Bài viết - Phóng sự

An toàn vệ sinh thực phẩm mùa lễ hội

09:55 26/03/2024

    

Cũng như mọi năm, Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú lần thứ XXII được chính quyền địa phương tổ chức với quy mô lớn và long trọng. Qua đó, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và nâng cao lòng tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc thông qua cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa do lực lượng nghĩa binh Gia Nghị tiến hành dưới sự lãnh đạo của Quản cơ Trần Văn Thành.

 

     Bên cạnh đó, Lễ hội tổ chức với quy mô lớn thì kèm theo đó là các dịch vụ ăn uống càng phong phú, đa dạng, nhằm thuận tiện cho khách tham quan lễ hội, bao gồm các món ăn quen thuộc như: cơm, mì, cháo, bánh, trái cây và các loại nước giải khát,... với nhiều phương pháp chế biến khác nhau, tạo hương vị đặc sắc, đậm đà của từng loại món ăn.

       Do mang tính chất thời vụ nên nhiều loại thực phẩm được sản xuất chế biến từ các cơ sở, cá nhân, các hộ gia đình thường là không chuyên nghiệp, không đăng ký kinh doanh nên sản phẩm dễ không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

      Cùng với đó, phần lớn các hoạt động lễ hội thường tổ chức ngoài trời, nên dịch vụ ăn uống cũng mang tính tạm thời, lều quán đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu thu gom chất thải, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn.

      Phần lớn người bán hàng, chế biến thực phẩm thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu các trang thiết bị và các dịch vụ khác nên thực phẩm dễ bị ô nhiễm.

      Đặc biệt là lưu lượng người đi lại, ăn uống đông đúc, dồn dập, bụi bẩn dễ bám vào thức ăn, cũng như sự phục vụ không chu đáo, vội vã, dụng cụ ăn uống không rửa sạch; cùng với thời tiết nóng ẩm còn là điều kiện cho thực phẩm dễ nhiễm nấm mốc gây bệnh, thức ăn đồ uống dễ bị hư hỏng, oi thêu, dễ bị nhiễm mầm bệnh, v.v...

     Từ những vấn đề trên, đòi hỏi các ngành chức năng phải có biện pháp chủ yếu để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lễ hội. Theo kế hoạch của địa phương: "trước khi lễ hội diễn ra, Trạm Y tế xã đã tổ chức tập huấn, khám sức khỏe cho những người tham gia chế biến thực phẩm, đồng thời yêu cầu cơ sở ký cam kết. Nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt".

     

 

        Theo Trung tâm y tế huyện: Để lễ hội Trần Văn Thành năm nay diễn ra hiệu quả và an toàn, với sự chỉ đạo của UBND huyện, Trung tâm y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất thực phẩm, dịch vụ ăn uống phục vụ đại biểu và du khách đến tham gia các hoạt động lễ hội. Đồng thời, tổ chức vệ sinh môi trường, phát hoang bụi rậm, phun thuốc, hóa chất diệt ruồi, diệt muỗi xung quanh khu vực tổ chức lễ hội; hướng dẫn Ban quản lý di tích Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khu vực lễ hội. Ngoài ra, còn chỉ đạo Trạm y tế xã Thạnh Mỹ Tây bố trí lực lượng và cơ số thuốc cần thiết để kịp thời sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe nhân dân khi có sự cố xảy ra...

        

         Như chúng ta biết, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây qua thực phẩm do dịch vụ ăn uống ở lễ hội hiện nay là rất lớn. Để đảm bảo an toàn cho khách đến lễ hội, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, cũng như Ban quản lý lễ hội đã tăng cường các biện pháp hữu hiệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lễ hội. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng thì rất cần thiết mỗi người dân và du khách cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, cùng chung tay giám sát an toàn thực phẩm./.

 

 

Kim Thúy

các tin khác