Giáo dục

Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy các bài học về lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị huyện Châu Phú

04:02 15/11/2022

    

Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Viêt Nam (20/11/1982-20/11/2022) Các bài học về lý luận chính trị có tác dụng hình thành thế giới quan khoa học cho đảng viên và biến những tri thức mà học viên tiếp nhận được thành những giá trị, niềm tin, lý tưởng, lập trường, trang bị cho sinh viên thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận, ý thức hệ, hình thành được tính độc lập trong tư duy và sử dụng được lý luận, tri thức, kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Với nhiệm vụ của Trung tâm Chính trị huyện giảng dạy các môn lý luận chính trị, cùng với đội ngũ giảng viên kiêm chức không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy làm cho nội dung kiến thức của giảng viên truyền đạt để học viên tiếp nhận được những giá trị, niềm tin, lý tưởng, lập trường thế giới quan tương ứng, qua đó hình thành tính độc lập trong tư duy và sử dụng được lý luận, tri thức, kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Các bài học về lý luận chính trị thường được học viên quan niệm là môn học khô khan, chỉ mang tính chất đường lối, chính sách cho nên trong quá trình giảng dạy, giảng viên cố gắng truyền đạt theo giáo trình sau cho dễ hiểu, dễ nhớ. Vì thế, chất lượng giảng dạy luôn tạo được hứng thú cho học viên. Để tiếp tục thực hiện việc nâng cao chất lượng giảng dạy, một trong những biện pháp quan trọng nhất chính là đổi mới phương pháp dạy và học, đi vào chiều sâu và có hiệu quả thì cần phải quán triệt một số giải pháp như sau:

Áp dụng phương pháp lấy người học làm trung tâm, với mục đích đi tới sự hiểu biết là chính thay vì học nội dung kiến thức là chính, học kỹ năng thực hành và thái độ thực tiễn trong nghề nghiệp nhiều hơn việc lĩnh hội kiến thức tổng quát,…phương pháp này sẽ bớt sự nhàm chán, bởi những gì mà thầy, cô giảng không đơn điệu, lý thuyết khô cứng mà gắn với thực tiễn công việc

Đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy như sử dụng phương pháp đối thoại trực tiếp giữa người học và người dạy, kết hợp phương pháp thuyết trình và thảo luận, kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại,… Tùy thuộc vào đối tượng của học viên mà giảng viên sử dụng những phương pháp cho cụ thể, phù hợp tính chất lớp học.

Tăng cường tổ chức và hướng dẫn cho học viên tự học, bao gồm hướng dẫn mục đích, yêu cầu, nội dung tự học, tài liệu, cách tìm tài liệu và hướng dẫn cách đọc và ghi chép khi tự học. Tự học phải gắn liền với kiểm tra, đánh giá; kiểm tra, đánh giá phải có tác dụng định hướng cho việc dạy và học. Tiến hành các biện pháp đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

Giảng viên phải thực sự là người tâm huyết với nghề nghiệp và có nghiên cứu kiến thức sâu rộng. Trước hết mỗi giảng viên phải tự nâng cao cho mình về kiến thức chuyên ngành rút kinh nghiệm đồng thời phải bổ sung những phần còn hạn chế; phải tự mình có ý thức tự học để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ; ngoài chuyên ngành của mình cần phải có kiến thức sâu rộng.

Giảng dạy các môn lý luận chính trị phải liên hệ với thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn. Giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước; của địa phương; của bản thân học viên. Có thể giảng viên tự liên hệ trong bài giảng và chỉ cho học viên thấy rõ điều đó được thể hiện trong cuộc sống. Giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với đối tượng giảng dạy, dẫn ra những thực tiễn của địa phương hay đất nước và từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận.

Đổi mới phương pháp giảng dạy phụ thuộc vào bản thân mỗi giảng viên, nhất là trong điều kiện hiện nay, mỗi giảng viên phải chủ động tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với giảng viên lý luận chính trị là phải sử dụng các phương tiện kỹ thuật trong nghiên cứu và giảng dạy nhằm bổ sung và làm phong phú thêm cho những nội dung của bài giảng; thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi, đi sâu nghiên cứu của học viên, giúp cho học viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo. Sử dụng các phương tiện kỹ thuật nhằm thay đổi phương pháp dạy chay, học chay; giúp học viên tiếp cận được khoa học kỹ thuật, gắn lý luận với thực tiễn, gắn học với hành. Thực tế hiện nay, có nhiều cơ sở đào tạo cũng chưa được trang bị đầy đủ các trang thiết bị dạy học. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện đại, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, giảng viên cần phải sử dụng thành tạo máy tính, một trong những phương tiện hỗ trợ đắc lực, có hiệu quả cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp cho giảng viên soạn bài giảng Power Point, giới thiệu giáo trình, tài liệu tham khảo, hình ảnh hay phim tài liệu minh hoạ…

 Luôn coi trọng và tăng cường thực hiện thảo luận đối với học viên. Thông qua thảo luận, học viên có điều kiện trực tiếp trao đổi, đưa ra những chính kiến của mình cả về lý luận và thực tiễn; cả những vấn đề đúng và chưa đúng… Giảng viên kiểm nghiệm được học viên đã nắm được bài giảng đến mức độ nào; phương pháp giảng dạy của giảng viên đã đạt được hiệu quả hay không? Kiến thức của giảng viên còn có chỗ nào chưa thật vững để tự mình điều chỉnh, bổ sung. Thực hiện tốt việc thảo luận buộc học viên phải đọc tài liệu, nghiên cứu, chuẩn bị, từ đó sẽ tạo nên động lực và hứng thú của người học, giúp cho họ nắm vững được lý luận vận dụng vào thực tiễn được tốt và có hiệu quả.

Trên cơ sở phương pháp truyền thống, Trung tâm Chính trị huyện Châu Phú luôn kế thừa, phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế bằng cách kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp hiện đại, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào bài giảng, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học viên; qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy các môn lý luận chính trị trong thời gian tới.

 

Đỗ Thanh Phong

các tin khác