Bài viết - Phóng sự

LÚA CỎ VÀ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ

10:02 24/04/2024

    

Những năm qua, lúa cỏ xuất hiện ngày càng tăng về diện tích và mức độ gây hại, tập trung trên những vùng sản xuất 3 vụ lúa liên tục. Thực tế cho thấy, vụ hè thu thời tiết nắng hạn nên tao điều kiện thuận lợi cho lúa cỏ phát triển, tuy nhiên vụ đông xuân 2023 – 2024 một số ruộng nhiễm lúa cỏ rất nặng.

 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thì năm 2024 hiện tượng El Nino xuất hiện từ giữa năm 2023 và sẽ duy trì đến tháng 4/2024 với xác suất trên 90% do thời tiết nắng hạn là điều kiện thuận lợi cho lúa cỏ phát triển mạnh trong vụ hè thu năm 2024.

 Hiện nay, một số nông dân truyền miệng các biện pháp diệt lúa cỏ không hiệu quả làm ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa và thất thu năng suất như: Nông dân sử dụng thuốc diệt mầm trên màu (Dual Gold 960EC), hoặc thuốc cỏ 2,4D phun lên đất trước khi xuống giống để diệt hạt lúa cỏ nhưng ngược lại thuốc không có hiệu quả diệt lúa cỏ mà thuốc sẽ lưu tồn gây ngộ độc cho cây lúa mới gieo sạ,…

 

Một số nguyên nhân lúa cỏ phát triển như: Thiếu nước do thời tiết nắng hạn kéo dài là điều kiện để lúa cỏ phát triển. Đất không bằng phẳng (những chỗ đất gò khó giữ nước, lúa cỏ lên rất nhiều). Không chủ động nước, lên nước trễ (Hiện nay một số tiểu vùng quá lớn khi Hợp tác xã, Tổ hợp tác lên nước phải mất thời gian dài mới đủ nước). Làm đất không tốt. Giống lúa ngâm ủ không tốt, tỷ lệ nảy mầm thấp lúa lên yếu nên nông dân không phun thuốc cỏ tiền nảy mầm, không khống chế được lúa cỏ. Nông dân tự để giống, hoặc trao đổi giống không chất lượng, khử lẫn không tốt (không theo qui trình khử lẫn), một số giống lúa cỏ có kiểu hình gần giống lúa trồng nên gây khó khăn cho nông dân trong việc khử lẫn. Không thường xuyên khử lẫn khi có lúa cỏ để lúa cỏ tích lũy nhiều năm. Hạt lúa cỏ không bị hư trong điều kiện ngập nước, lúa cỏ có sẵn trong đất khi gặp điều kiện thuận lợi thì nảy mầm và phát triển…

 

Một số biện pháp hạn chế lúa cỏ:

1. Đối với ruộng chưa nhiễm lúa cỏ: Thì vẫn áp dụng tốt các biện pháp phòng ngừa lúa cỏ và cỏ dại như vệ sinh đồng ruộng làm đất kỹ, phun thuốc diệt mầm, lên nước sơm ém lúa cỏ...

2. Ruộng sản xuất có nhiễm lúa cỏ:

- Làm đất thật kỹ hoặc xới 2 tác nước, làm đất kỹ sẽ vùi sâu hạt lúa cỏ không tiếp xúc được với ánh sáng nên không nảy mầm được, việc trang bằng mặt ruộng giúp lúa trồng phát triển đồng đều (nên lên nước sớm được) nhanh phủ tán che kín đất làm giảm khả năng lúa cỏ mọc.

- Sử dụng giống lúa xác nhận, ngâm giống có xử lý axit để hạt lúa nảy mầm mạnh và đồng đều hơn.

- Phun thuốc  diệt cỏ tiền nảy mầm sau khi làm đất xong từ 1-2 ngày (phun trước khi hạt lúa cỏ ra rễ mầm đầy đủ và ngược lại lưu ý hạt lúa trồng ngâm ủ phải ra rễ mầm đầy đủ mới gieo sạ).

- Sau khi làm đất 52 giờ (khoảng hơn 2 ngày) nếu phun thuốc cỏ diệt mầm sẽ không hiệu quả vì hạt lúa cỏ đã nảy mầm rồi, vì thế nếu xuống giống lúa sau khi làm đất 02 ngày thì nên phun thuốc cỏ diệt mầm 02 lần (01 ngày sau khi làm đất lần cuối phun lần 1, và lần 2 tiếp tục phun thuốc diệt mầm 1-2 ngày sau khi sạ).

