Bài viết - Phóng sự

Sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP

12:12 30/06/2020

    

Nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào nuôi cá lóc giống tiếp tục phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Theo Quyết định thành lập của hội Nông dân xã Mỹ Phú (huyện Châu Phú, An Giang) đã chính thức ra quyết định thành lập tổ nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống tại ấp Mỹ Quý theo hình thức nông hộ từ 12/12/2018 đến nay, đồng thời được Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (thuộc sở Khoa học và công nghệ tỉnh An Giang) cho phép triển khai thực hiện đề tài sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP (tức thực hiện nuôi thủy sản tốt toàn cầu), do Tiến Sĩ Lý Thị Thanh Loan - Cố vấn kỹ thuật, Chủ nhiệm đề tài hướng dẫn, thời gian thực hiện từ 12/2018 - 12/2020 sẽ kết thúc dự án.

 

Responsive image
 

     Đến nay, sau gần 02 năm triển khai thực hiện dự án, đang bước vào giai đoạn gần cuối để được xem xét, xét công nhận đạt chuẩn Globalgap, mô hình đã nhận được tín hiệu vui, phản hồi tích cực từ phía bà con nông dân trong tổ. Ông Trần Văn Sáu – Tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống ấp Mỹ Quý, xã Mỹ Phú đại diện các thành viên trong tổ cho biết: Hiện tại, các thành viên trong tổ rất phấn khởi và an tâm vì có thể chủ động sản xuất ra loại cá giống thích hợp, đảm bảo tiêu chuẩn về con giống để cung cấp cho những hộ nuôi cá thương phẩm đạt tiêu chuẩn và chất lượng. Riêng gia đình ông có diện tích mặt nước ao nuôi là 4000 mét vuông, ông đào được 100 hộc, mỗi hộc có diện tích ngang 3 mét, dài 04 mét, sâu 1,2m. Mỗi hộc, ông thả nuôi 1 cặp cá lóc bố mẹ, loại cá lóc đầu nhím để ương ra cá bột (cá lòng ròng) đang được thị trường rất ưa chuộng. Ông cho biết, trước đó khoảng 4 năm, ông đã từng ương nuôi cá lóc giống, nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhưng, kể từ khi vào chi hội, được tham gia học tập kinh nghiệm và tuân thủ đúng quy trình sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP, không chỉ ông mà các tổ viên trong tổ, dần dần học tập kỹ thuật mới và thay đổi cách thức sản xuất theo phương pháp truyền thống, hướng đến cách thức sản xuất sản phẩm sạch, quy trình xử lý trong chăn nuôi thân thiện với môi trường. Ông Trần Văn Sáu, ấp Mỹ Quí, xã Mỹ Phú phấn khởi cho biết: “Tổ được thành lập gần 2 năm, theo tiêu chuẩn GlobalGAP, bản thân tôi làm được 4.000 m2 với 100 hộc cá lóc nhờ sự hướng dẫn của kỹ thuật bà con tuân thủ theo tiêu chuẩn GlobalGAP không dùng kháng sinh, nuôi theo mô hình cá sạch để cá được tốt hơn. Nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP có lợi cho nông dân là giảm hao hụt, tăng tỷ lệ sống cho con cá, lợi nhuận cũng đạt hiệu quả về vấn đề chăn nuôi trong mô hình này. Hiện nay do ảnh hưởng của tình hình nước mặn, dịch bệnh nên đầu ra chưa được ổn định cho lắm. tôi mong muốn được sự giúp đỡ ở các ngành cấp trên hỗ trợ về vấn đề cá giống sạch và tìm đầu ra cho bà con nông dân.”

