12:09 23/12/2023
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, để thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới, trước tiên chúng ta cần tập trung chấn chỉnh về công tác đào tạo huấn luyện...
Chiều 21/12/2023, Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 đã được tổ chức tại Hà Nội. Tại Hội nghị này, rất nhiều chuyên gia, các nhà quản lý đã “hiến kế” với nhiều giải pháp thiết thực nhằm đánh giá lại một cách toàn diện sự phát triển của thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao. Từ đó đề ra những giải pháp huy động các nguồn lực, xem xét nhiều góc độ để tập trung thực hiện Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 một cách bài bản, khoa học nhằm góp phần cải thiện thành tích của thể thao nước nhà trong đó trọng tâm là thể thao thành tích cao trên đấu trường quốc tế.
Báo cáo chung về thực trạng thành tích thể thao, nguồn lực VĐV; định hướng phát triển thể thao thành tích cao từ năm 2024-2030 và định hướng lựa chọn các môn thể thao trọng điểm, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết, Thể thao Việt Nam, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, thể thao thành tích cao đã có sự tiến bộ rõ nét, khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á và bước đầu tiếp cận trình độ thể thao của châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển thể thao thành tích cao của nước ta so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn cần đổi mới tư duy và cách làm thể thao thành tích cao.
Thực tiễn qua kỳ Olympic 2020, Asian Games 2018 và 2022 gần đây cũng chỉ ra rằng đã tới lúc thể thao Việt Nam tiếp tục cần có sự nhìn nhận mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao và nếu chúng ta không thay đổi cách đầu tư thì rất khó hướng tới Asian Games (ASIAD) và Olympic trong giai đoạn tới.
Từ thực trạng trên cho thấy thể thao thành tích cao của Việt Nam cần có sự điều chỉnh nhằm đáp ứng với những thay đổi của điều kiện thực tế, giúp cho các VĐV nâng cao năng lực cạnh tranh tại Olympic và ASIAD.
Đề xuất giải pháp nhằm hiện thực hoá khát vọng đưa thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới,GS.TS Lâm Quang Thành nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục-Thể thao khẳng định, muốn phát triển thể thao thành tích cao, chúng ta phải đổi mới sáng tạo. Đây là cầu nối để khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp việc phát triển thể thao thành tích cao, đặc biệt là lực lượng VĐV đỉnh cao, qua đó tạo bứt phá trong nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện và thành tích thể thao. Đồng quan điểm với GS.TS Lâm Quang Thành, Nhà giáo nhân dân - GS.TS - Bác sĩ Lê Quý Phượng – Chủ tịch Hội khoa học TDTT Việt Nam cho rằng việc nghiên cứu chuyên sâu về các giải pháp phòng tránh chấn thương, chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng và hồi phục cho VĐV thể thao thành tích cao cũng là một trong những vấn đề và giải pháp đặc biệt quan trọng góp phần tạo nên những thành quả của thể thao nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng.
Vấn đề mấu chốt trong việc cải thiện thành tích của Thể thao Việt Nam được các chuyên gia khẳng định và đề cập nhiều nhất có lẽ vẫn là nguồn lực và chiến lược đầu tư. Thực tế cho thấy mức đầu tư dành cho thể thao thành tích cao của nước ta so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore đã không bằng, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục. Bài toán thiếu trước hụt sau đã khiến cho chúng ta loay hoay co kéo trong tấm chăn quá chật hẹp. Mục tiêu thì muốn vươn tầm châu lục và thế giới nhưng thực lực lại chỉ đủ đầu tư ở cấp độ khu vực, trong đó có việc chưa quản lý tốt nguồn lực đầu tư được phân bổ. Trong bối cảnh hiện nay chúng ta không chỉ trông chờ vào nguồn lực của nhà nước mà phải huy động được các nguồn lực xã hội hóa, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao. Ngoài ra, chúng ta phải quản lý tốt nguồn lực được phân bổ. Một khi nguồn lực đầu tư xứng tầm và được quản lý bài bản thì các giải pháp chuyên môn mới phát huy đầy đủ và khi đó kết quả mới tương xứng được.
Bên cạnh đó những điểm “nghẽn” trong cơ chế, chính sách hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho thể thao thành tích cao Việt Nam chưa thực sự có sức “bật” cao, bật xa như kỳ vọng. Đời sống của các HLV, VĐV còn nhiều khó khăn. Với đặc trưng nghề nghiệp, các HLV không chỉ làm công việc tương tư như các thầy cô giáo ở trường học mà còn kiêm thêm việc làm cha, làm mẹ chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, tâm sự chia sẻ cùng các VĐV khi họ gặp những vấn đề khó khăn trong tập luyện, thi đấu. Dù đã được quan tâm nhưng chế độ, chính sách của các HLV chưa cao, dẫn đến việc họ phải lo toan vất vả trong cuộc sống….
Vẫn biết rằng để thể thao Việt Nam có thể vươn tầm khu vực và quốc tế còn ngổn ngang bộn bề bao việc phải làm nhưng nhìn vào lịch sử thể thao Việt Nam ở từng môn, từng thời kỳ dù còn nhiều khó khăn nhưng có những môn chúng ta đã rất đỗi tự hào vì đã khẳng định được vị thế và tỏa sáng ở đấu trường khu vực cũng như thế giới. Để biến ước mơ, khát vọng của thể thao Việt Nam thành hiện thực đúng như Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định, bên cạnh việc quan tâm đầu tư cho lĩnh vực TDTT; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyên….vấn đề cốt lõi vẫn là ở ý thức, sự đam mê, tình yêu nghề, yêu ngành quyết tâm vượt khó của các VĐV, HLV. Nếu như ngành thể thao biết khơi dậy niềm tin, khát vọng chiến thắng không chỉ trong đội ngũ các HLV, VĐV mà còn trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành chắc chắn thể thao Việt Nam sẽ có một vị trí khác, một sức bật khác đáp ứng kỳ vọng của đông đảo nhân dân.
Thanh Cao ST