Giáo dục

TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ KHÁNH HÒA PHỐI HỢP CÙNG TRẠM Y TẾ XÃ KHÁNH HÒA TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH MÙA TỰU TRƯỜNG NĂM HỌC 2024-2025

02:37 17/09/2024

    

Thực hiện theo công văn số 1961/KSBT, ngày 30 tháng 8 năm 2024 của Sở Y tế An Giang về việc tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh mùa tựu trường năm học 2024-2025. Nên trường trung học cơ sở Khánh Hòa đã phối hợp cùng trạm y tế xã Khánh Hòa tổ chức truyền thông đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và hơn 945 học sinh của nhà trường.

 

 

Đại diện trạm y tế xã Khánh Hòa, ông Quách Văn Bình – Phó trưởng trạm đã truyền thông đến học sinh, với các nội dung như:

1. Phòng bệnh Sởi: là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do vi rút Sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều. Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3 đến 5 năm.

2. Phòng bệnh Ho gà: là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

3. Phòng bệnh Sốt xuất huyết: là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

4. Phòng bệnh Tay chân miệng: hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. Để chủ động phòng bệnh tay chân miệng. Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

5. Phòng dịch bệnh đau mắt đỏ và phòng bệnh covid 19.

Ngoài ra, tại buổi truyền thông, báo cáo viên còn cung cấp thêm thông tin về tình hình nhiễm bệnh toàn tỉnh An Giang, so với cùng kỳ năm 2023 từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và mọt số bệnh truyền nhiễm khác. Cụ thể: số mắc sởi tăng 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần. Mùa tựu trường nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tăng cao.

Để khắc sâu thông tin được truyền thông, báo cáo viên có đặt câu hỏi để học sinh trả lời theo hình thức “đố vui có thưởng”, đã lôi cuốn nhiều học sinh hào hứng tham gia, góp phần tăng hiệu quả truyền thông đến học sinh.

 

Qua buổi truyền thông, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được cập nhật thêm các kiến thức mới về diễn biến dịch bệnh hiện nay, các biện pháp phòng tránh, các dấu hiệu nhận biết để kịp thời phòng tránh và điều trị kịp thời.

Với nhiều hoạt động truyền thông được tổ chức đã giúp học sinh nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh, mỗi học sinh sẽ tuyên truyền đến người thân, mọi người xung quanh góp phần nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh trong nhà trường và tại địa phương xã Khánh Hòa./.

 

 

Đào Văn Hoàng Giang

các tin khác