Bài viết - Phóng sự

Thấm nhuần 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng

02:46 15/05/2024

    

Trong không khí tưng bừng Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941-15/5/2024), tiến tới Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc tế Thiếu nhi 1/6 việc hiểu ý nghĩa và thấm nhuần 5 điều Bác Hồ dạy của thiếu niên nhi đồng nói chung và các em học sinh nói riêng là rất cần thiết.

 

Bởi 5 điều Bác Hồ dạy là sự đúc kết kinh nghiệm rèn luyện của Bác nhằm động viên thiếu niên nhi đồng cả nước trong lao động, học tập và rèn luyện. Đồng thời, 5 điều Bác Hồ dạy là mục tiêu, cương lĩnh giáo dục cho thiếu niên nhi đồng thể hiện tính toàn diện để xây dựng thế hệ trẻ có đủ đức, đủ tài, vừa hồng, vừa chuyên…

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành rất nhiều tình cảm yêu thương cho thiếu niên nhi đồng; không chỉ yêu quý, Bác còn rất quan tâm giáo dục các cháu. Bác nói “Thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà, cho nên cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng cho thiếu nhi”. Nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam luôn ghi nhớ 5 điều Bác dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà dũng cảm”.

Điều 1 “Yêu tổ quốc” có nghĩa là các em có hiểu biết về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, hăng hái tham gia giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp bằng những việc nghiên cứu, học tập hiểu biết về môn lịch sử, địa lý, đạo đức công dân thông qua bài học trên lớp của các em học sinh.

“Yêu đồng bào” được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày là cách giao tiếp, cách cư xử với mọi người xung quanh, với gia đình với bạn bè, thầy cô, sự tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống khi có người gặp khó khăn hoạn nạn thì chúng ta phải biết giúp đỡ họ . 

Điều 2 “Học tập tốt” có nghĩa là việc xác định động cơ học tập, có thái độ đúng đắn trong học tập, chăm chỉ học tập đều các môn học. Các em không chỉ học trong sách, vở mà còn phải học tập thêm ngoài cuộc sống hằng ngày. Qua đó giúp các em có phương pháp học tập đúng đắn; trước khi đến trường chuẩn bị bài học đầy đủ, cố gắng lắng nghe thầy cô giảng, tích cực phát biểu ý kiến nhằm thể hiện khả năng tiếp thu hiểu biết kiến thức của mình; qua đó thầy, cô giúp đỡ và điều chỉnh phương pháp học tập đạt kết quả cao hơn.

“Lao động tốt” là phải biết yêu lao động, phải biết quý trọng các thành quả và giá trỉ của lao động mà bản thân hoặc người khác mang lại. Biết thực hiện lao động vừa sức, tích cực tham gia lao động cùng tập thể. Việc thể hiện lao động tốt của các em cụ thể như: trực nhật trường lớp; biết giữ gìn vệ sinh chung trong và ngoài nhà trường; biết giữ gìn thân thể sạch sẽ, biết giúp đỡ cha, mẹ những công việc nhẹ nhàng hằng ngày. Ngoài ra lao động giúp các em thực hiện “Học đi đôi với hành”, lý luận gắn liền với thực tiễn, hình thành cho các em tính tự giác, kỷ luật cao, trở thành người lao động có trách nhiệm trong tương lai. 

Điều 3 “Đoàn kết tốt” là tình đoàn kết được thể hiện trong mối quan hệ giữa bạn bè, anh, chị, em trong gia đình, trong tập thể và xa hơn nữa là trong cộng đồng . Tình bạn bè phải biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, cùng bạn cố gắng khắc phục khó khăn, cùng nhau tiến bộ trong học tập.

“Kỷ luật tốt” là thể hiện việc chấp hành nội quy, quy định của trường lớp, những quy định chung ở những nơi cộng cộng …Những hành vi này của các em được thể hiện như: Đi học đúng giờ, nghỉ học có xin phép, chấp hành tốt lời dặn của giáo viên làm bài, học bài ở nhà, vào lớp không làm việc riêng. Nên thể hiện giờ nào việc ấy không nói chuyện riêng trong giờ học, không gây ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn…

Điều 4“Giữ gìn vệ sinh thật tốt” việc giữ gìn vệ sinh cần giúp cho các em học sinh hiểu và thể hiện được:  giữ vệ sinh ở trường, giữ vệ sinh ở nhà và ở những nơi công cộng cũng như việc giữ gìn vệ sinh cá nhân của các em. Việc giữ vệ sinh biểu hiện những việc làm thiết thực như: không vứt rát bừa bãi, đổ rát đúng nơi quy định…Ở nhà biết làm vệ sinh xung quanh, thu gom rác thải sinh hoạt xử lý để tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh…

Điều 5“Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” đối với điều này cần giúp cho các em hiểu và biết “ Khiêm tốn ” là biết tự trọng bản thân, không tự kêu tự mãn, biết lễ phép với ông bà, thầy cô và cha mẹ . Biết tôn trọng người lớn tuổi, biết nói năng nhẹ nhàng, biết dạ, thưa khi được người lớn tuổi hỏi …

 “ Thật thà ” là phải biết trung thực, không gian dối trong cuộc sống, trong học tập. Phải có lối sống trung thực với mọi người với thầy cô, với bạn bè và đặt biệt là với ông bà, cha mẹ .

            “ Dũng cảm ” là giúp cho các em có một đức tính tốt, một đức tính cao quý của con người, người dũng cảm là người biết nhìn nhận những khuyết điểm, thiếu sót của mình. Người dũng cảm luôn được mọi người quý mến; các em luôn ra sức học tập đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính”, giản dị của Bác, tạo cho các em sân chơi lý thú để học tập về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết khiêm tốn học hỏi, biết bảo vệ của công, thực hành tiết kiệm, sống giản dị, hoà đồng với mọi người, biết giữ vệ sinh, có ý thức bảo vệ môi trường …

Từ 5 lời dạy trên của Bác đối với thiếu niên nhi đồng nói chung đã thể hiện quan điểm giáo dục của Người hết sức toàn diện và sâu sắc từ trí dục, đức dục, mỹ dục... để mai sau thế hệ trẻ trở thành công dân có tài, có đức góp phần xây dựng nước nhà giàu mạnh.  Hiện nay chúng ta đang ra sức đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp cần làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng; thực hiện tốt kế hoạch Tháng hành động vì trẻ em, Quốc tế thiếu nhi 1/6  tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để các em vươn lên tu dưỡng, rèn luyện xứng đáng là những "Cháu ngoan Bác Hồ", phấn đấu trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, xứng đáng với sự mong đợi của Người.

Đỗ Thanh Phong- Phó Giám đốc TTCT huyện Châu Phú

các tin khác