- Chủ động nước tưới, lên nước sớm 5-7 ngày sau khi làm đất lần cuối và giữ nước liên tục cho đến khi lúa giáp tán.

- Nếu ruộng chủ động nước có thể chọn biện pháp sạ ngầm để hạn chế lúa cỏ.

- Khi phát hiện ruộng có lúa cỏ thì tiến hành khử lẫn, không để lúa cỏ tích lũy nhiều vụ, quan sát thật kỹ những cây lúa cỏ thấp hơn lúa thường nhưng lá lúa thì nhỏ và dài hơn lúa thường, nên khử lẫn nhiều lần trên vụ (ít nhất 2-3 lần) để dễ phát hiện lúa cỏ hơn.

3. Đối với ruộng sản xuất nhiễm lúa cỏ nặng:

- Đối với những ruộng nhiễm lúa cỏ nặng nên gieo mạ cấy để hạn chế lúa cỏ

- Ngưng vụ, nhử lúa cỏ lên, nếu lúa cỏ nhiều.

Một số thông tin về lúa cỏ:

- Lúa cỏ có tên khoa học Oryza sativa L, tên tiếng Anh là Weedy rice hoặc red rice. Nông dân gọi là lúa lai, lúa lộn hoặc lúa 2 tầng.

-Hình dạng: Cây lúa cỏ ốm, có cây cao hơn, thấp hơn hoặc bằng cây lúa trồng. Hạt ngắn, màu sắc đa dạng và có râu, hạt dễ rụng, có miên trạng ngắn, sức sống mạnh hơn lúa trồng Hạt gạo luôn có màu đỏ. Gây đổ ngã, giảm chất lượng sản phẩm.

- Lúa cỏ là loại dịch hại khó phòng trừ, thường xuất hiện gây hại trên chân ruộng trồng lúa liên tục trong năm (một năm 3 vụ).

- Lúa cỏ có khả năng làm giảm năng suất lúa từ 30 – 90%

1. Thiệt hại do lúa cỏ:

- Một số kết quả nghiên cứu cho thấy thiệt hại do lúa cỏ gây ra rất nghiêm trọng ở Malaysia. Ruộng lúa bị nhiễm lúa cỏ chiếm 35%, thì năng suất lúa  có thể giảm 65% (Watanabe et al, 1997)

- Ở nước ta lúa cỏ xuất hiện và gây hại hầu hết các tỉnh thành ở phía Nam làm giảm năng suất từ 5 – 20%.

- Với mức độ hạt lúa cỏ 100 hạt/ m2 (số hạt tương đương của một bông lúa) thì lúa cỏ đã gây thiệt hại cho lúa trồng 30%, còn ở mức 1.000 hạt/ m2 thì lúa cỏ làm giảm năng suất đến 90% so với đối chứng.

2. Đặc tính miên trạng của lúa cỏ:

          Theo một số tài liệu nghiên cứu so sánh tỉ lệ nảy mầm như sau:

- 5 ngày sau thu hoạch tỉ lệ nảy mầm của lúa cỏ từ 1 – 48%, lúa trồng 7% (Do đó, cần phải tranh thủ phun thuốc cỏ sớm giai đoạn này trước khi lúa cỏ ra rễ nảy mầm)

- 20 -50 ngày sau thu hoạch tỉ lệ nảy mầm của lúa cỏ từ 71 – 98%, lúa trồng từ 30 – 33%.

- 4 tháng sau khi chôn trong điều kiện đất ngập nước liên tục thì tỉ lệ nảy mầm của lúa cỏ thấp, trong khi đó lúa trồng hầu như chết hết.

3. Các đặc tính sinh lý:

- Lúa cỏ rất khó diệt bằng thuốc trừ cỏ.

- Chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi rộng.

- Hạt rụng sớm sau khi trổ 10 ngày.

- Hạt có khả năng sống sót cao (hạt lúa cỏ có râu vẫn nảy mầm được sau 1 năm ở trong đất biến động từ 20 – 50%)  

4. Sự lây lan của lúa cỏ: Lẫn từ giống bị nhiễm lúa cỏ, đất bị nhiễm lúa cỏ hoặc lan truyền do gió, nước tưới, động vật hoặc dụng cụ máy móc.

 

Huỳnh Tấn Hưng ( Phó Trưởng PNN và PTNT huyện Châu Phú)

các tin khác