09:23 05/09/2024
Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024-2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương” với nhiều nhiệm vụ quan trọng, điều này đặt ra những thách thức và cơ hội mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến năm học 2023 - 2024, cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông, với tổng số khoảng 18,5 triệu học sinh.
Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Theo đó, toàn ngành Giáo dục đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tích cực hoàn thiện Dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ, đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước.
Cùng với quá trình đẩy mạnh tự chủ đại học, tuyển sinh đại học có nhiều thay đổi mang lại hiệu quả nhất định thời gian qua. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức thành công đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.
Triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và đổi mới GDPT, thời gian qua, các địa phương đã quan tâm tăng cường đầu tư mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế cho năm học 2023-2024. Trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu....
Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được thì hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế; tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra khá phổ biến; vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng miền núi, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn; chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế mới, công nghệ cao…
Trước thềm năm học mới, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay. Năm học vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Theo Bộ trưởng, chặng đường đổi mới GDPT vừa qua dù có nhiều khó khăn, song cho thấy quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn ngành Giáo dục để từng bước hình thành tư duy đổi mới trong chính những người thực hiện, thụ hưởng đổi mới và thuyết phục xã hội về kết quả tích cực của đổi mới.
Xác định đây là năm học quan trọng, Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị từ các năm học trước. Năm nay, kế hoạch thời gian năm học và các hướng dẫn năm học mới của từng cấp học được Bộ GD&ĐT ban hành từ sớm, trong đó đề cập cụ thể tới từng nhiệm vụ, công việc cần và phải làm...
“Trước thềm năm học mới, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng, quyết tâm, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó”, Bộ trưởng gửi gắm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính nền tảng trong việc hình thành và phát triển con người. Giáo dục đào tạo là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong 3 đột phá chiến lược cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển giáo dục, đào tạo. Năm học 2024 - 2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; đồng thời bắt đầu thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...".
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới; tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Đặc biệt, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục, đào tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh; đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch.
Mặt khác, Thủ tướng lưu ý cần xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp, hài hòa với hoàn cảnh đất nước, các ngành khác; đồng thời thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục.
“Giáo dục đào tạo cần được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Có thể thấy, để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cũng như chuẩn bị cho một năm học mới hiệu quả, cùng với sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp và ngành Giáo dục; thì rất cần sự quyết tâm, nỗ lực đổi mới và hành động của mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, mỗi phụ huynh, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội; để tạo dựng nền tảng xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời cho các công dân của Việt Nam.
Trong chặng đường phía trước, điều cần thiết là phải rất kiên trì, nhất quán trong định hướng đổi mới để đạt được các mục tiêu lớn và quan trọng mà Nghị quyết 29 và Kết luận 91 của Bộ Chính trị đã đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.!./.
Thanh Cao ST