Văn hóa

Thấm nhuần văn hóa dân vận để phát huy “Đảng lãnh đạo, dân làm chủ”

12:13 11/08/2021

    

Ở những khía cạnh nhất định, công tác tư tưởng - tuyên giáo có sự giao thoa với công tác dân vận. Vì thế, bàn về văn hóa dân vận cũng là góp phần bàn về công tác tư tưởng. Dưới góc nhìn cá nhân, soi chiếu vào tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, xin góp bàn một số vấn đề trên cơ sở “dân vi bản” trong truyền thống dân tộc và quan điểm “dân là gốc” “dân làm chủ” của Đảng.

 

Responsive image
 

     Văn hóa dân vận là một khái niệm mới được hiểu như một thuật ngữ ghép, tức là thái độ ứng xử có văn hóa trong việc tuyên truyền, vận động, tiếp xúc, giáo dục nhân dân. Gần đây, người ta nói nhiều đến sự hiện diện của các nhân tố văn hóa trong các lĩnh vực đời sống như văn hóa giao thông, văn hóa kinh doanh, văn hóa gia đình, văn hóa công sở, văn hóa đạo đức, văn hóa pháp luật.v.v..

     Nói là mới, nhưng thực ra bản chất của vấn đề văn hóa dân vận không hoàn toàn mới. Hồ Chí Minh từ năm 1956 trong Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học Nhân dân Việt Nam có đại ý: thời gian nghiên cứu ở trường thì ngắn, nên việc nghiên cứu của các bạn ví như một hạt nhân bé nhỏ. Hạt nhân ấy có thể tóm tắt trong 11 chữ: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân”. Minh minh đức tức là chính tâm. Thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết(1). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta đã sáng tạo nên nhiều thành ngữ sống mãi đến tận hôm nay: Quân và dân như cá với nước; Đi nhớ dân, ở thương dân; Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Trong Quân đội cách mạng, ngay từ đầu trong kháng chiến gian khổ đã ban hành điều lệnh: “Không lấy cây kim, sợi chỉ của nhân dân”. Với lực lượng Công an nhân dân, trong sáu điều dạy của Bác Hồ có lời giáo huấn: Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép.

     1. Nước ta là một nước văn hiến, “đứng hàng đầu Trung Châu, không nhường Hán-Ngụy”. Nền văn hiến đó bao chứa nhiều giá trị văn hóa giữ nước - trong đó hàng đầu và trung tâm là văn hóa giữ dân. Nói dân tộc ta có sức sống trường tồn, không bị đồng hóa trước âm mưu thôn tính của kẻ thù, quật cường đứng lên chống ngoại xâm là nói sức mạnh của dân, trách nhiệm của dân và lợi ích vì dân. Điều này thấy rõ dưới thời Trần với chính sách “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Thời nhà Trần có lệ đặt chuông ngay trước cung điện nhà vua để dân có oan ức thì kêu oan bằng những tiếng chuông giục giã, vua sẽ trực tiếp phán xử. Đó là việc làm nhân văn, công bằng, minh bạch. Thấy được nguồn lực to lớn của dân, các vua Lý, Trần đều có chính sách khuyến nông, an dân, dựa vào dân mà giữ nước.

     Nói dân tộc ta có sức sống trường tồn, không bị đồng hóa trước âm mưu thôn tính của kẻ thù, quật cường đứng lên chống ngoại xâm là nói sức mạnh của dân, trách nhiệm của dân và lợi ích vì dân.

     Cảm hứng chủ đạo thương dân, biết ơn dân cũng được thể hiện dạt dào trong trước tác của đại danh hào Nguyễn Trãi, mà những câu thơ sau là tiêu biểu: Chăn lạnh choàng vai đêm chẳng ngủ/ Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân; Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày... Cũng nhờ trân trọng và thấy rõ được sức mạnh to lớn của dân, nên sự nghiệp khởi nghĩa chống ngoại xâm của Lê Lợi cũng như nhiều bậc anh hùng hào kiệt nước nhà luôn có được nhân tâm: dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp.v.v..

