Bài viết - Phóng sự

Hiệu quả từ Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Châu Phú, giai đoạn 2019 - 2021

09:32 06/05/2022

    

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là 01 trong 03 phong trào trọng tâm do Hội Nông dân Việt Nam phát động.

Để phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đi vào sâu và có sức lan tỏa, hàng năm, Hội nông dân huyện đã thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách và mô hình ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó đã thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đến nay toàn huyện có 5.264 nông dân giỏi các cấp. Qua đó tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn hội viên, nông dân trên địa bàn huyện. Cán bộ, hội viên, nông dân trong huyện luôn phát huy tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, giúp đỡ những hộ nghèo vươn lên trong sản xuất. Từ đó đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật, chất tinh thần của người nông dân. 

Nhờ triển khai sâu rộng đến cán bộ hội viên, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện giai đoạn 2019-2021 đã gặt hái được nhiều kết quả đáng kể, trong đó nổi bật là:

Phong trào tạo động lực thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp những mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiêu biểu:

Trong 3 năm qua đã chuyển đổi từ đất sản xuất 03 vụ lúa/năm sang trồng cây ăn trái 1.752 ha (tăng gần 752 ha so với 2019), bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Phong trào đã làm chuyển biến tích cực nhận thức của nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với nhiều mô hình tiêu biểu như: mô hình trồng nhãn xuồng Khánh Hoà của HTX TM DV DL nhãn xuồng Khánh Hoà; mô hình trồng sầu riêng của tổ Hội trồng sầu riêng xã Bình Chánh; mô hình trồng quýt; trồng bưởi da xanh; chi, tổ hội nuôi lươn; chi, tổ hội chăn nuôi bò xã Bình Phú, Bình Long… đã tạo ra sản phẩm hàng hoá đáp ứng được nhu cầu thị trường và được công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Anh Trần Chinh, giám đốc Hợp tác xã sản xuất – thương mại – dịch vụ Phước Lộc Thạnh, xã Bình Chánh phấn khởi: “Hợp tác xã đang thí điểm trên một số vườn phun thuốc tự động và tưới bằng các cảm biến độ ẩm, khi độ ẩm vừa phải thì hệ thống tự động ngắt và tự phun tưới khi độ ẩm thiếu. Định hướng đầu ra cho xã viên hướng đến là mình phục vụ cho thị trường xuất khẩu.”

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo điều kiện cho nông dân giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, học hỏi những kinh nghiệm, ứng dụng khoa học, công nghệ; cơ giới hóa vào đồng ruộng như: máy phun xịt thuốc (máy bay không người láy), ứng dụng hệ thống tưới phun tự động. Từ đó đã đáp ứng được những nhu cầu, nguyện vọng của nông dân trong sản xuất, giảm lao động thủ công, tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí và tăng lợi nhuận.

Ngoài ra, các cấp Hội trên địa bàn huyện còn làm tốt công tác tư vấn, dịch vụ và hỗ trợ nông dân:

Hội nông dân huyện phối hợp Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh thẩm định và đầu tư 01 dự án chăn nuôi bò tại xã Bình Phú, 20 hộ với số tiền 600 triệu, dự án trồng nhãn xuồng xã Mỹ Đức 400 triệu động từ nguồn Quỹ hỗ trợ Nông dân Trung ương và cho 2 dự án làm vườn trồng bưởi da xanh tại xã Ô Long Vĩ và nuôi lươn tại xã Thạnh Mỹ Tây, với 24 hộ với số tiền hơn 01 tỷ đồng, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh. Giải ngân Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện được gần 1,1 tỷ đồng cho 57 hộ với 26 dự án. Phối hợp Ngân hàng NN&PTNT Châu Phú giải ngân theo Nghị định 55 của Chính phú là 38 tổ/337 hộ, với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng. Phối hợp Quỹ tín dụng Bình Mỹ giải ngân 05 mô hình với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng.

