Bài viết - Phóng sự

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO PHỔI

10:04 19/03/2024

    

Lao phổi là một trong những căn bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan với những biến chứng nguy hiểm. Ngày nay y học hiện đại đã có những phương pháp điều trị lao phổi hiệu quả. Để biết thêm thông tin về căn bệnh này cũng như cách điều trị, chúng ta cần tìm hiểu giúp bảo vệ sức khỏe được tốt hơn.

 

 

1. Bệnh lao phổi là gì?

Bệnh lao là một bệnh gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (gọi tắt là M. tuberculosis) lây lan từ người này sang người khác qua không khí. Bệnh lao thường ảnh hưởng đến phổi nhưng nếu không chữa trị kịp thời vi khuẩn sẽ xâm nhập đến các bộ phận khác của cơ thể.

 

Sau khi xâm nhập cơ thể, không phải lúc nào vi khuẩn lao cũng lập tức gây bệnh. Do đó, tình trạng nhiễm khuẩn lao thường được chia thành hai giai đoạn gồm: 

Nhiễm lao tiềm ẩn: Lao tiềm ẩn, người bệnh vẫn sẽ cảm thấy khỏe mạnh và không có bất kỳ biểu hiện nào do hệ miễn dịch đủ mạnh để kìm chế vi khuẩn. Giai đoạn này không có triệu chứng.  

Bệnh lao đang hoạt động: Các triệu chứng của bệnh lao hoạt động ở phổi và nặng hơn trong vài tuần bao gồm: Ho, sốt, ho ra máu hoặc chất nhầy, đau ngực, đau khi thở, ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm, giảm cân, không muốn ăn, mệt mỏi. Có khoảng 5 - 10% người nhiễm khuẩn M. tuberculosis sẽ bị bệnh lao phổi nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Khoảng 50% sẽ phát bệnh sau 2 - 5 năm kể từ thời điểm nhiễm trùng. Giai đoạn này gọi là thời gian ủ bệnh lao. 

 

2. Nguyên nhân gây ra lao phổi?

Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn lao gây bệnh ở nhiều bộ phận trên cơ thể nhưng nhiều nhất là gây lao phổi chiếm tỷ lệ cao từ 80 - 85%.

 

3. Các triệu chứng bệnh lao phổi?

Đối với lao phổi, bệnh nhân thường có các triệu chứng sau đây:

- Ho kéo dài, có thể ho khan hoặc ho kèm theo đờm, máu. Ho dai dẳng từ 3 tuần đến vài tháng. Đây là triệu chứng điển hình và có ý nghĩa quan trọng trong phát hiện bệnh lao.

- Cảm giác đau thắt ngực, khó thở.

- Đau tức ngực, thỉnh thoảng lên cơn khó thở.

- Thường xuyên đổ mồ hôi về đêm.

- Sốt nhẹ, ớn lạnh lúc chiều tối.

- Chán ăn, cơ thể suy nhược và thường bị sút cân.

- Cơ thể mệt mỏi và yếu ớt, không có sức.

  

4.  Các yếu tố nguy cơ?

Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị bệnh lao phổi. Tuy nhiên, rủi ro những người mắc bệnh cao hơn những người còn lại do nhiều yếu tố nguyên nhân, ví dụ như: 

Hệ miễn dịch yếu

Nguyên nhân suy giảm miễn dịch có thể là do: 

Nhiễm HIV

Một số bệnh lý mạn tính như loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn tính, ung thư

Trị liệu lâu dài với một số loại thuốc tiêm tĩnh mạch, corticoid, hóa chất điều trị ung thư…

Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn và vảy nến

Suy dinh dưỡng

Đi du lịch hoặc sống ở một số khu vực nhất định

Nghiện ma túy, bia, rượu, thuốc lá

5. Bệnh lao phổi có lây không?

Bệnh lao phổi rất dễ lây truyền từ người này sang người khác. Khi người bệnh ho vi khuẩn phát tán ra bên ngoài xâm nhập vào cơ thể của người gần đó. 

6. Điều trị bệnh lao phổi như thế nào?

- Hiện nay, lao phổi không còn là nỗi lo sợ của mọi người bởi vì căn bệnh này đã được điều trị dễ dàng. Bệnh lao phổi được điều trị theo phác đồ của chương trình phòng chống lao Quốc gia. Nếu điều trị đúng đắn và tuân thủ các nguyên tắc điều trị thì bệnh lao có thể chữa khỏi.

