Giáo dục

Những con người bình thường mà "vĩ đại”!

10:43 22/11/2020

    

Những con người bình thường mà "vĩ đại" ấy là những giáo viên dân tộc thiểu số đang trực tiếp đứng lớp dạy chữ, dạy người cho học sinh nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới. Vượt lên những khó khăn, các thầy cô vẫn bền bỉ tới lớp, tới trường với mong muốn mang những điều tốt đẹp nhất đến cho những học trò vùng cao.

 

     Đường đến trường xa lắm...

     Giảng dạy tại điểm trường xa nhất của tỉnh Điện Biên, cô giáo Phùng Thị Thủy, dân tộc Thái, giáo viên trường mầm non xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Đó là nơi chưa có điện, chưa có sóng điện thoại. Để tới được nơi công tác, giáo viên phải đi xuồng, khi trời mưa phải đi bộ hơn 4 tiếng đồng hồ.

     Cũng là những bất tiện khi đường tới trường cách nhà hơn 30 km lại là đường núi hiểm trở, với cô giáo trẻ  PiNăng Thị Hải, giáo viên trường mầm non Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, điều đó chưa thấm tháp với nỗi vất vả khi một mình cô phải xoay xở với... 34 trò nhỏ. Hơn 3 năm gắn bó với nghề cũng là chừng ấy thời gian một mình cô giáo sinh năm 1996 này phải dạy lớp ghép. "Các bé mầm non nghịch ngợm lắm lại hay chọc bạn, chưa ý thức được nhiều. Để đảm bảo an toàn cũng như chăm sóc được cho các bé khi ba mẹ gửi gắm cho cô là chuyện không hề đơn giản", cô giáo người Raglai chia sẻ.

Responsive image

 

Các giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu đều có thâm niên đứng lớp dạy chữ, dạy người cho học sinh nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới. 

     Là người con địa phương nên cô Đinh Thị Kem, dân tộc H’re, giáo viên trường TH Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi hiểu rõ nỗi vất vả của đồng bào còn thiếu thốn về vật chất và nhất là đời sống tinh thần nên chưa thật sự quan tâm đến giáo dục. Với suy nghĩ giúp những người dân quê hương cải thiện cuộc sống, cô giáo sinh năm 1988 này đã kiên trì tới từng nhà, động viên phụ huynh cho con đi học và động viên từng em nhỏ đến trường.

     “Tôi đến mỗi nhà 1 lần không được thì tới 2-3 lần. Có em đồng ý đi học rồi nhưng lại thường xuyên nghỉ học vì thích theo cha mẹ lên nương hơn. Vậy là tôi cũng phải lên nương để thuyết phục đón các con về”, cô Kem nói.
Có cặp song sinh hay đau ốm, chồng lại phát hiện mắc bệnh ung thư năm 2017, gánh nặng cứ thế đè lên đôi vai của cô giáo Lô Thị Thủy, trường TH Quang Phong I, Quế Phong, Nghệ An. Suốt 3 năm qua đến khi chồng cô qua đời (tháng 8/2020), cứ tối thứ 6, cô Thủy lại đón xe ra Hà Nội thăm chồng điều trị tại bệnh viện K, chủ nhật lại đón xe về. 4h sáng về đến nhà trong tình trạng đã mệt nhoài nhưng cô giáo dân tộc Thái lại phải bắt tay ngay vào việc sửa soạn sách vở, giáo án vượt 27 km để tới trường cho kịp giờ dạy. Quãng đường tới trường có khi dài đến vô tận bởi những suy nghĩ về bệnh tật của người thân cứ chồng chất...

     Mong những điều tốt đẹp nhất cho các em

     Khó khăn là thế, nhưng với những thầy cô người dân tộc thiểu số này, mỗi ngày đến trường vẫn là một ngày vui. “Kỷ niệm đầu tiên khi đến bản là tôi thấy học sinh nghèo quá, quần áo còn không có để mặc. Nhưng khi nhìn thấy tôi, các cháu và phụ huynh chạy xúm lại. Từ lúc đó, tôi cảm thấy muốn gắn bó với điểm trường này cho đến tận bây giờ đã hơn 5 năm, 4 tháng”, cô giáo Phùng Thị Thủy thổ lộ.

     Cùng gặp nhau tại Hà Nội trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020, hầu hết các thầy cô đều chưa từng tới Thủ đô, chưa được đi máy bay. Chia sẻ với nhau về những khó khăn trong quá trình “gieo chữ trên non” nhưng khi được hỏi về nguyện vọng thì thầy cô chả “ước” gì cho bản thân mình.

