12:08 08/05/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người khẳng định: “Người đảng viên dù công tác to hay nhỏ, ở địa vị cao hay thấp, ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng”, “Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người dân bắt chước, làm theo”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh nội dung trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên phải thể hiện trên 03 mối quan hệ:
- Đối với mình, là không được tự cao tự đại, tự mãn. Bởi tự cao tự đại, tự mãn là căn bệnh rất nguy hiểm. Nếu cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này dễ mù quáng, thiển cận, luôn đề cao cá nhân mình, coi thường quần chúng, nhất định sẽ thoái bộ, dừng lại. Người nhấn mạnh:“Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”.
- Đối với người, phải yêu thương, khoan dung, độ lượng; phải luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thực hiện“Thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người có ý định hại đến Đảng, đến Nhân dân”.
- Đối với công việc, phải tận tụy, tận tâm, tận lực, có trách nhiệm gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là để việc công lên trên, lên trước việc tư. Người luôn giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải “Chí công vô tư”, nghĩa là phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, Nhân dân và của Đảng.
Nêu gương vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng, vừa là phương pháp giáo dục có sức thuyết phục tốt nhất, hiệu quả nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”. Vì vậy, Người đặc biệt coi trọng trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là ở những thời điểm vô cùng khó khăn, đầy thử thách của sự nghiệp cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có ý thức thực hành trách nhiệm nêu gương và đã trở thành tấm gương sáng ngời, có sức lan tỏa và truyền cảm hứng vô cùng mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta học tập, noi theo.
Kế thừa truyền thống tốt đẹp, ngày nay chúng ta biết vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đây là phương thức lãnh đạo của Đảng không ngừng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn cách mạng. Đặc biệt, phương thức lãnh đạo bằng sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng phát huy hiệu lực và có sức lan tỏa, truyền cảm hứng mạnh mẽ đối với Nhân dân; đồng thời được Đảng ta thấm nhuần, thực hiện có hiệu quả. Nhiều cán bộ, đảng viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả, lao tâm, khổ trí, chịu đựng hy sinh, gian khổ, một lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, quyết tâm tìm tòi con đường đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Hiện nay, thực tiễn đang đặt ra những yêu cầu mới về phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, chủ động đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện tốt phương châm nêu gương “trên trước, dưới sau”, “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “trong Đảng trước, ngoài Đảng sau”, đảng viên nêu gương trước quần chúng Nhân dân.
Cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong lời nói và việc làm, ở bất cứ đâu, ở mọi thời điểm, phải luôn nhất quán giữa lời nói và hành động, phải phát ngôn đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi lời nói, bài viết phải thể hiện rõ sự mẫu mực về tính đảng, vì lợi ích chung của tập thể và Nhân dân; đồng thời, thể hiện rõ niềm tin yêu, lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
- Một là, tiếp tục vận dụng có hiệu quả tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, quy định của Đảng, của cấp ủy, tổ chức đảng về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
- Hai là, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành các tiêu chí, quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên vận dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn và chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa”, phát huy vai trò nêu gương trong từng hoạt động cụ thể; đồng thời, là căn cứ để tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị và mọi cán bộ, đảng viên theo dõi, giúp đỡ và kiểm tra, giám sát trong thực hiện trách nhiệm nêu gương.
- Ba là, tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên là thể hiện sinh động trong giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị; đồng thời, nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò của việc thực hiện trách nhiệm nêu gương ở đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào từng hoạt động thông qua lời nói và việc làm; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết để trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, có hiệu quả.
- Bốn là, thường xuyên thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mặt khác, cán bộ, đảng viên cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương “người tốt, việc tốt”, những cách làm hay hiệu quả, những điển hình tiên tiến về thực hiện trách nhiệm nêu gương; đồng thời, phê phán mọi biểu hiện, hành vi thiếu gương mẫu trong lời nói, việc làm của cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Để vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về tránh nhiệm nêu gương, bản thân cán bộ, đảng viên phải làm gương trong mọi công việc, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; lời nói phải đi đôi với việc làm và phải biết lấy gương người tốt, việc tốt để tuyên truyền cho sự nêu gương. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, là nguyên tắc trước hết của sự nêu gương. Bởi vì, chỉ có nhất quán giữa nói và làm thì người cán bộ, đảng viên mới lấy được lòng tin của Nhân dân. Phải quyết liệt chống căn bệnh: Nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, có thể gọi đó là nói suông. Nếu người cán bộ, đảng viên không chống được căn bệnh nêu trên thì nhất định sẽ mất uy tín trước đơn vị, trước cộng đồng và vai trò của sự nêu gương sẽ không thể được phát huy. Sự thống nhất giữa lời nói và việc làm còn là một yêu cầu khách quan của phẩm chất người cán bộ, đảng viên, nhất là trong tình hình hiện nay. Khi giáo dục cán bộ làm công tác Dân vận, Người nhấn mạnh: “Tuyên truyền phải miệng nói, tay làm phải tùy hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ Nhân dân thật sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết”.
Những năm gần đây Đảng ta đã có nhiều chủ trương, Nghị quyết, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên như: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016, Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương. Ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Kết luận 01-KL/TW về về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Và Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định:“Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên phải tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiền phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định về nêu gương”.
Đỗ Thanh Phong- Phó Giám đốc TTCT huyện