     Dưới thời Quang Trung - người anh hùng áo vải “oai vũ mà nhân hậu” - trong nhiều bài thơ, hịch, dụ, chiếu, biểu của bậc minh quân cũng thể hiện rõ lòng yêu nước đồng nghĩa với tình thương dân, nước với dân có quan hệ khăng khít. “Vua không dân thì cùng ai giữ nước”; “Trẫm nay có cả thiên hạ, sẽ dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi đài xuân” “kéo dài phúc lành cho tôn miếu, xã tắc” (Chiếu lên ngôi); “Sinh dân phải nuôi dân làm trước” (Hịch Tây Sơn)... Ý nghĩa văn hóa của những tuyên ngôn đó nằm ở đường lối dân vi bản, giữ chặt lòng người.

     Xưa nay nói đến việc trị dân đều lấy việc dùng người làm gốc. Dưới thời nhà Nguyễn cũng có nhiều quan điểm cho thấy tầm quan trọng của chính sách thu phục giang sơn, quy tụ người tài trong dân. Đại thần Doãn Uẩn nói: “Làm chính trị cốt ở chỗ được người giỏi”. Tự Đức coi nhân tài là cội gốc để làm chính sự - muốn chỉnh lý chính sự cần phải có nhân tài. Thiệu Trị có nhiều bài thơ ca ngợi thiên nhiên đất nước và ý thức trân trọng người nông dân: Tam Thôi khuyến khóa khinh trì lỗi/ Chung tuế cần cù mẫn đạp lê (Lễ tam thôi để khuyên răn đừng xem nhẹ việc cày bừa. Biết xót thương những người suốt năm chăm chỉ việc cày cấy)...

     Trong thời đại chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam và văn hóa dân vận. Để xây dựng nước ta từ nền Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa, giương cao hai ngọn cờ: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh từ rất sớm đã ý thức rõ sức mạnh, quyền hành, lực lượng ở nơi dân. Tất cả các chính sách dân vận của Người và của Đảng ta đều có sự kế thừa tự giác từ truyền thống khoan sức dân, an dân, giữ chặt lòng dân của các anh hùng dân tộc, các bậc minh quân; thấm sâu mối quan hệ biện chứng giữa nước và dân, giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo, giữa công quyền và dân quyền; vì mục tiêu: Lợi ích của dân, quyền hạn của dân, trách nhiệm của dân, công việc của dân.

     2. Nói văn hóa dân vận là nói mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo (công quyền) và dân làm chủ (dân quyền). Điều này đòi hỏi mọi chính sách của Đảng, Nhà nước phải thấm nhuần phương châm “giữ chặt lòng dân”, tức là phải hiểu rõ tâm trạng, nguyện vọng, niềm tin của đối tượng mà mình lãnh đạo. Muốn lãnh đạo có hiệu quả thì cán bộ, đảng viên không chỉ gương mẫu mà còn phải có tài năng. Người có vị trí lãnh đạo càng cao thì gương mẫu càng phải sáng, tài năng càng phải được thể hiện và phát lộ ở trình độ tổng kết lý luận, ở phương pháp giải quyết thực tiễn.

     Văn hóa dân vận cần tránh lối “huyên thuyên” “ba hoa chích chòe”, nói vô bổ, thiếu lượng thông tin hoặc nói mà không làm... Báo chí cách mạng - một binh chủng hữu hiệu của công tác tuyên giáo, đồng thời, cũng là phương tiện quan trọng trong công tác dân vận. Vì thế, bên cạnh việc làm tốt những chức năng cơ bản của mình, báo chí phải không ngừng thể hiện rõ vai trò tuyên truyền thúc đẩy sự nghiệp cách mạng, trong đó có văn hóa dân vận. Bàn về báo chí kiểu mới, V.I.Lênin đã từng khuyên: “hãy bớt nói huyên thuyên (...) bàn suông tán nhảm về chính trị (...), hãy gần đời sống dân nhiều hơn nữa”(2).

     Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả to lớn đạt được, trong mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân hiện nay vẫn có nhiều chuyện đáng bàn, thậm chí có nhiều chuyện bức xúc, nhạy cảm đáng lo ngại. Dưới đây xin nêu ba hiện tượng, đồng thời là một số nguyên nhân, giải pháp, bàn góp dưới góc nhìn cá nhân:

     Một là, hiện tượng xa dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

    Không chỉ là quan liêu, xa dân trong giải quyết công việc, mà không ít cán bộ đảng viên còn ngại xuống với dân, ngại đối thoại với dân; trong sinh hoạt, gặp gỡ với dân thì thiếu dân chủ, thậm chí là hống hách, cửa quyền, coi thường dân; hình thức, qua loa, đại khái trong phê bình và tự phê bình; lảng tránh, thiếu cầu thị và sợ ý kiến đóng góp của người ngoài đảng.