     Với cô giáo PiNăng Thị Hải, ước mơ của cô không phải là sớm thoát cảnh lớp ghép để bản thân bớt vất vả mà là để các bé được an toàn. Cô cũng mơ học trò của mình có nhà vệ sinh, được dùng nước sạch, được trải nghiệm những dụng cụ học tập như các bạn nhỏ miền xuôi.

Responsive image

 

Các giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020. 

     Thầy giáo Thào A Vàng, trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái kể: Nơi thầy dạy học, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Đa số gia đình các em có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Việc một bộ phận phụ huynh không muốn con em đi học vì nếp nghĩ "học nhiều rồi cũng về làm nương" không phải không có lý do. "Ở quê tôi, có trường hợp thanh niên dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học trở về quê hương nhưng không tìm được việc làm khiến nhiều phụ huynh càng thêm bảo thủ trong suy nghĩ", thầy Thào A Vàng dẫn chứng. 

     Từ thực tế này, thầy giáo người Mông kiến nghị, Đảng, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần có những chính sách cụ thể giải quyết việc làm cho lao động trẻ người dân tộc thiểu số, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, vừa hình thành suy nghĩ tích cực trong đồng bào vùng sâu, vùng xa.

     Thầy giáo K'Dĩnh, Tổng phụ trách Đội trường tiểu học Tân Phúc 1, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đề nghị có thêm các chính sách đãi ngộ đặc thù, thỏa đáng dành cho giáo viên dân tộc thiểu số ở các địa phương.

     "Tại các buôn làng, đồng bào thường coi giáo viên là người có uy tín nhưng điều kiện công tác của giáo viên dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, cuộc sống của chúng tôi cũng rất khó khăn. Đồng bào nhìn vào sẽ có suy nghĩ tiêu cực là học cao, làm thầy rồi cũng không khá hơn", thầy giáo người Cơ Ho nói.

     Với cô giáo Lý Thị Thu, dân tộc Dao, trường TH xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, hơn 20 năm đứng trên bục giảng cũng là chừng ấy năm cô nỗ lực gắn kết với các gia đình và học sinh để thuyết phục đồng bào đưa các em tới trường. Cô Thu cho rằng, bản thân nơi cô công tác đã rất vất vả và học sinh đã rất khó khăn nhưng khi gặp các đồng nghiệp ở các tỉnh khác, cô thấy mình có thêm động lực để phấn đấu trong sự nghiệp trồng người.

     Thú nhận cũng có những lúc tưởng chừng như gục ngã nhưng “nhìn những đứa con thơ, nhìn nụ cười hồn nhiên, trong sáng của học trò, câu nói hồn nhiên của tụi nhỏ "Con thích được học cái chữ lắm" thì tôi lại gắng gượng mạnh mẽ. Trồng cây sẽ có ngày hái quả, có những cô, cậu học trò cũ đã trưởng thành, người là cán bộ, người kỹ sư, bác sỹ, có em nay lại là đồng nghiệp. Ngày 20/11 hằng năm nhận được lời chúc của các em là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời nhà giáo của tôi” - cô Lô Thị Thủy, cô giáo đã có thâm niên 24 năm giảng dạy chia sẻ./.

     Phát biểu tại lễ tuyên dương, 63 giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, các thầy, các cô không chỉ dạy học trò kiến thức, mà như người cha, người mẹ thứ hai ngày ngày lo cho các em có cái ăn, cái mặc; vận động quyên góp trang thiết bị cho trường, lớp, cho học sinh; vận động xây cầu, làm đường… Vượt lên trên những khó khăn thường nhật, nén bao giọt nước mắt vào lòng, các thầy, các cô đã lặng thầm cống hiến hết tuổi thanh xuân, để mang đến những mầm xanh hi vọng cho những mảnh đất khô cằn nhất trên đất nước này. Nhiều thế hệ học sinh của các thầy cô ngày hôm nay đã trưởng thành, quay trở lại đóng góp cho bản làng quê hương, đất nước.

     “Khi tâm sự với chúng tôi, các thầy cô đều nói: “Một khi đã yêu nghề và mong muốn những trẻ em vùng cao cũng được học hành như các em nhỏ miền xuôi, đó là điều bình thường”. Xin cho phép chúng tôi gọi các thầy cô, là những người “bình thường”, nhưng là những người “bình thường vĩ đại”!”, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn xúc động nói.

Thanh Cao ST Báo điện tử ĐCSVN

các tin khác