Nhờ được hỗ trợ về vay vốn, kiến thức và tham gia các lớp tập huấn và qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng của tinh thần bền bỉ, vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết chí làm giàu chính đáng cho chính mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên làm giàu; xuất hiện nhiều hộ doanh nhân nông thôn có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút nhiều lao động, thu nhập hàng năm không ngừng tăng lên, góp phần cải thiện cuộc sống, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và cả tinh thần người nông dân.

ông Trần Nghi Bình - xã Mỹ Đức, người đã sử dụng có hiệu quả đồng vốn và kiến thức, từng bước mở rộng diện tích trồng cây nhãn Mỹ Đức đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho gia đình vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Ông cho biết: “Hội nông dân hỗ trợ cho chúng tôi vay vốn được 90.000.000 đồng với lãi suất ưu đãi. Mục đích của gia đình vay là thực hiện trồng lại giống nhãn Mỹ Đức giống nhãn truyền thống của địa phương mà được nhà nước quan tâm phục hồi lại từ năm 2018 đến nay. Ngoài việc mà chúng tôi trồng lại, thì sử dụng nguồn vốn này để mua gốc ghép để ghép cây giống này để cung cấp bán lại cho nông dân có nhu cầu muốn trồng nhãn Mỹ Đức này, nhằm mục đích nhân rộng vùng nhãn Mỹ Đức này rộng ra để có nhiều sản phẩm và đầu ra được ổn định. Như năm 2020 do tình hình dịch bệnh nên nhãn cũng thấp giá, nhãn Mỹ Đức bán ra với giá 50.000 đến 60.000 đồng/kg trong khi nhãn xuồng chỉ có giá 25.000 đến 30.000 đồng/kg. cái đồng vốn mình bỏ ra có thể lợi nhuận gấp 4-5 lần. sau khi được nhà nước hỗ trợ năm 2019, tôi có giữ lại trồng khoảng 70-80 gốc. cây nhãn đạt 5 năm tuổi thì mỗi cây đạt được khoảng 30kg thì 80 cây cũng có lợi nhuận trên 100.000.000 đồng.”

Song song với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn, Hội còn thực hiện các mô hình chuỗi giá trị liên kết như: Tổ hội trồng Sầu Riêng xã Bình Chánh, THT Nấm bào ngư Anh Thư xã Đào Hữu Cảnh; HTX nuôi lươn VietGAP xã Thạnh Mỹ Tây. Ngoài ra còn nhiều mô hình mới khá nổi bật, được bà con nông dân đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện.

Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới:

Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và thụ hưởng”, nông dân còn đóng vai trò làm nòng cốt trong việc tích cực đóng góp vào công trình nạo vét kênh mương, làm lộ giao thông nông thôn, giao thông nội đồng,.. được nông dân đồng tình tham gia thực hiện ở hầu hết các địa bàn xã, thị trấn.

Qua 03 năm phát động phong trào gắn với công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã thường xuyên củng cố, nâng chất lượng hoạt động của Hội, thu hút hội viên vào Hội từ những mô hình sản xuất tiêu biểu như: tổ chức các buổi khuyến nông, tập huấn khoa học kỹ thuật, mở lớp dạy nghề cho nông dân, Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, Câu lạc bộ nông dân với an toàn giao thông… Từ đó, nông dân tin tưởng và tham gia vào tổ chức Hội ngày càng nhiều, góp phần xây tổ chức Hội vững mạnh. Hiện toàn huyện có 8.448 hội viên, nông dân chiếm 39,8% so tổng số hộ nông nghiệp. Trong đó, có 950 hội viên tiêu biểu.

Nhằm động viên và tạo động lực thúc đẩy phong trào phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo nông dân tham gia, Hội Nông dân huyện và cơ sở kịp thời tổ chức sơ, tổng kết và đề xuất khen thưởng những tập thể và cá nhân tiêu biểu, có thành thích tích xuất sắc trong thực hiện phong trào. Qua 03 năm thực hiện (2019-2020-2021), toàn huyện có 275 cá nhân và 45 tập thể được khen thưởng.

