Bài viết - Phóng sự

Chủ động phòng tránh bệnh sốt xuất huyết vào mùa mưa

12:59 26/06/2020

    

Sốt xuất huyết đang là căn bệnh có diễn biến tăng nhanh hiện nay, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virut dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong trong những trường hợp bệnh nặng mà không được chẩn đoán và điều trị kịp thời hoặc dùng thuốc không theo hướng dẫn của thầy thuốc. Bệnh này sẽ không nguy hiểm nếu bạn biết cách phòng chống và khi nghi ngờ bị mắc bệnh cần phải thăm khám và theo dõi điều trị tại cơ sở y tế. Bệnh sốt xuất huyết do vi rút gây ra nên không có thuốc đặc trị tiêu diệt vi rút. Bệnh chỉ có thể phòng được bằng cách diệt muỗi và tránh muỗi đốt.

 

Responsive image
 

     Hiện nay thời tiết thay đổi thất thường và nhất là khi mùa mưa đến là điều kiện cho muỗi và côn trùng sinh sôi nảy nở, khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Bệnh sốt xuất huyết biểu hiện rất đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Nó thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời bệnh sẽ khỏi và hạn chế tử vong. Bệnh thường được biểu hiện qua các dấu hiệu như: sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 - 7 ngày và có thể có các biểu hiện kèm theo như: Tình trạng xuất huyết có thể ở nhiều mức độ khác nhau như: từng chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, phát ban, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu như: người bệnh vật vã, lừ đừ, li bì; nôn mửa nhiều; xuất huyết niêm mạc, xuất huyết ngày càng nhiều; tiểu ít là những biểu hiện của tình trạng nặng. Do vậy, cần lưu ý khi có một trong những biểu hiện trên cần phải đưa người bệnh đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời, tránh tử vong. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Châu Phú, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện xảy ra 205 ca sốt xuất huyết, tăng 123 cas so cùng kỳ năm 2019 và không có ca tử vong. 

     Theo đánh giá của sở Y tế tỉnh, huyện Châu Phú hiện đứng ở vị trí thứ 2 về tỷ lệ số cas mắc sốt xuất huyết được ghi nhận. Và để lý giải cho những nguyên nhân trên, Bác sĩ Huỳnh Tấn Bình Yên – Phó khoa kiểm soát bệnh tật huyện Châu Phú cho biết: từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Châu Phú diễn biến rất phức tạp, một số xã có tỷ lệ số cas mắc cao như: Khánh Hòa, Mỹ Phú, Bình Thủy v.v… Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện cũng có những biện pháp chủ động để phòng chống dịch bệnh, đối với những ấp nơi có ổ dịch nguy cơ cao thì chúng ta thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường 01 tuần/lần và tăng cường những bài phát thanh về phòng chống dịch bệnh trên loa đài phát thanh thường xuyên, và khi chúng ta thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng thì kết hợp phát tờ rơi cho người dân được biết về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cũng như quán triệt với người dân là “Không còn lăng quăng thì không còn muỗi vằn, không còn sốt xuất huyết”. Sốt xuất huyết là bệnh có xu hướng gia tăng trên toàn cầu cũng như ở huyện Châu Phú, có những nguyên nhân chủ yếu: Châu Phú là địa bàn dân cư đông nên khó khăn trong công tác vệ sinh môi trường, số dụng cụ chứa nước qua điều tra hàng năm đều tăng, nhiều bãi đất trống, công trình xây dựng là điều kiện để muỗi sinh sống và đẻ trứng. Trong chiến dịch diệt lăng quăng thì có một số khó khăn, khi diệt lăng quăng thì có một số hộ dân không có mặt ở nhà, nhà đóng cửa nên khó tiếp cận được với gia đình, do họ đi làm ăn xa. Khi có dịch xảy ra, đầu tiên là Trạm Y tế xã kết hợp với Ban ấp thực hiện vệ sinh môi trường ở bán kính 200m xung quanh ổ dịch. Sau đó, đội phun thuốc diệt muỗi ở Trung tâm xuống phun thuốc diệt muỗi 02 lần, lần 01 khi nhận được tin báo, lần 02 là 01 tuần sau, sẽ phun thuốc trong vùng bán kính 200m, kết hợp với truyền thanh của xã vãng gia từng nhà, phát tờ rơi, hướng dẫn họ thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi, phòng chống sốt xuất huyết. Đồng thời, Trung tâm y tế còn cử cán bộ thường xuyên giám sát những ổ dịch đã xử lý và các ổ dịch cũ để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, để chúng ta phòng ngừa triệt để.

