Hoạt động cơ sở

Châu Phú: Ô Long Vĩ trồng cây phân tán bảo vệ đê bao

11:24 07/12/2021

    

Tại xã Ô Long Vĩ, các ấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể xã gồm lực lượng Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Hội Cựu chiến binh và công an, quân sự xã tổ chức trồng cây phân tán bảo vệ tuyến đê Đông kênh 10.

 

Responsive image
 

Tuyến đê Đông kênh 10 thuộc ấp Long Hưng và Long Thịnh là tuyến đê mới được nâng cấp mở rộng, láng nhựa 03 năm gần đây, việc tổ chức trồng cây phân tán nhằm bảo vệ vững chắc đê bao, giúp tuyến đê được sử dụng lâu dài và đảm bảo ăn chắc các diện tích sản xuất nông nghiệp của nông dân.

Đợt này, xã nhận và tổ chức trồng 15.000 cây tràm ngoại từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phân về theo nhu cầu đăng ký của địa phương. Đây là loài cây lớn nhanh, dễ trồng và nhiều công dụng, đặc biệt có tác dụng cản lũ và bảo vệ vững chắc đê bao. Vị trí trồng cây tập trung phía mái đê ngoài tuyến kênh.

Ô Long Vĩ là xã đầu nguồn đón lũ của huyện Châu Phú, nên hàng năm thường bị ảnh hưởng lũ lụt, nhất là những năm lũ lớn gây thiệt hại đáng kể đến tính mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp là ngành chủ lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, việc trồng cây phân tán, nhất là trên các tuyến đê bao vượt lũ, tạo các đai rừng chắn sóng, hạn chế xói lở là vấn đề được địa phương rất quan tâm.

Từ thực tế đợt lũ lớn năm 2011 hay các đợt lũ lên nhanh, đột ngột như năm 2013, 2018 càng khẳng định hiệu quả và sự cần thiết của việc trồng cây phân tán trên các tuyến đê bao vùng sản xuất 3 vụ. Bởi nó vừa có tác dụng phòng chống sạt lở, vừa có khả năng cung cấp vật tư tại chỗ phục vụ kịp thời cho công tác bảo vệ đê bao. Cụ thể, trong thời gian ứng phó với lũ, hàng triệu cây bạch đàn, cây tràm... đã được chính quyền địa phương và nhân dân huy động để gia cố bờ đê, cống, đập ngay khi có sự cố rò rỉ, sạt lở... Từ đó mang lại hiệu quả cao cho công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

Thấy được hiệu quả thiết thực từ việc trồng cây bảo vệ đê, một số nông dân trên địa bàn cũng tích cực trồng bạch đàn, tràm trước bờ đê chỗ đất mình canh tác để bảo vệ diện tích lúa. Chú Dương Văn Thức ấp Long Bình xã Ô Long Vĩ cho biết: “Giờ tới mùa mưa rồi, tôi cũng tranh thủ mua bạch đàn, tràm con về trồng ngoài bờ đê để bảo vệ đê bao, rồi bảo vệ lúa mình luôn. Đợt này tôi trồng được khoảng 1.600 cây. Mấy năm trước tôi trồng nhiều hơn khoảng 2.000 cây”. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng cây bảo vệ đê bao, chú Dương Văn Thức chia sẻ thêm: “Trồng mấy cây này không khó chăm sóc đâu. Mình vệ sinh kỹ mái đê chỗ chuẩn bị trồng, rồi mua cây con về gieo xuống. Chịu cực tưới nước mỗi ngày khoảng 2 – 3 tuần đầu, sau đó lâu lâu tưới một lần và khi cây lớn thì mình khỏi tưới nữa. Quay qua quay lại vài năm là nó lớn hết, sử dụng làm cầu, làm nhà, gia cố đê gì cũng ngon”.

Có thể nói, trồng cây phân tán trên các tuyến đê bao là việc làm tốn kém ít mà lợi ích mang lại rất lớn. Ngoài tác dụng phòng, chống lũ lụt và hạn chế sạt lở, bảo vệ vững chắc đê bao các vùng sản xuất 3 vụ; còn tạo cảnh quan, bóng mát, phòng hộ môi trường. Đặc biệt càng có ý nghĩa hơn trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu đang ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, việc trồng cây phân tán bảo vệ đê bao chỉ có hiệu quả khi cây được trồng sống và phát triển tốt. Do vậy, địa phương cũng như các tổ chức đoàn thể, ngành chuyên môn cần quan tâm nhiều hơn đến công tác chăm sóc, bảo vệ sau khi trồng, đảm bảo hiệu quả công tác trồng cây phân tán trên các tuyến đê.

Trúc Mai

các tin khác