Nông dân Châu Phú chung tay phòng, chống dịch Covid-19:

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, Hội Nông dân huyện đã xây dựng các “Tổ nông dân thiện nguyện”, “Tổ phản ứng nhanh”, nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nông dân và đã góp sức vào các hoạt động, như: giúp nông dân tiêu thụ nông sản, thu hoạch rau màu, tham gia vận chuyển nông sản đến các xã, thị trấn để cấp phát cho người bị cách ly, người nghèo bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Đến nay, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ tiêu thụ trên 9 tấn bắp của người dân xã Bình Mỹ, trên 1 tấn khoai lang và hơn 1 tấn ếch nuôi của nông dân xã Khánh Hòa…Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn phối hợp UBMTTQVN huyện và các đoàn thể mở 6 “Gian hàng 0 đồng”, 7 điểm tiếp nhận, cung cấp thực phẩm thiết yếu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện; vận động hỗ trợ các “Chuyến hàng nghĩa tình” chuyển đến TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai 3 tấn củ cải, 1 ngàn hột vịt và tiền 11.000.000 đồng; Tổng kinh phí hiện vật và tiền mặt đã nêu trên  1.476.900.000 đồng, đã hỗ trợ cho 1.840 hộ và  07 chốt kiểm soát, 02 khu cách ly, các khu vực phong toả, các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, HND huyện còn vận động 100 phần quà, mỗi phần trị giá 300.000 đồng, để hỗ trợ cho hội viên và nguyên các cán bộ Hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn trong tình hình dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ thực hiện chương trình triệu phần quà do Hội Nông dân Trung ương phát động; vận động 1 tấn gạo; 200 quyển tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 300 phần thuốc nam hỗ trợ cho các khu cách ly. Tham gia cùng đoàn cán bộ khối Dân vận Huyện ủy tổ chức xuống thăm hỏi, động viên khối Dân vận 13 xã – thị trấn thực hiện xuyên suốt các nhiệm vụ như tổ chức truy vết sàng lọc F0, F1, F2, …; tham gia các chốt chặn; hỗ trợ các khu cách ly; rước bà con địa phương đi lao động từ vùng dịch trở về địa phương.

Phát huy những kết quả đã đạt, để phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong thời gian tời, Hội nông dân huyện đề ra nhiều giải pháp cụ thế thiết thực. Ông Huỳnh Ngọc Vỵ, Chủ tịch Hội nông dân huyện Châu Phú cho biết: “Trên tinh thần kết quả đạt được nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2019-2022 thì định hướng trong thời gian tới Huyện Hội tập trung thực hiện mục tiêu số lượng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hàng năm tăng ít nhất 5% tăng về chất và đảm bảo về số lượng nông dân. Để đảm bảo mục tiêu đó huyện hội tập trung một số giải pháp như sau: quy động lực lượng hội viên tham gia, thành lập các chi tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã để nông thực hiện các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm theo mục tiêu nông thôn mới đã đề ra. Đặc biệt là củng cố và nâng chất hợp tác xã, xem đây là giải pháp căng cơ để tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện nhà; mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và thiết kế vườn đồng thời cho nông dân tiếp cận được các nguồn vốn, các tổ chức tín dụng để bà con nông dân có trình độ kỹ thuật, có vốn để chúng ta chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả sang cây ăn quả có hiệu quả để tăng thu nhập của người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động bà con nông dân tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp làm sao chuyển đổi từ canh tác xưa sang canh tác chuyển đổi số ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp làm sao tăng hiệu quả lao động đồng thời đảm bảo nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích và đảm bảo nâng cao thu nhập của người dân làm sao cho người dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc trong thời gian tới.”

Tin rằng với những giải pháp đã đề ra trong thời gian tới, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Châu Phú sẽ ngày càng lan toả sâu rộng, tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên và làm giàu của hội viên, nông dân trên chính mảnh đất quê hương mình. Đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Mỹ Ngân-Trúc Mai-Tú Trang

các tin khác