     Và một trong những xã có số ca mắc sốt xuất huyết thấp nhất toàn huyện hiện nay là xã Thạnh Mỹ Tây, có tổng số 05 ca mắc, xã đã cơ bản hạn chế dịch bệnh xảy ra là do Ban ấp thường xuyên kết hợp cùng các Hội đoàn thể duy trì ra quân vệ sinh môi trường thường xuyên hàng tháng, ông Nguyễn Văn Ẩn - Trưởng trạm Y tế xã Thạnh Mỹ Tây cho biết: Vào mùa mưa, tình hình sốt xuất huyết xảy ra, nhất là ở các khu dân cư. Qua đó, được sự chỉ đạo của UBND xã là thường xuyên làm vệ sinh môi trường, thực hiện tốt công tác vãng gia. Trạm Y tế chủ động kết hợp với ban ngành, đoàn thể ấp, thanh niên, phụ nữ và các tổ y tế ấp để đi vận động và truyên truyền, phát tờ rơi, tờ bướm trên địa bàn, trong các khu dân cư, các ấp có nguy cơ cao. Kiểm tra hộ trong lu hũ có lăng quăng là phải đổ sạch, chứ để 7-10 ngày sau, cho phát thành muỗi rồi thì rất khó đề phòng. Còn sốt xuất huyết là lây từ trong mầm bệnh, muỗi trích từ người có mầm bệnh, rồi sang chích người khác, có thể lây cho người khác chính là con muỗi vằn. Đoàn đi vãng gia vận động người dân, vào mùa mưa, chứa nước mưa là dễ có lăng quăng, nhưng nếu chứa nước mưa phải đậy nắp lu cho kín đáo, không cho con muỗi vô sinh đẻ, không dở vô dở ra, nếu là lu nước xài thì phải theo dõi hàng ngày, nếu có lăng quăng thì phải đổ sạch, không để cho thành ấu trùng. Sốt xuất huyết cần được phát hiện sớm, điều trị sớm, kịp thời và kịp lúc, không để nặng thêm.

     Bên cạnh đó, ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa, thường xuyên xúc rửa lu khạp, dùng các biện pháp diệt muỗi là yếu tố quan trọng trong công tác phòng ngừa dịch bệnh. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, do người dân có thói quen trữ nước sinh hoạt, môi trường xung quanh bị ô nhiễm, có nhiều nước đọng. Trong khi nhiều hộ dân rất chủ động trong việc vệ sinh môi trường, dọn dẹp các vật dụng có thể chứa nước đọng. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều người dân dửng dưng với bệnh. Cho rằng: phòng chống bệnh là việc của ngành y tế mà chưa hiểu được rằng, để dịch bệnh không bùng phát thì chủ yếu vẫn là từ ý thức của từng hộ dân và cả cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Nga -Ngụ tổ 11, ấp Ba Xưa chia sẻ: Phòng sốt xuất huyết bằng những hành động đơn giản. Trước tiên, gia đình bà luôn giữ thói quen thực hiện việc xúc lu, khạp thường xuyên, rồi thả cá lia thia, cá bảy màu để cho nó ăn lăng quăng, diệt bọ gậy thì không còn muỗi vằn, với lại mùng, màn, quần áo không có treo nhiều, phải xếp gọn gàng; lu, khạp chưa sử dụng, ráo dừa phải úp xuống hết, không để đọng nước mưa thì không còn sốt xuất huyết nữa. Thì lâu lâu, địa phương có cử cán bộ xuống tận nhà giám sát, hướng dẫn cách loại bỏ lăng quăng, vận động giữ vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp thì không có xốt xuất huyết nữa. Ở khu vực bà đang sống, mọi người rất ý thức trong việc giữ gìn môi trường, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

     Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà người dân tự nhận thức được tác hại của dịch bệnh mà chủ động phòng ngừa cho gia đình. Trong đó, cần đa dạng các hình thức truyền thông phòng chống sốt xuất huyết, sát với tình hình thực tế, gần gũi để người dân ở địa phương dễ tiếp cận, phòng chống muỗi đốt bằng cách: Mặc quần áo dài che kín tay chân, ngủ trong mùng kể cả ban ngày hoặc dùng bình xịt diệt muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi… Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác. Chị Nguyễn Thị Tuyết, ngụ ấp Long Châu bày tỏ: Trong gia đình, chị cũng luôn cọ, rửa lu, hủ; bình cắm hoa thì cũng thường xuyên thay nước, dọn dẹp nhà cửa thoáng mát, những chỗ tối, muỗi hay chú ngụ thì thường xuyên kiểm tra, cho con nhỏ ngủ mùng, sử dụng nhang ung muỗi, bình xịt muỗi để hỗ trợ thêm v.v…. Do nhà có con nhỏ nên gia đình cũng thường xuyên kiểm tra các lu, hủ trong nhà, cho con ngủ mùng kể cả ban ngày, thường xuyên mở cửa phòng cho thoáng mát, tránh để muỗi trú ẩn nơi treo quần áo, bên cạnh đó lu, hủ kiểm tra thường, đậy nắp cẩn thận, thả cá 7 màu vào lu chứa nước v.v…

     Theo các Bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, khi người bệnh có những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người nhà nên đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị. Trong trường hợp nhẹ có thể chăm sóc người bệnh ở nhà, nghỉ ngơi và cho uống nhiều nước, uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt. Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa. Bên cạnh đó, nhớ cho người bệnh dùng thuốc hạ sốt, chườm mát. Tiếp tục theo dõi, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn như: li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều cần đưa ngay đến bệnh viện. Bệnh sốt xuất huyết tuy nguy hiểm nhưng chúng ta vẫn phòng ngừa được bằng các biện pháp đơn giản tại nhà, mọi người, mọi nhà hãy cùng nhau chung tay phòng bệnh sốt xuất huyết để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho bản thân và gia đình./.

Tú Trang - Nguyễn Kim - Huỳnh Dương

các tin khác