     Vẫn còn những cán bộ thường tìm mọi cách để trì hoãn, “trốn” xuống cơ sở nắm bắt thực tiễn, nhưng lại đầy nhiệt tình hào hứng xách cặp đi “học tập kinh nghiệm” ở nước ngoài. Vẫn còn những cán bộ đảng viên dấu dốt, không muốn và không thích tham khảo, học hỏi ý kiến từ các chuyên gia; “dị ứng” với người tài, “tránh mặt” người nói thẳng nói thật...

     Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ sự hạn chế về năng lực trình độ, thiếu và yếu về phẩm chất chính trị và văn hóa dân vận, những khuyết điểm nêu trên còn có nguyên nhân từ sự thiếu trách nhiệm của cấp ủy; sự quan liêu của thủ trưởng cơ quan trực tiếp; sự trì trệ của các ban thanh tra, kiểm tra cấp trên...

     Hai là, hiện tượng dân thiếu thông tin.

    Bên cạnh phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được Đảng ta đề ra từ nhiều nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ Đại hội XIII lần này Đảng tiếp tục bổ sung 2 tiêu chí: “Dân giám sát, dân thụ hưởng”. Theo đó, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” không chỉ là phương châm hành động mà còn là một trong những mục tiêu cao nhất của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới. Tuy nhiên, để thực sự được biết, được bàn, được kiểm tra thì dân phải được có thông tin. Cung cấp thông tin cho dân theo đúng quy định không chỉ là tôn trọng, phát huy quyền dân chủ, mà còn là giải pháp quan trọng để dân có tiếng nói tích cực, xây dựng trong quá trình bàn bạc, kiểm tra, đóng góp ý kiến.

     Văn hóa dân vận chính là để phát huy cao nhất tinh thần dân chủ, để cho dân “được mở miệng ra” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy. Văn hóa dân vận cũng là để người dân không “đứng bên lề” chính trị. Trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc tiêu cực, gây bức xúc dư luận ở một số địa phương thời gian qua có nguyên nhân: cấp ủy, chính quyền cơ sở còn quan liêu, thiếu văn hóa dân vận, bưng bít thông tin với dân, nhất là những vấn đề liên quan đến dự án, đất đai, đền bù giải tỏa... 

     Văn hóa dân vận - với việc cung cấp, đáp ứng đúng, đủ thông tin và nhu cầu thông tin của dân theo quy định, còn góp phần hạn chế, ngăn chặn những hiện tượng dân chủ cực đoan, quá trớn. Việc dân chủ hóa, công khai hóa thông tin một cách kịp thời, đúng định hướng, có trọng tâm trọng điểm trước những vấn đề “nóng”, nhạy cảm sẽ góp phần giải quyết tình trạng dân chủ cực đoan trong một bộ phận nhân dân, đồng thời góp phần ngăn chặn những “luồng gió độc” - thông tin xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động.

     Chúng ta không sợ các loại thù địch chống phá, lợi dụng. Bởi bản chất của chúng là lợi dụng, xuyên tạc, kích động, chống phá. Chúng ta chỉ sợ dân biết không “đến nơi đến chốn”, lẫn lộn trắng-đen, không phân biệt được đúng-sai, thật-giả, dẫn đến hoang mang, đổ vỡ niềm tin.

