Bài viết - Phóng sự

Châu Phú tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn huyện

12:27 17/03/2024

    

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh dại. Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Nguồn lây bệnh dại 90% là từ chó và một số động vật khác như mèo và động vật hoang dã, một số loài động vật có vú khác.

 

 

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tình hình bệnh dại trên người thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, cụ thể: năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 trường hợp so với năm 2022). Tính riêng từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 18 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại đã lên tới gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023). Đối với bệnh dại trên động vật, theo tổng hợp số liệu của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay cũng đã xảy ra 26 ổ bệnh Dại trên động vật tại 15 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long bệnh dại trên động vật xảy ra 05 ổ dịch ở 04 tỉnh là Long An, Kiên Giang, Trà Vinh và Cà Mau.

Riêng tại địa bàn huyện Châu Phú đã xảy ra trường hợp mắc bệnh dại động vật tại xã Ô Long Vĩ, Bình Phú và có nguy cơ lan rộng. Các trường hợp mắc bệnh dại trên đang được các ngành chuyên môn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sức khoẻ của vật nuôi và dịch bệnh có nguy cơ dịch lan rộng ra các xã lân cận.

Theo ngành chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu dịch bệnh Dại gia tăng là do địa phương chưa quản lý được đàn chó, mèo (chưa thống kê chính xác số lượng đàn chó, mèo; chó thả rông còn phổ biến, đặc biệt là các tại các vùng nông thôn); công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó chưa đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại cho chó theo quy định, nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh Dại còn hạn chế; công tác phối hợp liên ngành, nhất là ngành Thú y, ngành Y tế và chính quyền ở một số địa phương còn hạn chế....

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dại trên vật nuôi, không để lây lan sang người, UBND huyện Châu Phú vừa có Công văn yêu cầu các ngành có liên quan và các địa phương trong huyện khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật.

 

 

Cụ thể, UBND huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn huyện kịp thời, hiệu quả. Tổ chức ngay các đợt bắt chó, mèo thả rông trên địa bàn các xã, thị trấn để bảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn huyện. Phối hợp với cơ quan y tế thực hiện giám sát bệnh dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch. Tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại trên động vật phải được lấy mẫu và gửi đến Phòng thí nghiệm Thú y có thẩm quyền để xét nghiệm bệnh dại. Tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng dại theo kế hoạch của ngành Thú y; cần chú ý các đàn vật nuôi tại các khu dân cư, trường học, các khu vực có nguy cơ cao. Chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cử đoàn cán bộ kỹ thuật của huyện phối hợp hỗ trợ UBND các xã, thị trấn kiểm tra, xử lý các trường hợp nuôi chó, mèo không đảm bảo quy định. Thành lập Đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật tại các địa phương có nguy cơ cao. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để được hướng dẫn các công tác phòng, chống dịch bệnh dại có hiệu quả.

Trung tâm Y tế huyện tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp người dân bị động vật nghi dại cắn. Thường xuyên rà soát, chuẩn bị đầy đủ vắc xin, đáp ứng kịp thời khi có bệnh dại trên người xảy ra trên địa bàn quản lý; đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng. Phối hợp với cơ quan Thú y và UBND các xã, thị trấn giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để hạn chế lây nhiễm bệnh dại sang người theo Quyết định 1622/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh dại trên người.

UBND các xã, thị trấn phối hợp các cơ quan chuyên môn liên quan, đặc biệt là cơ quan Y tế và Thú y thực hiện giám sát bệnh dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch. Tăng cường công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn các khóm, ấp; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh. Tăng cường thực hiện các biện pháp thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại, cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bệnh dại động vật trong cộng đồng dân cư, trường học, người chăn nuôi và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Hỗ trợ ngành chuyên môn bắt chó, mèo thả rong để đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn.

         Bệnh dại tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh dại, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Thực hiện quản lý chó, mèo theo hướng dẫn của cán bộ Thú y. Tiêm phòng 100% cho đàn chó, mèo, khai báo chó, mèo nuôi với chính quyền địa phương, nuôi chó phải xích, nhốt, ra đường phải đeo rọ mõm. Khi phát hiện trường hợp chó nghi dại, chó cắn nhiều người, hoặc nhiều chó, mèo trên địa bàn ốm, chết không rõ nguyên nhân cần báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan y tế hoặc thú y trên địa bàn. Khi bị chó, mèo cắn cần: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường, cồn, rượu, dầu gội, bột giặt... Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhằm hạn chế lượng vi rút sâm nhập vào cơ thể. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 40-70 độ. Không làm dập nát vết thương (nặn máu) và không khâu kín hoặc băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại nếu có chỉ định theo chuyên môn. Tuyệt đối không tự chữa, nhờ thầy lang khám chữa, sử dụng các phương pháp thử dại hoặc sử dụng thuốc nam. 

 

Trúc Mai

các tin khác