờ vào thành viên làm chung đã bắt đầu rành rẻ công việc và cơ sở đang có nhiều đơn hàng ổn định hơn rất nhiều và được sự quan tâm của Sở Công thương, các cấp Đoàn trong tỉnh giới thiệu sản phẩm đến các đơn vị khác nên hiện nay cơ sở có nhiều đơn đặt hàng nhiều hơn rõ rệt và cũng có nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Hiện tại có một số đơn vị về sản phẩm du lịch liên hệ cơ sở để đặt hàng và lên kế hoạch làm các sản phẩm bản quyền cho các đơn vị đó.

     Định hướng để phát triển cơ sở trong thời gian tới, bạn Nguyễn Vũ Linh cho biết thêm: “Nếu cơ sở phát triển được, cơ sở có thể áp dụng đối với những người mù, một tay cũng có thể làm được một số sản phẩm hoặc làm gì đó có câu chuyện trong đó. Em dự định sẽ có cơ sở ổn định, những đối tượng làm việc được sẽ để làm việc, những anh chị mù, khuyết tật, khiếm thị em có thể cho bán hàng tư vấn và dự định của em sắp tới là kết hợp du lịch, thứ nhất là kết hợp tour, làm điểm dừng chân cho khách tham quan, những anh chị khiếm thị người ta không thể làm ra được sản phẩm, thì có thể tiếp chuyện hoặc kể một câu chuyện, An Giang thì có khá nhiều câu chuyện hấp dẫn, huyền bí, sẽ góp phần góp thêm câu chuyện, hình ảnh hay hơn”.

     Hiện cơ sở đang đầu tư về nhân sự, thu dạy nghề không tính học phí và còn hỗ trợ tiền thêm mỗi tháng cho các bạn. Đối với Linh để tìm được 1 vài bạn có cùng đam mê làm nghề rất khó nên Linh quyết định hỗ trợ hết mình dạy nghề không lấy học phí và tạo điều kiện hết mức có thể để các bạn cùng Linh phát triển nghề. 

     Hiện nay, cùng làm việc với Linh, có 1 bạn thanh niên cũng là người có niềm đam mê làm ra các sản phẩm từ tăm tre, bạn Phạm Văn Linh, sinh năm 2000, hiện ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Thạnh Trung cho biết: “Trước đây em phụ xe tải ở quê nhà, được sự giới thiệu của người bạn và qua nhìn những sản phẩm làm từ tăm tre của anh Nguyễn Vũ Linh đăng trên trang facebook, zalo thấy đẹp và muốn làm thử, từ đó tìm đến anh Linh được anh dạy làm những mô hình, quà tặng lưu niệm cho bạn bè, làm thấy đẹp, từ đó muốn kết hợp với anh Linh làm nghề này để có nghề ổn định ở quê. Qua thời gian làm chung tạo ra nhiều sản phẩm mới, với suy nghĩ mình cũng đã lớn, nghề cũng phù hợp nên bám trụ làm nghề này luôn”.

     Những sản phẩm làm ra tại cơ sở sản xuất của Linh không chỉ bán ra thị trường, mà còn được tham gia nhiều cuộc thi ở các cấp trong và ngoài tỉnh, với nhiều giải thưởng từ tham gia cuộc thi,… từ đó, sản phẩm được nhiều người biết đến và có nhiều đơn đặt hàng.

     Mong rằng cơ sở thủ công tăm tre của thanh niên trẻ Nguyễn Vũ Linh sẽ thu hút nhiều bạn trẻ có cùng sở thích, đam mê hay những thanh niên yếu thế, những người khuyết tật, những người khiếm thị có thể cùng với Linh phát triển nghề, phát triển cơ sở, từ đó tạo công ăn việc làm cho thanh niên tại địa phương, không phải đi làm ăn xa. Để làm được điều đó, thiết nghĩ rất cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, từ đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

     Một số hình ảnh khác:

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 

 

Ngọc Mai

các tin khác