Bài viết - Phóng sự

Xã Nông thôn mới Ô Long Vĩ kết quả sau 9 năm thực hiện (2011 – 2019)

08:45 10/10/2020

    

Ô Long Vĩ là một xã thuần nông, có hệ thống kênh mương chằng chịt, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Là xã vùng trong của huyện, vị trí địa lý của xã được xác định: Phía Đông giáp xã Mỹ Phú, Mỹ Đức; phía Tây giáp huyện Tịnh Biên; phía Nam giáp xã Thạnh Mỹ Tây; phía Tây Nam giáp xã Đào Hữu Cảnh; phía Bắc giáp thành phố Châu Đốc. Tổng diện tích tự nhiên 7.261 ha, trong đó diện tích nông nghiệp 6.810 ha, bao gồm 5 tiểu vùng sản xuất 2 vụ/năm với diện tích 1.286 ha và 8 tiểu vùng sản xuất 3 vụ/năm với diện tích 5.524 ha. Xã có 12 ấp với tổng số dân hơn 12.400 nhân khẩu, trong đó số người trong độ tuổi lao động khoảng 7.200 người. Dân cư gồm dân tộc Kinh chiếm 98,65%, dân tộc Hoa và Khmer chiếm 1,19% và dân tộc khác 0,16%.

 

Responsive image
 

     Năm 2011, xã bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn như cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư, còn nhiều đường đất, cầu gỗ, trường học xuống cấp; người dân chủ yếu sống nhờ nông nghiệp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, công tác vận động xã hội hóa chưa cao...

     Xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là tập trung phát triển kinh tế nông thôn, tăng nhanh thu nhập của người dân, đầu tư xây dựng nâng cấp kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, thủy lợi, trường học và các công trình phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái... Từ những ý nghĩa thiết thực trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ô Long Vĩ luôn xem xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững vừa là nhiệm vụ cấp bách. 

     Bắt tay vào thực hiện, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, do đó chỉ đạo các chi bộ trực thuộc, đặc biệt là các chi bộ ấp cụ thể hóa Nghị quyết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai cho đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ và nhân dân trên địa bàn ấp mình; gắn trách nhiệm các đoàn thể và đảng ủy viên phụ trách địa bàn để giúp đỡ, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

     Tăng tốc về đích, đầu năm 2019, Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết số 505A-NQ/ĐU ngày 22/01/2019 về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng ủy, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã tiếp tục rà soát mức độ đạt của các tiêu chí, xây dựng kế hoạch, chủ động điều hành, học hỏi những kinh nghiệm, cách làm hay và các mô hình mang lại hiệu quả cao trong xây dựng nông thôn mới để áp dụng trên địa bàn xã, đẩy nhanh tiến độ đạt của các tiêu chí, chỉ tiêu. Đặc biệt, việc xây dựng nông thôn mới được triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ và nhân dân, từng bước nâng cao ý thức cán bộ và nhận thức của người dân, xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt của toàn Đảng bộ và nhân dân xã Ô Long Vĩ phải quyết tâm đạt được trong năm 2019.

     Với nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, sau 09 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2011 - 2019), tổng thể Kinh tế - Văn hóa xã hội - Quốc phòng an ninh của xã đạt những kết quả rõ rệt.

     Nhiều đổi thay về kết cấu hạ tầng nông thôn, với 100% đường trục chính được nhựa hóa đạt chuẩn (27,5 km/27,5 km); 52% đường trục ấp, liên ấp được nhựa hóa (5,2km/10km); 100% đường dân sinh được cứng hóa, sạch, không lầy lội vào mùa mưa (3,8km/3,8km); 80% đường trục chính nội đồng được cứng hoá, xe cơ giới đi lại thuận tiện (19,6km/24,5km); nhiều cầu bê tông kiên cố được cất mới. 

