Văn hóa

Đình thần Bình Long – thị trấn Cái Dầu với lễ hội Chạp miếu

02:55 24/01/2019

    

Lễ Chạp miếu (còn gọi là lễ Lạp miếu, lễ Thượng điền) diễn ra tại đình thần Bình Long – thị trấn Cái Dầu vào ngày 15 và 16 tháng Chạp. Cùng với Lễ Kỳ yên, đây là lễ truyền thống hàng năm có ý nghĩa tốt đẹp còn được giữ gìn đến ngày nay.
Responsive image

Kiến trúc nghệ thuật Đình thần Bình Long 

 

Đình thần Bình Long nằm trên tuyến quốc lộ 91, ấp Bình Hòa thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú tỉnh An Giang, đây là ngôi Đình có lịch sử khá lâu đời được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Theo hồ sơ công nhận di tích Đình thần Bình Long thì tiền thân của Đình thần Bình Long là ngôi đình của thôn Long Mỹ, lúc bấy giờ thuộc huyện Tây Xuyên – An Giang.

Năm 1786, việc xây dựng Đình và tên thôn Long Mỹ chính thức được Vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 46 công nhận là một đơn vị hành chánh và ban sắc phong.Tháng 4 năm 1815, trong một vụ hỏa hoạn ngôi đình Long Mỹ đã bị thiêu hủy và cháy luôn cả sắc phong. Cùng lúc này có sự bất hòa giữa 2 vùng; vùng trên tức là vùng Cái Dầu, và vùng dưới tức là thôn Long Mỹ, đây cũng là dịp dân chúng đòi tách thôn Long Mỹ và xin lập thôn mới. Vào năm 1816, năm Gia Long thứ 15 Đình được chấp thuận lấy chữ “Bình” đặt trước chữ “Long” ở làng trên và trước chữ Mỹ ở làng dưới tức Bình Long và Bình Mỹ

Đình thần Bình Long được xây dựng ngay sau khi thành lập thôn Bình Long. Lúc đầu Đình được xây dựng đơn sơ, vách bằng gỗ, lợp lá tại một gò đất trong vàm Rạch Phù Dật khoảng 300m2. Hiện nay rất ít tài liệu viết về Đình Thần Bình Long và những di sản để căn cứ nghiên cứu về lịch sử của Đình. Chỉ có một số bài vị ở bản Tiền hiền và Hậu hiền phần nào làm sáng tỏ về vai trò các vị quý tế Đình thần Bình Long của thời kỳ đầu mới xây dựng.

Từ nữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, theo tìm hiểu được biết Đình Bình Long có tất cả 6 vị hương cả sau Hương cả Nguyễn Minh Luận, còn về thời điểm lịch sử, các vị hương cả tham gia hương chức hội chánh ở ngôi Đình này thì không được rõ.

Đến năm 1929, đình Bình Long được dời đến địa điểm như hiện nay. Theo các bậc bô lão ở vùng này cho biết, Ngôi đình hiện tại có diện tích gần 1.300m2 xây dựng nhờ sự đóng góp công sức và tiền tài của các vị tân hào nhân sĩ trong thôn và các thôn lân cận, Đình được khởi công xây dựng vào ngày 10 tháng 7 năm Canh Ngọ (1930) với quy mô lớn, kiến trúc kiên cố nhất so với các đình khác trên toàn huyện.

Ngày 13 tháng 3 năm Mậu Dần (1938) ngôi đình Bình Long được Vua Bảo Đại năm thứ 12 sắc phong thần “Thành hoàng bổn cảnh”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình thần Bình Long đã từng góp phần rất quan trọng trong quá trình đấu tranh của dân tộc. Ngày 16 tháng 01 năm 1946, tại ngôi đình này đã tổ chức thành công bầu cử Quốc hội lần đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1960 – 1962) đình bị Ngụy quyền lấy làm đồn trú và diễn ra trận đánh đồn năm 1962 ta tiêu diệt một Trung đoàn Bảo an…..