- Phương pháp điều trị lao phổ biến là dùng thuốc chống lao đặc hiệu và nhiều loại thuốc kháng sinh kết hợp uống trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn. Tuy nhiên phác đồ cụ thể cho từng ca bệnh thì còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, sức đề kháng của người bệnh và tình trạng kháng thuốc của người bệnh.

- Trong quá trình điều trị, để đạt được kết quả nhanh chóng và tốt nhất, người bệnh cần phải uống thuốc đúng liều, đủ liều và uống đúng giờ. Sử dụng thuốc đúng nguyên tắc thì có thể điều trị khỏi bệnh, diệt được vi khuẩn lao trong vòng từ 2-3 tuần. Trong trường hợp bệnh nhân cảm thấy bệnh thuyên giảm không được tự ý ngưng sử dụng thuốc vì vi khuẩn lao rất dễ bị kháng thuốc.

- Trong quá trình điều trị hoặc sau khi điều trị theo phác đồ bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng hoặc tác dụng phụ của bệnh lao phổi sau đây: Vi khuẩn lao kháng thuốc, tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi, xuất huyết đường hô hấp, nấm đường hô hấp, giãn phế quản, suy hô hấp.

7. Chẩn đoán và phòng bệnh?

- Chẩn đoán: Gồm các xét nghiệm máu, chụp x quang phổi, xét nghiệm đờm. Chụp x- quang sẽ thấy được các mảng không đều trong phổi cho thấy vi khuẩn lao đang hoạt động, sau đó sẽ thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn như: Nhuộm soi tiêu bản đờm, xét nghiệm Xpert – MTB, phản ứng Tuberculin, nuôi cấy vi khuẩn lao trong phòng thí nghiệm.

- Phòng bệnh: Tiêm ngừa vacxin lao là biện pháp phòng bệnh hàng đầu. Tiêm phòng giúp tạo miễn dịch cho cơ thể để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn lao.

- Đối với trẻ em: Tiêm ngừa vacxin BCG cho trẻ.

- Đối với người lớn: Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân lao, thăm khám sức khỏe định kỳ, xây dựng lối sống khoa học, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, tránh ăn chung, ngủ chung và sử dụng đồ đạc dụng cụ của người bệnh lao. Chủ động tiêm phòng lao cho mình và cho con cái.

8. Nơi điều trị bệnh lao ở đâu?

- Nơi điều trị bệnh lao theo phác đồ tại các cơ sở Trung tâm y tế và trạm y tế.

- Nơi khám chữa bệnh phổi tại TP Hồ Chí Minh: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.    

9. Quy trình điều trị bệnh lao phổi?

Điều trị lao phải được kiểm soát trực tiếp và theo phác đồ như sau:

- Sau khi có kết quả Xpers dương tính bệnh nhân mắc bệnh lao phổi thì Tổ lao thu dung điều trị cho thuốc tại Trung tâm y tế, sau đó gửi bệnh nhân về Trạm y tế quản lý theo dõi và cấp thuốc tiếp tục theo toa đầu tiên. Thời gian điều trị lao theo phác đồ là 06 tháng và có 03 lần xét nghiệm.

- Khi bệnh nhân điều trị tại trạm được 02 tháng thì về Tổ lao thuộc Trung tâm y tế xét nghiệm đờm lần 01 đến 5 tháng xét nghiệm lần 02 và khi gần 06 tháng xét nghiệm lại lần 03, Tổ lao cho thuốc và kết thúc đợt điều trị.

- Đặc biệt lưu ý đối với bệnh nhân: Sau khi điều trị tấn công 1-2 tháng, bệnh nhân lao thấy triệu chứng giảm bớt rõ rệt thì phải tiếp tục điều trị đến hết phác đồ không được ngưng thuốc giữa chừng.

10. Cách phòng ngừa bệnh lao?

Để phòng bệnh lao phổi bạn nên thực hiện các phương pháp sau:

Tiêm phòng vắc-xin BCG cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 01 tháng tuổi.

Cần mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác hoặc người bị bệnh lao phổi.

Không sử dụng chung quần áo, chăn màn, ăn chung, ngủ chung.....

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa thoáng mát sạch sẽ, lau sạch nhà cửa với các hóa chất khử trùng.

Không hút thuốc lá và rượu bia.

Người bệnh không được khạc nhổ bừa bãi, đờm khạc ra phải được đậy kín và đem tiêu hủy.

 

Xuân Yên (TTYT huyện Châu Phú)

các tin khác