     Chúng ta không sợ các loại thù địch chống phá, lợi dụng. Bởi bản chất của chúng là lợi dụng, xuyên tạc, kích động, chống phá. Chúng ta chỉ sợ dân biết không “đến nơi đến chốn”, lẫn lộn trắng-đen, không phân biệt được đúng-sai, thật-giả, dẫn đến hoang mang, đổ vỡ niềm tin. Vì thế, trừ những thông tin mang tính chất “quốc gia đại sự” liên quan đến an ninh, đối ngoại, bảo vệ chính trị nội bộ..., thì dân phải được biết, được có thông tin và được lý giải kịp thời, đầy đủ trước những vấn đề dư luận quan tâm. Tránh tạo cơ hội cho những “luồng gió độc” xuyên tạc, phản động “nhanh chân” hơn, chen vào “khoảng trống thông tin”. Thực tế cho thấy, một khi không có thông tin đầy đủ, kịp thời từ phía các cơ quan chức năng, thì người dân sẽ tìm đến với những nguồn tin khác qua Internet, mạng xã hội hoặc báo chí nước ngoài. Thực tế cũng cho thấy, một khi mất niềm tin với cuộc sống xã hội thực tại thì một bộ phận người dân sẽ “chạy trốn” tìm đến tôn giáo, trong đó có những loại tín ngưỡng si mê, cuồng tín, dị đoan.

     Ba là, hiện tượng tuyên truyền một chiều, hình thức, làm cho có, cho xong.

     Văn hóa dân vận không chỉ bó hẹp trong các phương thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, mà còn là giáo dục, thuyết phục để họ có cơ hội nhận thức, tái nhận thức. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta thấy vẫn còn tình trạng ở không ít nơi, trong quá trình tuyên truyền, người nói thì “nói cho xong”, người nghe thì “nghe cho có”. Nghĩa là chưa thực sự chạm đến ngưỡng giáo dục, thuyết phục. Vẫn biết tuyên truyền, vận động là một việc khó, bởi một trong những điều khó nhất ở đời là “nắm bắt” tư tưởng, tình cảm của con người. Nhưng không phải là “bất khả kháng”. Bởi nếu khó mà “buông xuôi”, thì Đảng ta đã không có được lòng dân để làm nên những thắng lợi vĩ đại trong suốt 91 năm qua.

     Vì thế, bên cạnh những phương pháp cơ bản, đặc trưng, thì giải pháp quan trọng nhất để công tác tuyên truyền, vận động phát huy hiệu quả vẫn là hướng tới chiều sâu văn hóa.

     Theo đó, muốn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để “thu phục nhân tâm” thì, như đã nói, vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải được đề cao hàng đầu. Cấp trên làm gương để cấp dưới soi vào. Cán bộ, đảng viên làm gương để quần chúng tin tưởng, noi theo. Đó là dấu hiệu thực sự của văn hóa.

     Sự gương mẫu, uy tín xã hội của đội ngũ lãnh đạo trong thời hiện đại không chỉ cần phải được thể hiện ở việc lập đức (lối sống, nếp sống, cách ứng xử...) mà còn ở lập ngôn (trí tuệ, tài năng, bản lĩnh chính trị...), lập công (hiệu quả xã hội do chức trách đưa lại).

     Văn hóa dân vận là giáo dục để mọi người hiểu sâu những giá trị truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc; những kiến thức dự báo được tình hình và xu thế phát triển của đất nước; làm cho người dân, dù ở hoàn cảnh nào, trình độ hiểu biết đến đâu đều vượt qua được chính mình; để từ cán bộ, đảng viên đến người dân đều tự giác nhận thức được phê bình và tự phê bình là quy luật của phát triển, là sự trưởng thành của mỗi cá nhân - từ bước nhỏ cá nhân để đi bước lớn xã hội. Dù không thể một lúc giáo dục, sửa chữa được “tổng thể” khiếm khuyết trong toàn xã hội, nhưng văn hóa dân vận có thể sửa chữa được lỗi lầm của từng cá nhân, qua đó lan tỏa những hiệu ứng tích cực.

     Văn hóa dân vận còn là giáo dục ý thức, thái độ văn minh, ứng xử văn hóa giữa con người với con người, con người với thiên nhiên; đưa các phong trào hành động cách mạng đi vào chiều sâu, phát triển rộng khắp.

     Hơn tất cả, vượt qua tuyên truyền, vận động, giáo dục, văn hóa dân vận là nhịp cầu quan trọng để Đảng với dân “tuy hai mà một”, ý Đảng với lòng dân hòa quyện thống nhất; để cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” luôn được thực hiện tích cực, phù hợp, “tròn vai” trong mọi giai đoạn cách mạng, vì mục tiêu tối thượng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Thanh Cao ST theo GS. Hồ Sĩ Vịnh

các tin khác