     Hiện tại, Tổ nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống ấp Mỹ Quý có 19 thành viên, có tổng diện tích mặt nước đang canh tác khoảng 7 ha, diện tích nuôi của các tổ viên giáp ranh liền kề nhau. Theo ước sản lượng đạt khoảng 99,6 tấn cá lóc giống/năm. Về liên kết “đầu ra, đầu vào” thì ngay khi thành lập đã có nhiều tổ chức liên hệ để gắn kết tiêu thụ, 01 tổ hợp tác nuôi cá lóc thương phẩm ở Vĩnh Long đã ký kết hợp đồng tiêu thụ về đầu ra của sản phẩm, tổ hợp tác này chuyên cung cấp cá lóc thương phẩm sạch cho các siêu thị và một số cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, Chi hội còn cung cấp giống cho tổ nuôi cá lóc thương phẩm ở xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), vùng nuôi cá lóc ở một số tỉnh như: Trà Vinh, Bạc Liêu v.v… cho các hộ nuôi thương phẩm. Hiện chi hội đang tiếp tục mở rộng liên kết thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm và đã tạo được lòng tin của hộ nuôi cá lóc thương phẩm gần, xa.

Responsive image
 

     Đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án, các tổ viên còn được Ban chủ nhiệm đề tài hướng dẫn kỹ thuật tận tình, từng giai đoạn, thời kỳ phát triển và sinh sản của cá như: từ kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ, kỹ thuật làm tổ, chuẩn bị vèo cho cá đẻ v.v… Theo đó, nguồn cá bố mẹ nuôi, phục vụ đề tài được các tổ viên trong chi hội thu mua, chọn lọc rất kỹ lưỡng từ các ao, bè nuôi cá từ nhiều nguồn khác nhau, các huyện thị khác nhau trên địa bàn tỉnh, để tránh hiện tượng đồng huyết, cận huyết. Nhất là cá bố mẹ được chọn phối giống, cơ bản phải đảm bảo các yêu cầu về ngoại hình cá tốt, không dị tật, trọng lượng phải đạt từ 0,7 – 1 kg/con, tương ứng với thời gian sinh trưởng từ 8 – 10 tháng. Sau khi cá bố mẹ đem về, được bà con nông dân khéo léo làm vèo trong khung lưới đặt dưới ao nuôi, thuần dưỡng từ 5 - 7 ngày mới thả vào hộc nuôi. Và từ giai đoạn ương giống đến khi xuất bán, mất khoảng 45 ngày, trung bình mỗi năm, bà con thu hoạch từ 5 - 6 đợt cá bột. Theo cách thức nuôi truyền thống của bà con, trước đây thì sản lượng cá bột mỗi cặp cá bố mẹ sinh sản chỉ đạt từ 3kg - 4kg/cặp cá bố mẹ, nay áp dụng quy trình sản xuất mới nên sản lượng thu hoạch cá bột đã nâng lên đáng kể từ 5kg - 10kg/cặp cá bố mẹ, tỷ lệ thành công đạt 80%-90%. Trung bình cá lóc giống có giá dao động từ 100.000 đồng/kg – 180.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các khoảng chi phí đầu tư ban đầu, nông dân thu về lợi nhuận khá ổn định. Hướng tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp tìm kiếm, mở rộng lên kết đầu ra bền vững cho hội viên trong tổ, để an tâm sản xuất và nhân rộng mô hình, nhằm đáp ứng tốt việc cung ứng con giống tốt cho thị trường hiện nay. Anh Phan Hoàng Minh – Kỹ thuật viên thủy sản xã Mỹ Phú phát biểu: “Từ năm 2018 đến nay, tổ được tham gia dự án về chuỗi tiêu thụ sản xuất cá lóc thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh thực hiện tại tỉnh An Giang. Chuỗi được thực hiện nhiều công đoạn từ khâu sản xuất giống, khâu nuôi thịt dài tới khâu chế biến, từ đó tổ hội nghề nghiệp sản xuất giống Mỹ Quí tham gia công đoạn sản xuất giống. cơ bản trong quá trình sản xuất giống tổ hội được hỗ trợ rất nhiều mặt về kỹ thuật trong đó đã làm tỷ lệ sống của đàng cá tăng lên gấp đôi so với thời gian trước và giảm giá thành đáng kể. giá thành đầu tư trước khi áp dụng kỹ thuật tầm khoảng 100.000 đến 120.000 đồng/ký cá giống, sau khi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đặc biệt quy trình nuôi cá theo tiêu chuẩn GlobalGAP thì giá thành giảm xuống còn khoảng 70.000 đến 80.0000 đồng/ký. Song song đó, qua thời gian xây dựng và hỗ trợ bà con thực hiện nuôi cá giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP đến nay cũng đã được đoàn kiểm tra và chứng nhận cơ bản đạt yêu cầu. Lúc đầu chỉ có 14 hộ tham gia đến thời điểm đánh giá đã tăng lên 19 hộ.”

