Bài viết - Phóng sự

Hội Nông dân xã Bình Thủy thực hiện hiệu quả mô hình "Điểm thu gom xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật"

10:25 18/03/2024

    

Xã Bình Thủy có diện tích 1.548 ha, tổng diện tích đất nông nghiệp là 779 ha, riêng diện tích tiểu vùng 01 là 516 ha, bao gồm 04 ấp Bình Phú, Bình Quý, Bình Thới, Bình Thiện; diện tích trồng màu gần 200 ha,... nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại, tăng năng suất, chất lượng cây trồng là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.

 

       Tuy nhiên, phần lớn bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đều được làm từ nhựa, nilon rất khó phân hủy, sau khi sử dụng vẫn còn tồn dư một lượng thuốc bảo vệ thực vật nhất định, bị khuếch tán vào nước tưới, nước mưa và thấm vào mạch nước ngầm, gây ô nhiễm trực tiếp hệ sinh thái. Theo ước tính, mỗi ha lúa nông dân xả thải ra môi trường khoảng từ 1 - 1,5kg vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật/vụ; đối với diện tích trồng rau màu thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào khoảng 3 – 5kg.

       Biết sự nguy hại của việc sử dụng thuốc BVTV và tình trạng vứt bỏ rác thải thuốc BVTV trên đồng ruộng, Hội Nông dân xã Bình Thủy đã lựa chọn thực hiện mô hình “Điểm thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật” tại tiểu vùng I, nhằm tăng cường truyên truyền, hướng dẫn và dần hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho nông dân.

         

        Chia sẻ thêm về nô hình này, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thủy cho biết: "Thông qua sinh hoạt mô hình định kỳ hàng tháng của các thành viên, Hội Nông dân xã đã triển khai thực hiện các quy định về công tác quản lý rác thải nông nghiệp tại địa phương; tuyên truyền nâng cao hiệu quả quản lý rác thải nông nghiệp, cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Hiện, trên địa bàn xã không còn xảy ra tình trạng các vỏ bao bì, dụng cụ đựng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nông nghiệp sau khi sử dụng bị vứt, đổ bừa bãi ra môi trường, đặc biệt là tại các khu vực trồng trọt, các nguồn nước kênh mương, ao hồ trên tuyến đều được bố trí thùng rác".

        Ngoài ra, Hội Nông dân xã còn tham mưu UBND xã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Phú, Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện tổ chức thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; hướng dẫn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng định kỳ hàng tháng theo Quy chế đã đề ra.

        

          Đặc biệt, Hội Nông dân xã còn tuyên truyền vận động nhân dân tham gia chương trình “3 giảm – 3 tăng”, “1 phải – 5 giảm” của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VNSAT); phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp tuyên truyền người dân trong việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; phối hợp với cán bộ Môi trường, cán bộ nông nghiệp, ban ấp và các chi hội đoàn thể ấp thuộc tiểu vùng I thường xuyên kiểm tra các thùng chứa.

 

         Hướng tới, để nhân rộng mô hình "Điểm thu gom xử ký bao bì thuốc bảo vệ thực vật", Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục phối hợp với cán bộ Môi trường, cán bộ nông nghiệp, ban ấp và các chi hội đoàn thể ấp thuộc tiểu vùng I tiến hành lắp đặt thêm các thùng chứa các vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các ấp trên Tiểu vùng I và định kỳ 01 tháng thu gom, sau đó vận chuyển theo đường cộ nội đồng về điểm tập kết giao cho Chi cục bảo vệ thực vật xử lý. Đồng thời, ứng dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất thâm canh ít có sâu bệnh, ít phải sử dụng thuốc trừ sâu như: quy trình sản xuất theo phương pháp IPM, ICM, SRI, gieo cấy mật độ thưa kết hợp canh tác hữu cơ;... Từ đó giúp giải quyết các vấn đề về xử lý chất thải nông nghiệp tại địa phương, góp phần bảo vệ môi trường và giữ gìn sức khỏe trong cộng đồng./.

 

 
 

Kim Thúy

các tin khác