Bài viết - Phóng sự

Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ

10:22 10/10/2023

    

Đậu mùa khỉ là một bệnh lây nhiễm từ động vật do vi rút gây ra. Bệnh có thể lây từ động vật sang người hay cũng có thể lây giữa người với người. Bệnh được gọi đậu mùa khỉ vì bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ nuôi để nghiên cứu vào năm 1958. Sau đó, bệnh được phát hiện ở người vào năm 1970.

 

 

Đường lây bệnh

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm trong thời gian có triệu chứng: từ 2 đến 4 tuần. Người tiếp xúc gần với người có triệu chứng có thể bị lây bệnh. Các nốt ban, dịch cơ thể như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da và vảy. có nguy cơ làm lây nhiễm. Quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như: chén dĩa bị nhiễm vi rút do tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh. Vi rút cũng có thể lây qua nước bọt qua vết loét, tổn thương trong miệng. Do đó, người có nguy cơ nhiễm bệnh cao khi tiếp xúc gần với người bệnh như: người nhà và bạn tình. Vi rút cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai qua rau thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da.

Biểu hiện của bệnh

Biểu hiện điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày sau khi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt. Triệu chứng thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị. Nhưng bệnh cũng có thể có các biến chứng, thậm chí là tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch có thể bệnh nghiêm trọng hơn và tử vong.

*Phòng bệnh: Hiện ở nước ta chưa có vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ. Các biện pháp phòng bệnh được Bộ Y tế khuyến cáo là:

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch có chứa cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Giặt quần áo, khăn, ga giường và dụng cụ ăn của người bệnh bằng nước ấm và bột giặt.

Làm sạch, khử khuẩn bề mặt đã bị nhiễm bẩn và tiêu hủy chất thải bị nhiễm bẩn./.

 

Hà Duy Lộc - Tổ TTGDSK, TTYT Châu Phú

các tin khác