Bài viết - Phóng sự

Tăng cường phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ

12:12 02/10/2018

    

Hàng năm vào tháng 7, tháng 8 âm lịch là mùa mưa lũ lại tràn về làm nguồn nước bề mặt bị ô nhiễm, trong và sau mưa, lũ, lụt, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật, từ đó vi khuẩn gây bệnh rất dễ lây nhiễm sang người. Do đó mọi người cần chủ động phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình trong mùa mưa lũ. Thực tế cho thấy ở các vùng, miền sau mưa, lũ, lụt, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng nhanh, có nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như: nhiễm khuẩn đường ruột, thương hàn, tiêu chảy, kiết lỵ, sốt xuất huyết, tay chân miệng…có thể tạo thành dịch nguy hiểm.
Responsive image
 

Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó trưởng trạm y tế xã Khánh Hòa cho biết “Trong mùa mưa lũ vi khuẩn rất dễ dàng chui qua da để vào trong cơ thể và phát triển thành dịch bệnh. Bên cạnh đó, vào mùa mưa nước dễ bị đọng trên các vật dụng chứa nước như lon, vỏ bánh xe, gáo dừa,…tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và khuếch tán ra bên ngoài  là nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên thời tiết ẩm thấp vi khuẩn sinh sản nhanh, vệ sinh kém sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây ra bệnh tay chân miệng. Bên cạnh đó nước ô nhiễm từ thượng nguồn đổ xuống mưa nhiều làm đất liên trôi xuống sông là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh đường ruột”.

Dịch bệnh có thể lây lan nhanh và rộng, do vậy để tích cực phòng chống dịch bệnh, đối với bệnh sốt xuất huyết, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và tránh muỗi đốt bằng cách xịt thuốc muỗi, vợt điện, thả cá bảy màu, cá lia thia vào các nơi chứa để cá ăn bọ gậy; thu gom, hủy bỏ các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ, gáo dừa, vỏ xe; thay nước, rửa lu, khạp mỗi tuần 1 lần, ngủ mùng kể cả ban ngày.

Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó trưởng Trạm y tế xã Khánh Hòa cho biết thêm: “Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Các dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ vệ sinh cơ thể, sử dụng trang thiết bị bảo hộ trong khi làm vệ sinh môi trường, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Khi thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe người dân thì cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị ngay, không tự ý chữa chạy tại nhà, bệnh không khỏi mà còn lây lan nhanh”.

Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo mà ngành y tế đưa ra như: Lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh; ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy; thu gom, xử lý và chôn xác động vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế; khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất./.

Huỳnh Dương (Đài Truyền thanh huyện Châu Phú)

các tin khác