Gần 90 năm qua, kể từ khi ngôi đình được thành lập và xây dựng đến nay đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có lúc Đình thần Bình Long được trưng dụng làm kho chứa thóc. Sau này đình đã được sửa sang và tái thiết theo lối kiến trúc cổ có phần hoàn thiện hơn. Năm 2013 Đình thần Bình Long - thị trấn Cái Dầu được trùng tu nâng cấp như hiện nay.

Hằng năm, Đình vẫn tổ chức các Lễ cúng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Các Lễ cúng đình trong năm có thể kể:

  1. Lễ cúng Cầu An ( Kỳ Yên) hay còn gọi là cúng Hạ điền vào ngày 15,16 và 17 tháng 4 âm lịch hàng năm.
  2. Lễ cúng Chạp Miếu (Lạp Miếu) hay còn gọi là lễ cúng Thượng Điền, cúng “tất niên” tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng Chạp.
  3. Lễ cúng đầu năm hay còn gọi là cúng tống, tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng Giêng âm lịch

Lễ Chạp miếu - tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng Chạp mang tính chất lễ nghi nông nghiệp rõ rệt, theo tục lệ, cuối mùa vụ, bà con hội tụ về để ăn mừng, tạ ơn thần Nông, Thành Hoàng phù hộ mùa màng tươi tốt, đồng thời chia sẻ với nhau những buồn, vui trong một năm.

Nội dung lễ ở mỗi đình khác nhau nhưng bao giờ cũng có đủ phần lễ và phần hội. Lễ Chạp miếu đình thần Bình Long – thị trấn Cái Dầu gồm có Lễ thỉnh sanh, Lễ cúng chánh tế, Cúng Thần Nông. Ông Nguyễn Thanh Tân, nguyên Phó Trưởng ban Quý tế đình cho biết, lễ Lạp Miếu xuất phát từ tập tục xa xưa thời ông cha đi khai hoang, mở đất. Hễ cày cấy, làm ruộng thuận lợi, đời sống bà con yên ổn, các cụ đều tin nơi đó có thần linh phù hộ, vì vậy mỗi địa phương đều dựng một ngôi đình để thờ Thành Hoàng. Cuối năm, khi mùa màng kết thúc, hoa màu thu hoạch  xong, nhà nhà chuẩn bị đón Tết cũng là lúc tổ chức lễ Chạp Miếu. Lễ vì vậy mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống từ xưa đến nay.

Những ngày cuối năm, không khí lễ góp phần làm cho địa phương thêm rộn ràng, vui tươi. Người đi lễ không chỉ có bà con tại địa bàn hay khu vực lân cận, còn thu hút khách thập phương, một số khách hành hương nhân dịp cuối năm được thảnh thơi thời gian về đây tham quan, cúng bái.

Lễ Chạp miếu cũng là dịp để Nhân dân địa phương tưởng nhớ công ơn của những người xây dựng nên công trình văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc.Cùng với Lễ hội Kỳ Yên, lễ Chạp miếu cũng được tổ chức trang trọng, ngoài phần lễ còn có phần hội như múa lân, đờn ca tài tử thu hút đông đảo người dân tham gia.

Trong tâm thức của người dân thị trấn Cái Dầu và xã Bình Long, bà con nhân dân rất quý trọng ngôi đình. Vì nơi đây thờ phượng các vị thần linh ban đến cho họ mọi điều tốt đẹp, ngoài ra còn thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền là những người có công trong việc tạo lập làng xã và xây dựng ngôi đình. Do đó, Lễ hội Đình làng ngoài việc tham quan, cúng viếng nguyện cầu Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc còn dịp để nhân dân tưởng nhớ công ơn những người xây dựng nên công trình văn hóa – lịch sử truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần quý báu trong việc gìn giữ kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam./.

Lan Thanh ( Đài Truyền thanh thị trấn Cái Dầu)

các tin khác