Bài viết - Phóng sự

HIỆU QUẢ HOA MƯỜI GIỜ

12:43 21/05/2023

    

Những năm gần đây do sản xuất lúa lợi nhuận thấp, nhiều nông dân ở Châu Phú đã mạnh dạn chuyển đổi sang làm vườn trồng cây ăn trái. Thế là nhiều loại cây ăn trái được trồng với diện tích tăng lên theo từng năm, tính đến đầu năm 2023 diện tích làm vườn tăng lên 1.991,8ha/34.595,8ha diện tích gieo trồng toàn huyện. Trong đó cây sầu riêng chiếm gần 120ha, là loại cây có giá trị kinh tế cao được thị trường trong nước và ngoài nước ưa chuộng tiêu thụ ổn định.

 

 

Tuy nhiên, theo yêu cầu của thị trường hiện nay nhất là các nước nhập khẩu đưa ra là phải có “Mã số vùng trồng” nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng, kiểm soát sinh vật gây hại. Do đó các sản phẩm mặt hàng nông sản của nông dân Châu Phú đang từng bước tiến hành xây dựng mã số vùng trồng, nhất là cây sầu riêng, nhằm đáp ứng yêu cầu của một số nước nhập khẩu, trong đó Trung Quốc là một thị trường lớn để chúng ta hướng tới.

Để đánh giá và cấp mã số vùng trồng đạt được tiêu chí thì một trong những yêu cầu của phía Trung Quốc là không được sử dụng thuốc trừ cỏ và không được để cỏ rậm rạp trong vườn, nông dân cần phải quản lý cỏ dại thật tốt.

Thực tế tại Châu Phú, người nông dân làm vườn thường để cỏ che phủ nhằm bảo vệ đất trồng, hạn chế được xói mòn rửa trôi lớp đất mặt, góp phần ổn định độ pH đất, giữ cỏ giúp đất thoát nước nhanh, tránh ngập úng vào mùa mưa, tránh tình trạng đất bị nén chặt, làm cho đất tơi xốp giúp đưa được nước và dinh dưỡng vào đất sâu hơn, tạo môi trường thuận lợi cho hệ sinh vật đất phát triển giúp bảo vệ cây trồng trước sự tấn công của sâu bệnh.

Trước thực trạng trên, từ những yêu cầu của các nước nhập khẩu và thực tế tại các vườn cây ăn trái ở huyện Châu Phú, hầu hết để cỏ mộc tự nhiên, một số ít nông dân có trồng cỏ chỉ và rau chai. Vì vậy, đòi hỏi phải có một giải pháp khác tốt hơn, đó là chọn ra loại cây che phủ đất phù hợp, dẫn dụ thiên địch hạn chế phun thuốc trừ sâu, vừa tạo cảnh quan đẹp đáp ứng tiêu chí cấp mã số vùng trồng của một số nước nhập khẩu, giúp nông dân sản xuất cây sầu riêng đạt hiệu quả cao, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Là một cán bộ kỹ thuật, Trạm Trồng trọt & Bảo vệ thực vật huyện Châu Phú, đồng chí Trần Thị Mộng Tuyền, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Đồng chí đã trăn trở phải làm gì để góp công nhỏ giúp cho nông dân giảm chi phí trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của thị trường. Đồng chí Tuyền dành nhiều thời gian đi cơ sở, bám sát ruộng vườn để tìm ra sáng kiến làm giàu cho nông dân. Từ đó đồng chí Trần Thị Mộng Tuyền đã nảy sinh sáng kiến sử dụng hoa mười giờ trồng phủ gốc giữ ẩm cho cây sầu riêng, tạo cảnh quan và dẫn dụ thiên địch trên một số vườn sầu riêng tại xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Lợi ích của việc trồng hoa mười giờ xung quanh mô sầu riêng thay thế cỏ dại đã giúp nông dân quản lý được cỏ dại mọc tràn lan, do hoa mười giờ có thân hình mọc thấp, hạn chế việc cạnh tranh ánh sáng, giảm công cắt tỉa. Ngoài ra hoa có nhiều màu sắc, vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa thu hút dẫn dụ thiên địch, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu tiêu chí cấp mã số vùng trồng.

Do đó mô hình “Sử dụng hoa mười giờ phủ gốc giữ ẩm cho cây sầu riêng, tạo cảnh quan và dẫn dụ thiên địch trên một số vườn sầu riêng tại xã Bình Chánh, huyện Châu Phú” được thực hiện, nhằm chọn ra loại cây che phủ đất phù hợp, dẫn dụ thiên địch hạn chế phun thuốc trừ sâu, vừa tạo cảnh quan đẹp đáp ứng tiêu chí cấp mã số vùng trồng của một số nước nhập khẩu, giúp nông dân sản xuất cây sầu riêng đạt hiệu quả cao.

Mô hình đã mang lại hiệu quả một cách đáng kể như: Giảm được số lần phun thuốc trừ sâu rầy, nấm bệnh, giảm được bón phân hữu cơ, giảm được chi phí cắt tỉa cỏ. Theo nhận định của cấp ủy, chính quyền địa phương thì mô hình này rất dễ áp dụng, dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao, tạo cảnh quan đẹp. Đây là một lợi thế thu hút khách du lịch trong nông nghiệp, giúp người nông dân giảm chi phí trong sản xuất, tăng lợi nhuận. Mô hình đang khuyến khích nhân rộng tại các vườn cây ăn trái trên địa bàn Châu Phú.

Hiện tại vùng trồng cây sầu riêng tại xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã được cấp mã số vùng trồng sang thị trường Trung Quốc với diện tích 14,05ha.

Mô hình “Sử dụng hoa mười giờ phủ gốc giữ ẩm cho cây sầu riêng, tạo cảnh quan và dẫn dụ thiên địch trên một số vườn sầu riêng tại xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang” là mô hình mới “Mặt vườn nở hoa, trên trái, dưới hoa”, có thể gọi đây là mô hình “Hiệu quả hoa mười giờ”./.

 

Đoàn Văn Hiển

các tin khác