Bài viết - Phóng sự

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRÊN ĐÀN BÒ TẠI HUYỆN CHÂU PHÚ

06:33 22/02/2024

    

Thời gian qua, việc nuôi bò để có thêm nguồn thu nhập giúp cải thiện cuộc sống của một số hộ dân ở nông thôn, tuy nhiện giá bán sản phẩm bò thịt thấp, lợi nhuận chăn nuôi kém; ngoài ra còn rủi ro do dịch bệnh đe dọa, có thể dẫn đến thua lỗ. Do đó, nhằm giảm rủi ro do dịch bệnh gây ra, Trạm Chăn nuôi và Thú y Châu Phú khuyến cáo đến bà con chăn nuôi lưu ý phòng, chống một số bệnh thường gặp ở bò như sau:

 

 

1. Bệnh chứng hơi dạ cỏ trâu, bò

Nguyên nhân do gia súc ăn nhiều cỏ non hoặc cây họ đậu, thức ăn nhiều chất nhày như rau lang, rau muống non… đã lên men sinh hơi nhanh, gia súc không kịp thoát hơi gây chướng căng dạ cỏ. Đặc biệt, vào mùa khô, gia súc ăn nhiều thức ăn khô như rơm, cỏ khô, nên hệ vi sinh vật dạ cỏ thích nghi với tiêu hóa nhiều thức ăn khô, đến đầu mùa mưa, gia súc ăn nhiều cỏ non đột ngột sẽ sinh hơi nhiều mà bò không ợ ra kịp thời gây bệnh.

Có thể kế phát từ bệnh liệt dạ cỏ, bội thực, tắc thực quản, viêm họng làm gia súc không ợ hơi được, viêm màng bụng. Do thời tiết thay đổi đột ngột trong ngày có thể làm nhu động dạ cỏ bị liệt không thể thoát hơi ra kịp cũng gây bệnh.

Triệu chứng: khi bò bị bệnh do sinh hơi nhiều không thoát ra được nên dạ cỏ phình to ra làm bò mệt khó thở, nếu bệnh nặng làm bò không thở được và chết.

Về điều trị: Bệnh này cần nhanh chóng điều trị kịp thời vì bệnh diễn biến nhanh. Cho gia súc uống 1 trong các loại dung dịch: Nước dưa chua: 0,5 – 1 lít hoặc bia hơi : 0,5-2 lít. Đồng thời, xoa bóp vùng dạ cỏ để kích thích ợ hơi. Có thể giã gừng tẩm vào rơm, vải thô, chà sát liên tục 30 – 60 phút ở hông bên trái. Làm như vậy nhiều lần nhằm tăng nhu động dạ cỏ giúp bò ợ thoát hơi ra ngoài.

Nắm lưỡi gia súc kéo nhịp nhàng lệch về một bên nhiều lần để kích thích ợ hơi.  Nếu dùng các biện pháp trên không hiệu quả, dạ cỏ vẫn chướng căng, nguy hiểm đến tính mạng gia súc thì phải báo cho nhân viên chăn nuôi thú y xã hoặc thú y tự do điều trị kịp thời.

Phòng bệnh: Hạn chế cho bò ăn quá nhiều cỏ non hoặc cây họ đậu, thức ăn nhiều chất nhầy như rau lang, rau muống non, thức ăn dễ lên men, sinh hơi khác

Khi thay đổi thức ăn nên thay đổi từ từ để gia súc kịp thích nghi, không bị rối loạn tiêu hoá.

Khi gia súc mắc bệnh liệt dạ cỏ, bội thực, tắc thực quản, viêm họng làm gia súc không ợ hơi được, viêm màng bụng… cần kịp thời điều trị để tránh kế phát bệnh chướng hơi dạ cỏ.

 

 

2. Bệnh bội thực trâu, bò

Bệnh phát sinh khi mà lượng thức ăn dư thừa tồn tại trong dạ cỏ không tiêu hoá kịp. Nguyên nhân do người chăn nuôi cho trâu bò ăn quá nhiều loại thức ăn tinh như: cám, xác khoai mì khô trong khoảng thời gian ngắn. Cho bò uống ít nước; để gia súc nhịn đói lâu ngày rồi đột nhiên cho ăn no; bò vỗ béo nuôi nhốt mà cho ăn nhiều thức ăn tinh, thiếu vận động..., thời tiết lạnh cũng làm giảm co bóp dạ cỏ nên thức ăn không được tiêu hết lắng xuống làm cứng lại.

Triệu chứng: Con vật ít đi lại, thường ngoảnh đầu nhìn bụng trái, biểu hiện đau bụng, thích đứng. Nếu nặng, con vật lăn lộn do những cơn đau bụng. Lõm hông trái đầy như vừa ăn no. Lấy nắm tay ấn mạnh  lên hõm hông trái và dạ dưới của bụng ta thấy để lại hố lõm. Kiểm tra phân  qua trực tràng thấy chắc như túi bột.

Điều trị: Cho nhịn ăn 1-2 ngày nhưng phải cho uống đủ nước,tăng cường nhu động dạ cỏ bằng cách xoa rượu gừng vào lõm hông trái theo chiều kim đồng hồ nhiều lần. Sau đó dùng đòn khiêng đưa qua bụng dưới gia súc nâng lên hạ xuống từ từ. Cứ 1 giờ tác động như trên khoảng 15 phút. Cách làm trên được duy trì cho đến khi  trâu bò ợ hơi lên và nhai lại thì thôi.

 Tiêm bắp Cafein 20-25mg/kg trọng lượng, Stricnin 0,05-0,15 gam/ ngày, Vitamin B1:2-3 mg/kg trọng lượng ,Vitamin C :3-5 mg/kg trọng lượng, Glucoza 10% 1.000 ml để trợ sức, trợ lực. Cho uống bột tiêu rang pha rượu với liêu 50 gam tiêu với 1 lít rượu hoặc cho uống normogastryl (thuốc tiêu sôi) với liều 3 đến 6 viên cho 1 con, ngày uống 2 lần liên tục 3 đến 5 ngày.

Ngoài ra còn một số bệnh truyền nhiễm khác cũng thường xảy ra trên bò (người nuôi cần phải tiêm phòng) như: Bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng tuy nhiên những bệnh này có vaccine tiêm phòng an toàn cho bò. Một số bệnh như: viêm khớp, nhiễm trùng thông thường có thể dùng các kỹ thuật chăn nuôi để phòng bệnh.

Để bảo vệ sức khoẻ cho bò được tốt cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

-Thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng,… thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.

-Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng cho gia súc chống lại bệnh.

-Khi mua gia súc cần biết rõ nguồn gốc và đã qua kiểm dịch theo quy định.

Phạm Thanh Vũ (Trạm Chăn nuôi Thú y Châu Phú)

các tin khác