Bài viết - Phóng sự

Phóng sự: Hiệu quả mô hình công nghệ sinh thái "ruộng lúa bờ hoa"

05:00 20/03/2021

    

Vào những ngày này, khi đi vào đường giao thông nội đồng ấp Bình Thành, xã Bình Mỹ, mọi người sẽ bị thu hút bởi sắc vàng rực rỡ bên bờ ruộng. Đây là địa điểm, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện thực hiện mô hình công nghệ sinh thái “ruộng lúa bờ hoa”, một mô hình tiến bộ khoa học kĩ thuật trong lĩnh vực trồng trọt.

 

Responsive image
 

     Mô hình công nghệ sinh thái “ruộng lúa bờ hoa” được thực hiện với diện tích khoảng 3,7 ha với 6 hộ nông dân tham gia, sử dụng giống lúa OM18 và nếp. Các giống hoa được trồng gồm Sao nhái, cúc ngũ sắc, hướng dương, mè, đậu bắp dọc theo bờ ruộng, đến nay, các hoa đã nở vàng rực cả tuyến đường quanh bờ ruộng. Qua cuộc hội thảo tổng kết mô hình vừa qua và tham quan thực tế tại cánh đồng, nông dân rất phấn khởi khi hệ sinh thái tại mô hình đa dạng hơn, thu hút nhiều thiên địch, khống chế dịch hại, từ đó giảm được 1 lần phun thuốc trừ sâu. Thành phần loài côn trùng, thiên địch hiện diện trên bờ xung quanh ruộng lúa gồm: nhện, bọ rùa, ong ký sinh, chuồn chuồn kim, bọ xít nước giọng gió, kiến 3 khoan, rầy nâu, sâu cuốn lá, rầy phấn trắng... ruộng mô hình đa dạng về loài hơn ruộng đối chứng. Có sự di chuyển các loài này từ bờ ruộng vào ruộng lúa.

     Đồng thời, mô hình giúp giảm chi phí làm đất, đắp bờ, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, và mang lại lợi nhuận so với ruộng bên ngoài là: 3.164.000 đồng/ha. Chú Đặng Đình Quyết Thanh, ngụ ấp Bình Trung, xã Bình Mỹ phấn khởi cho biết: “Tôi thấy mô hình làm cũng dễ, khi mình trồng xuống thì tưới nước và bón phân lai rai thì nó phát triển tốt, có lợi cho mình chứ có gì đâu mà khó. Thời gian rảnh thì mình làm cỏ bờ cho ruộng luôn khỏi tốn tiền, so với trước đây thì đỡ tốn chi phí hơn mọi năm”.

     Nói về quy trình thực hiện mô hình, kỹ sư Trần Thanh Vũ, cán bộ Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện cho biết: “Đầu vụ trước khi vụ lúa xuống giống mình đã tập huấn cho nông dân áp dụng chương trình kỹ thuật công nghệ sinh thái vào đồng ruộng trên tinh thần “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”. Hoa này được trồng theo hình thức gieo hạt trực tiếp xuống bờ ruộng sau khi nông dân xuống giống xong, chỉ có riêng cây hướng dương thì mình bầu ở trong bầu, thời gian bầu tới đem đi trồng khoảng 20 ngày. Thời điểm lấy chỉ tiêu ruộng mô hình và ruộng đối chứng theo 4 giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, trong đó có 03 ruộng mô hình và 03 ruộng đối chứng lấy theo hình thức bẩy khung, và 03 ruộng là dùng vợt. Mục đích lấy chỉ tiêu này là lần thứ nhất để kiểm tra mật số của rầy nâu trên ruộng, sâu cuốn lá, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và một số thiên địch mà mình trồng hoa để dẫn dụ tới ăn côn trùng dịch hại”. 

     Với hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại, nông dân rất phấn khởi tuy nhiên theo nhiều nông dân để mô hình được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới và được nhân rộng trên địa bàn huyện thì cần một số điều kiện và yếu tố. Theo chú Trần Văn Cư, ngụ ấp Hưng Thạnh xã Đào Hữu Cảnh chia sẻ: “Tôi thấy mô hình này cần phải làm liền. Như bản thân tôi thấy ham muốn làm liền nhưng bà con xã, ấp phải họp lại với nhau cùng làm chung, liền kề với nhau mới dẫn dụ được thiên địch, chứ một mình làm cũng không có hiệu quả. Tôi thấy mô hình có hiệu quả, tôi sẽ tuyên truyền cho các hộ nông dân trong xã, ấp nếu thấy được cùng mọi người đăng ký làm, vì nhiều hộ làm thì mới hiệu quả”.

     Còn theo chú Tân, nông dân ấp Bình Thành, xã Bình Mỹ cho biết: “Muốn trồng hoa trên bờ ruộng thì cần bờ ruộng to, phẳng, nhẵn để mình làm cỏ cho dễ dàng và đi tới lui tưới nước được thuận lợi, chủ yếu là trồng các loại hoa xen kẽ lẫn nhau giữa 2 cây bông này để tạo thêm cảnh mỹ quan, vừa đẹp vừa ra hoa cùng một lúc. Về mô hình thì theo tôi làm càng nhiều càng tốt dẫn dụ thiên địch càng tốt, làm đều ở các ấp thì hiệu quả sẽ tăng lên. Tôi thấy hiệu quả nhất là sâu cuốn lá, sâu lá, tôi thấy không có đợt sâu cuốn lá, sâu lá nào hết trơn còn dịch hại đạo ôn, đốm vằn chưa khắc phục được tôi đề nghị cần nghiên cứu tiếp coi làm gì để khắc phục bệnh này.”

     Trên cơ sở kết quả đạt được trong quá trình sản xuất nông nghiệp trên diện tích mô hình công nghệ sinh thái đã triển khai thực hiện, kỹ sư Trần Thanh Vũ, cán bộ Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện cho biết thêm: “Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này ở các xã thị trấn có những bờ ruộng tương đối lớn để trồng được nhiều hoa và thu hút thiên địch. Ngoài những loài hoa đang trồng cần bổ sung thêm một số loài cây hoa và quả để tăng thêm thu nhập cho gia đình”. 

     Việc trồng hoa trên bờ ruộng không chỉ tạo được cảnh quan xanh sạch đẹp, góp phần làm đẹp cảnh quan nông thôn, mà mô hình còn giúp bảo vệ năng suất lúa bền vững, hạn chế việc phun thuốc trừ sâu gây ảnh hưởng sức khỏe con người, môi trường, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.

Mỹ Ngân – Tú Trang

các tin khác