Bài viết - Phóng sự

NÂNG CAO Ý THỨC TRONG PCCC CÁC NGÀY LỄ - TẾT GIÁP THÌN NĂM 2024

12:02 07/01/2024

    

Thời gian qua, tình hình hỏa hoạn xảy ra ở nhiều nơi, thiệt hại về người và tài sản thiệt hại khá lớn. Hậu quả sau khi cháy nhà là không thể lường trước được, đả có nhiều gia đình phải chịu cảnh màng trời chiếu đất, không còn nhà cửa để ở, sống trong cảnh đói nghèo và mất người thân.

 

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn, cháy nhà, đều do con người tạo ra, chủ yếu là do sự thiếu ý thức cảnh giác trong công tác phòng, chống cháy nổ; do chủ quan, bất cẩn trong sinh hoạt khi sử dụng điện, chất đốt: gas, xăng, dầu, củi… để đun, nấu. Nếp sống văn minh, trật tự công cộng trong cộng đồng dân cư từng lúc, từng nơi chưa được thực hiện đúng quy định về an toàn PCCC.

Theo thống kê trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 03 vụ cháy (so cùng kỳ giảm 03/05 vụ), làm chết 02 người (so cùng kỳ giảm 2/3 người); thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 803 triệu đồng (so cùng kỳ giảm 0,83/9,53 tỷ đồng). Tuy nhiên ngay ngày cuối năm 2024 xảy ra cháy chợ Châu Long, TP Châu Đốc có 286 kiot với 110 hộ kinh doanh mỹ phẩm, quần áo, dầy dép... và hàng củ của nước ngoài.

Riêng trên địa bàn huyện Châu Phú không xảy ra vụ hỏa hoạn nào (so cùng kỳ giảm 00/01 vụ). 

Nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, chủ động không để xảy ra hỏa hoạn, cháy nhà, nhất là vào mùa hanh khô, nắng hạn như hiện nay, đặc biệt là thời điểm diễn ra các ngày Kỷ niệm, Lễ - Tết năm 2024. Đề nghị cán bộ công chức - viên chức, công nhân cơ quan, doanh nghiệp và mọi người dân … phải đề cao ý thức cảnh giác và thực hiện các biện pháp sau:

I. ĐỐI VỚI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

- Phát huy vai trò trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, cần chủ động chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, cháy chữa cháy tại cơ quan đơn vị.

- Tăng cường công tác xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy chữa cháy”, thành lập và duy trì hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ theo quy định của pháp luật, nhất là khi có sự thay đổi về nhân sự; thường xuyên tổ chức tập huấn thao tác, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho cán bộ trực thuộc nắm được tính năng, thao tác sử dụng phương tiện chữa cháy, tránh lúng túng, bị động khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống đường dây dẫn điện; Trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo sẵn sàng phục vụ PCCC trong mọi tình huống.

- Bố trí lực lượng thường trực đảm bảo chữa cháy tại chỗ 24/24.

I. ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH VÀ HỘ GIA ĐÌNH

- Sắp xếp hàng hóa, vật tư, đồ dùng trong gia đình ngăn nắp, không để gần các thiết bị điện, cách xa nơi đun nấu và không lấn chiếm lối thoát nạn. Thường xuyên nhắc nhở nhân viên, nhân công tuân thủ các quy trình an toàn kỹ thuật trong lao động, sản xuất và nội quy, quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện sinh hoạt trong gia đình, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp…, khắc phục các thiết bị có nguy cơ dẫn đến chạm, chập, ngắt mạch điện. Các dây dẫn, vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế; các thiết bị điện lắp đặt trong nhà phải đảm bảo an toàn.

- Khi sử dụng các chất đốt như: gas, dầu, than, củi… đun, nấu phải có người trông coi. Khi ra khỏi nhà, trước đi ngũ, phải kiểm tra bếp nấu ăn bằng gas, bằng than, củi; Không để trẻ em đùa nghịch với lửa, Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết, nhằm làm hạn chế tối đa xảy ra các vụ cháy.

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas (độ kín của bình, ống dẫn gas), khi phát hiện có rò rỉ đường ống dẫn gas thì phải thay mới, nếu rò rỉ ở cổ van hoặc thân bình thì chuyển bình gas ra khu vực trống trải an toàn rồi xả hết khí gas, tuyệt đối không được tự ý sửa chữa vỏ bình gas.

- Bố trí nơi thờ cúng hợp lý và phải thường xuyên kiểm tra an toàn tại nơi thờ cúng. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách trần nhà và xa vật dễ cháy tối thiểu là 0,5m.

- Mỗi hộ gia đình, các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sản xuất, nhất là các cơ sở kinh doanh các loại chất đốt, chất dể cháy gas, xăng, dầu… Các kho chứa hàng phải cắt điện trước khi đóng cửa. Phải đảm bảo các quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy, đặt biệt cần phải có một - hai bình chữa cháy mi ni (xách tay) để phòng khi có tình huống cháy bất ngờ xảy ra, hạn chế cháy lan, cháy lớn.

- Khi có cháy, nổ xảy ra, thì báo động cho mọi người xung quanh biết, bằng cách hô to, đánh kẻng… Nhanh chóng ngắt nguồn điện, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy, ngăn chặn, chống cháy lan. Tổ chức thoát nạn, cứu người và di chuyển tài sản, đồng thời bằng mọi cách nhanh nhất thông báo cho Công an nơi gần nhất và gọi điện thoại báo cho lực lượng PCCC đến tham gia chữa cháy qua các số điện thoại sau:

- Đội chữa cháy chuyên nghiệp:               114;

- Đội chữa cháy Khu vực Châu Phú:       02963.686114;

- Công an huyện Châu Phú:                     02963.688316;

- Công an thị trấn Cái Dầu:                      02963.668476.

Nếu vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy sẽ bị xử lý theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính Phủ. Tùy theo tính chất mức độ vi phạm, bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000đ đến 50.000.000đ. Trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Văn Lành

các tin khác