     Thông qua mô hình nhằm mục tiêu tạo chuỗi liên kết nuôi cá lóc, đầu vào được kiểm soát, đầu ra được bao tiêu với giá cả hợp lý, ổn định gắn với quy trình kỹ thuật tiên tiến, từng bước xây dựng nên thương hiệu cho sản phẩm thủy sản cá lóc giống sạch của ấp Mỹ Quý, nhằm xây dựng hoàn chỉnh quy trình sản xuất giống, dễ áp dụng, có khả năng nhân rộng, phát huy được hiệu quả trong và sau quá trình triển khai đề tài, để được cấp xác nhận đạt chuẩn GlobalGAP bền vững. Tiến Sĩ Lý Thị Thanh Loan - Cố vấn kỹ thuật, chủ nhiệm đề tài chia sẻ: “Thành công thứ nhất của mô hình là thay đổi được nhận thức bà con không dùng những thuốc, hoá chất cấm để sử lý học ươn cá mà sử dựng dây thuốc cá. Thứ hai là duy trì được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP để đầu ra được ổn định, có thể nuôi thương phẩm và ra sản phẩm sạch sẽ cung cấp cho các nhà chế biến như khô, mắm,… đủ điều kiện để xuất khẩu góp phần sẽ tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Tôi mong muốn có được các chương trình nghiên cứu ra được đàn giống cá lóc bố mẹ để duy trì việc sản xuất của bà con tránh tình trạng cá bố mẹ cận huyết không đạt chuẩn.”

     Nhận định về những kết quả của Chi hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý đạt được trong thời gian tham gia giám sát đề tài và đảm bảo tiêu chuẩn  được xét công nhận đạt chuẩn GlobalGAP. Anh Lý Vĩ Cường – Giám đốc bộ phận chứng nhận GlobalGAP tại Việt Nam nói: “Trong quá trình tiếp xúc với dự án và chủ nhiệm dự án tôi thấy sự hỗ trợ của dự án đối với bà con có nhiều ý nghĩa. Tôi đánh giá cao về sự thay đổi nhận thức của bà con từ việc sản xuất theo cách truyền thống thì bà con đổi sang sản xuất được tiêu chuẩn hoá có được sự chuẩn bị và hoạch định kế hoạch trước và các quy trình sản xuất cũng được tiêu chuẩn hết từ đó bà con thay đồi nhận thức để áp dụng theo chương trình được tiêu chuẩn hoá này sẽ đảm bảo được cho bà con ổn định về năng suất sản xuất và chất lượng sản phẩm cuối cùng để bán ra thị trường mà bà con nhận được từ chương trình này.”

     Thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ đúng quy trình vào hoạt động sản xuất giống cá lóc theo chuẩn GlobalGAP, đã tạo điều kiện cho các hộ nuôi từng bước nắm vững quy trình, công nghệ sản xuất giống cá lóc, tạo ra con giống có chất lượng tốt, cung cấp cho các mô hình nuôi cá thương phẩm, để góp phần nâng cao tỉ lệ sống, tăng năng suất, giúp hạ được giá thành sản phẩm, nâng cao lợi nhuận cho người chăn nuôi. Đây là một trong những hoạt động nghiên cứu ứng dụng rất cần thiết và có ý nghĩa rất lớn, đang được người dân rất đồng tình ủng hộ. Qua đây góp phần vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi ở lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Phú./.

Nguyễn Kim – Tú Trang

các tin khác