Bài viết - Phóng sự

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Châu Phú “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới”

08:35 06/09/2023

    

Ngày 5/9, tất cả các điểm trường trên địa bàn huyện Châu Phú đã chính thức bước vào năm học mới. Cùng với sự quan tâm của toàn xã hội trong việc chăm lo, nâng chất giáo dục và đào tạo, các trường đã chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tạo không khí vui tươi, phấn khởi để đảm bảo công tác dạy và học.

 

 

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Sở Giáo dục và Đào tạo, Huyện ủy, UBND huyện; sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục đào tạo. Hệ thống mạng lưới trường, lớp các ngành học, cấp học tiếp tục được điều chỉnh, sắp xếp lại theo Đề án đã được tỉnh phê duyệt; đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia theo đề án xã nông thôn mới.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ổn định; số lượng và chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên các cấp từng bước được bổ sung, tăng cường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Việc sắp xếp vị trí việc làm và chuẩn hóa các chức danh được ngành chỉ đạo triển khai thực hiện đều khắp ở các cấp học; việc đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ được triển khai đồng bộ. Hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh tiếp tục đẩy mạnh tiếp cận việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; đổi mới trong tổ chức các hoạt động giáo dục, giúp học sinh giảm được áp lực trong học tập. Công tác truyền thông, phối hợp giữa ngành giáo dục và các ngành liên quan được thực hiện thường xuyên; mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội ngày càng chặt chẽ. Việc phối hợp với chính quyền địa phương và Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Trung tâm học tập cộng đồng,… đã tạo điều kiện giúp đỡ cho các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục tham gia học tập.

 

 

          Năm học 2022 - 2023, giáo dục mầm non huyện có 16 trường (giảm 2 trường so với năm học trước). Số trẻ (cháu) huy động đến trường, lớp mầm non đạt tỷ lệ 103% so với kế hoạch (tăng 20,89% so với năm học 2021- 2022), đạt tỷ lệ 53,27% so dân số độ tuổi. Trẻ mẫu giáo 5 tuổi huy động ra lớp đạt tỷ lệ 118,68% so kế hoạch (tăng 27,61% so với năm học 2021-2022), đạt tỷ lệ 100% so với dân số độ tuổi.

Ở cấp tiểu học, toàn ngành có 35 trường tiểu học với tổng số 666 lớp, giảm 26 lớp so cùng kỳ năm trước. Huy động học sinh đầu năm học đạt tỷ lệ 102,3% so với kế hoạch (tăng 3,31% so với năm học 2021-2022) đạt 100% so với dân số độ tuổi. Đến cuối năm học: Số học sinh bỏ học 62 em, tỷ lệ: 0,32% giảm 0,44% so với năm học trước (năm học 2021-2022 là 0,76%). Năm 2022, huyện có 13/13 xã, thị trấn tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3; mức độ đạt 92,11% (tăng 0,14% so với năm trước). Tiếp tục tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đặc điểm tâm sinh lý học sinh; tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống. Đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh; triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục cấp học, chống ngồi nhầm lớp. Các trường duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia và tổ chức dạy bán trú; tổ chức dạy 02 buổi/ngày cho học sinh khối 1, 2 và khối 3 đạt 100%.

 

Ở cấp Trung học cơ sở, tổng số 13 trường với 369 lớp, giảm 06 lớp so cùng kỳ. Huy động đầu năm đạt tỷ lệ: 99,03% so kế hoạch (tăng 4,19% so với năm học 2021-2022), đạt 96,29% so với dân số độ tuổi. Đến cuối năm học: Số học sinh 12.598 em, giảm 518 em, tỷ lệ 3,95%, (giảm 2,06% so với năm 2021-2022). Số học sinh bỏ học: 168 em, tỷ lệ: 1,28%, (giảm 0,85% so với năm 2021-2022). Năm 2022, huyện có 13/13 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; mức độ đạt: 93,11%, tăng 1,23% so với năm trước.

Việc nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp tiếp tục triển khai. Tiếp tục thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá chuẩn và bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học. Xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đảm bảo 100% giáo viên được bồi dưỡng khi phân công giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới. Thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên đề nhằm củng cố, trang bị kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, công tác quản lý cho cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo đủ năng lực quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Trong thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ngành tiếp tục rà soát nhu cầu đầu tư xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất, các hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc triển khai chương trình đổi mới giáo dục mầm non, phổ thông, nhất là cơ sở vật chất đáp ứng theo lộ trình chuẩn quốc gia và yêu cầu thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Năm học 2022-2023, Phòng phân bổ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học trên địa bàn huyện với tổng kinh phí trên 3,9 tỷ đồng từ nguồn mua sắm sửa chữa cơ sở vật chất được phân bổ cho ngành giáo dục năm 2022.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, ngành đã chỉ đạo các trường đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục được đầu tư, đảm bảo phục vụ cho hoạt động giáo
dục ngày càng hiệu quả. Ngành, các trường đã trang bị phần mềm hệ sinh thái trong quản lý giáo dục vn.edu 4.0. Các văn bản được triển khai kịp thời thông tin trên môi trường mạng, phục vụ tốt cho quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ,…

Bên cạnh những thuận lợi và các kết quả đạt được nêu trên, năm học qua, ngành Giáo dục và đào tạo trong huyện gặp phải một số hạn chế, khó khăn như: Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mặc dù một số đơn vị được quan tâm theo lộ trình đề án xã nông thôn mới, tuy nhiên phần lớn các trường còn lại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất theo lộ trình xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, vẫn còn nhiều trường thiếu phòng chức năng, phòng học tạm bợ. Trang thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của ngành; mạng lưới trường học mầm non, tiểu học còn nhiều điểm lẻ, nhất là vùng trong. Một số ít giáo viên lớn tuổi kể cả cán bộ quản lý gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý. Đội ngũ giáo viên mầm non tuy được bổ sung nhưng vẫn còn thiếu theo Thông tư quy định, thiếu giáo viên dạy các môn chuyên ở cấp tiểu học; tỷ lệ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu dạy 2 buổi/ngày đối với khối tiểu học,…

 

 

        Với chủ đề năm học 2023-2024 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”, các đơn vị trường học, các ngành, cùng các địa phương trong huyện sẽ đồng tâm, hiệp lực, phối hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của ngành Giáo dục đặt ra. Năm học mới, ngành Giáo dục toàn huyện sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt Kế hoạch phát triển năm học 2023-2024; tổ chức huy động có hiệu quả, đáp ứng các chỉ tiêu được đề ra; thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng trường học đáp ứng yêu cầu thay sách theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập các trường học theo Nghị quyết 19-NQ/TW trên địa bàn huyện theo Đề án được UBND huyện phê duyệt. Tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động dạy học ở các trường học, việc đổi mới phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức dạy học nhằm đảm bảo cho học sinh đủ chuẩn kiến thức, kỹ năng; phẩm chất, năng lực lên lớp, nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học. Tập huấn triển khai các nội dung về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới cho đội ngũ giáo viên; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ để thực hiện giảng dạy lớp 4 và lớp 8 vào năm học 2023-2024. Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục kết hợp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, chú trọng thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giúp học sinh phát triển tốt cả hai mặt phẩm chất, năng lực.

 

Trúc Mai

các tin khác