Responsive image
 

           Tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp, những năm qua, xã rất quan tâm đến việc đầu tư cho các công trình thủy lợi và tổ chức lại sản xuất. Hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được xây dựng theo quy hoạch, thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, phát huy hiệu quả hoạt động. Toàn xã có 29 tuyến kênh mương kiên cố hóa, với tổng chiều dài 181 km đảm bảo an toàn sản xuất vụ thu đông; có 32 cống, 48 trạm bơm điện đảm bảo cho việc tưới, tiêu thoát nước chủ động cho 100% diện tích sản xuất nông nghiệp ở tiểu vùng sản xuất 3 vụ/năm. Xã có một Hợp tác xã thành lập năm 2003 và được củng cố năm 2017 hiện tại hoạt động đúng theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, tổ chức tốt việc rút nước chống úng mùa lũ và tưới trong mùa hạn, bảo vệ tốt hệ thống đê bao đảm bảo cho nông dân trong vùng an tâm sản xuất. 

     Với thế mạnh là sản xuất lúa, xã rất chú trọng công tác tổ chức sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực theo mô hình chuỗi giá trị. Trong những năm qua, xã đã quy hoạch lại các vùng sản xuất như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng  chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái; tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường…Bên cạnh tổ chức nhiều cuộc hội thảo phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa còn tập huấn các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” từ Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững” (VnSAT) được 62 lớp 1.700 lượt nông dân tham dự và các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất… Qua đó, số hộ nông dân ứng dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng” “1 phải - 5 giảm” trong sản xuất lúa là 4.750 hộ, diện tích ứng dụng hơn 17.000 ha. 

     Để tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người nông dân, xã đã tích cực vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái hay cây màu và các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Tính đến tháng 5 năm 2019, toàn xã đã chuyển đổi được 181 ha, trong đó có 3,7 ha cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với mô hình tưới phun tự động, điều khiển qua điện thoại. Một số mô hình đạt giá trị sản xuất cao như mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng quýt, trồng bưởi; mô hình chăn nuôi lươn; mô hình trồng cây xương rồng… 

     Từ những kết quả trên, đến năm 2019, mức thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã đạt 46,6 triệu đồng/năm, tăng gấp 02 lần so năm 2011. 

Responsive image
 

     Song song đó, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng chất, 4/5 điểm trường cấp Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở được đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở; trên 82% học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học phổ thông, bổ túc, trung cấp. 

     Trên 89% tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy định (2.920 hộ/3.262 hộ) và 99,44% tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn (3.244 hộ/3.262 hộ). 

     Hệ thống đường truyền internet, loa truyền thanh được lắp đặt, bố trí rộng khắp trên toàn xã, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đáp ứng thông tin của người dân. Trạm Y tế được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế năm 2014 và duy trì cho đến nay, góp phần thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. 

     Hơn hết, xã Ô Long Vĩ đã thực hiện nhiều chính sách, chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho các hộ vươn lên thoát nghèo. Đến nay, xã chỉ còn 123 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, chiếm tỷ lệ 3,81%. Địa bàn xã không còn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đạt trên 75%.

     Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh” được triển khai, thực hiện mạnh mẽ. Toàn xã có 11/12 ấp đạt chuẩn Ấp Văn hoá và 97,46% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (2.736 hộ/2.834 hộ). Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được phát huy, duy trì thường xuyên. Tất cả các ấp trong xã đều có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và điểm sinh hoạt văn hóa thể thao. 

     Cảnh quang nông thôn xanh - sạch - đẹp, an toàn, Ủy ban nhân dân xã thường xuyên cùng với người dân ra quân dọn dẹp, vệ sinh xung quanh nơi ở, mé cây, trồng hoa dọc theo các tuyến đường tạo thông thoáng, sạch đẹp cho cảnh quang của xã. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn cũng được quan tâm đầu tư, xã có 02 chợ ở trung tâm xã và ấp Long Bình, phục vụ tốt cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân.

     Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp; nội dung, phương thức hoạt động của các hội, đoàn thể có bước đổi mới, chất lượng hoạt động không ngừng nâng lên. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; phát huy tốt năng lực, tinh thần trách nhiệm và khả năng vận động quần chúng. Công tác quốc phòng - quân sự địa phương; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 

     Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ô Long Vĩ Tô Thanh Tân cho biết: “Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, do đó, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đã tập trung lãnh chỉ đạo, tuyên truyền, vận động và tạo được sự chuyển biến trong nhân dân, đã động viên được người dân tham gia đóng góp tiền của, công sức, đất đai để cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Qua hơn 9 năm thực hiện, tình hình kinh tế - xã hội của xã chuyển biến rõ nét, nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 46,6 triệu đồng, tăng hơn 28,7 triệu đồng so năm 2011. Hạ tầng giao thông như cầu, đường, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục...được tập trung đầu tư đạt chuẩn theo quy định. Từ đó, tạo điều kiện cho việc đi lại, sinh hoạt, học tập và vận chuyển hàng hóa của người dân ngày càng thuận tiện hơn. Có được kết quả trên là nhờ được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy – UBND huyện, sự hỗ trợ của các phòng ban ngành huyện, sở ngành tỉnh, đặc biệt là sự tham gia đóng góp của nhân dân trong xã, góp phần cùng địa phương thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới trước một năm so với Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ xã đề ra”.

     Qua 9 năm xây dựng nông thôn mới, xã Ô Long Vĩ đã huy động tổng nguồn kinh phí 262 tỷ 234 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương 29,493 triệu đồng, chiếm 11,3%; Ngân sách tỉnh 129,299 triệu đồng, chiếm 49,3%; Ngân sách huyện 56,934 triệu đồng, chiếm 21,8%; Ngân sách xã 301 triệu đồng, chiếm 0,2%; Vốn lồng ghép từ các chương trình dự án 8.767 triệu đồng, chiếm 3,4%; Vốn doanh nghiệp đóng góp 6.829 triệu đồng, chiếm 2,6%; Vốn tính dụng 6,677 triệu đồng, chiếm 2,6%; Cộng đồng dân cư 22,971 triệu đồng, chiếm 8,8%; Vốn huy động khác 963 triệu đồng, chiếm 0,4%.

     Có thể thấy “Chủ động, phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, điều hành trong thực hiện; có kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách và nhất là được đa số nhân dân đồng tình hưởng ứng” - Những điểm sáng này đã giúp xã Ô Long Vĩ về đích nông thôn mới trước hẹn, trong năm 2019, sớm hơn một năm so với Nghị quyết. 

     Đạt chuẩn xã nông thôn mới đánh dấu một bước ngoặt lớn của sự phát triển, sự chuyển mình của xã vùng trong Ô Long Vĩ. Và hơn hết là niềm vinh dự và tự hào của những người dân đã ra sức để xây dựng quê hương phát triển.

     Nói về Kế hoạch thực hiện duy trì, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, ông Tô Thanh Tân - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ô Long Vĩ nói: “Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới kế hoạch của xã là tiếp tục duy trì, giữ vững, từng bước nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Trong đó, tập trung nhóm tiêu chí, chỉ tiêu về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất theo hướng tập trung, gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Tiếp tục triển khai huy động sự đóng góp của các tổ chức và nhân dân cùng nhà nước thực hiện thi công, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông trên địa bàn. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, công tác chăm lo cho người nghèo về nhà ở, công tác y tế, giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Phấn đấu đến năm giữa nhiệm kỳ, xã Ô Long Vĩ đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao theo Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra”.

     Ô Long Vĩ hôm nay khoác lên mình diện mạo mới với những đổi thay rõ nét về cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kết quả đó đã minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp; cùng với truyền thống và tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân nơi đây./.

Trúc Mai - Mỹ Ngân - Tú Trang

các tin khác