Kinh tế

Những làng nghề mùa nước nổi

08:14 11/09/2019

    

Từ bao đời nay, người dân Miền Tây luôn mong chờ mùa nước nổi. Bởi khi con nước chuyển màu đục tràn về các cánh đồng cũng là lúc mùa nước nổi mang phù sa về bồi đắp cho ruộng đồng thêm tươi tốt và cũng đem lợi nhiều nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú cho người dân kiếm thêm thu nhập. Các làng nghề mùa nước nổi cũng rộn ràng mỗi khi mùa lũ về.

 

     Những ngày này, đến làng làm lưới 03 màng ở ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Đức không khí cũng nhộn nhịp hẳn với những tiếng “lạch cạch” phát ra dồn dập từ đôi chân của những thanh niên trong ấp đang tất bật với công việc đạp chì cho lưới 03 màng. Làng nghề lưới 03 màng đã được hình thành trên 30 năm qua với hơn 10 hộ sản xuất. Các cơ sở sản xuất lưới 03 màng nơi đây đều làm quanh năm, nhưng vào cao điểm là tháng 08 đến tháng 10 âm lịch khi con nước tràn đồng có nhiều loài cá theo về cùng con nước nổi. Thì nhu cầu mua lưới đánh bắt cá cũng tăng mạnh. Vì thế các hộ sản xuất phải tranh thủ làm lưới từ những tháng trước để có thể bán sản phẩm kịp đơn đặt hàng. Chú Sáu Vy – chủ cơ sở sản xuất lưới 03 màng Sáu Vy cho biết: “cơ sở sản xuất lưới 03 màng của gia đình chú đã kinh doanh trên 30 năm nay, thường niên vào cao điểm mùa nước nổi thì có rất nhiều đơn đặt hàng từ nhiều nơi như Tịnh Biên, Châu Thành hay tận Campuchia. Mỗi mùa nước nổi gia đình chú thường bán được từ 3000 – 5000 tay lưới 03 màng. Vì thế thường ngày thì gia đình chú vẫn làm lai rai, nhưng đến cao điểm mùa nước nổi bắt đầu từ tháng 08 đến tháng 10 âm lịch, thì gia đình chú phải thuê thêm nhân công làm mới đủ hàng cung cấp cho khách hàng”. Đã gọi là sản phẩm ăn theo mùa nước nổi, nên số lượng lưới 03 màng được bán cũng phải tùy thuộc vào con nước lớn hay nhỏ. Nếu như năm trước nước lớn, cơ sở chú Sáu Vy sản xuất hơn 5000 tay lưới mà vẫn không cung ứng đủ cho khách hàng. Thì năm nay, ở thời điểm này con nước vẫn còn thấp, mực nước ở các sông còn lên chậm vì thế đơn đặt hàng cũng ít hơn những năm trước. Chú Vy cho biết: “Hiện nay, cơ sở của chú nhận được đơn đặt hàng chủ yếu là khách hàng ở Campuchia, còn ở các huyện lân cận chưa có nhiều đơn đặt hàng. Vì thế, mùa nước năm nay cơ sở của chú chỉ sản xuất khoảng 3000 tay lưới và cũng đang mong đợi con nước nhảy vào tháng 09 âm lịch sắp tới để có thêm nhiều đơn đặt hàng”. 

Responsive image
 

     Với giá bán 185 ngàn đồng một tay lưới tầm trung được sử dụng đại trà. Và tùy theo kích cỡ lớn nhỏ mà giá bán các tay lưới cũng khác nhau. Các tay lưới cỡ lớn được bán với giá khá cao từ 1,5 – 1,8 triệu đồng. Bởi đặc tính của lưới 03 màng có nhiều loại như loại 03 phân thì đánh cá chốt; loại 7 phân đánh cá mè vinh….tùy mỗi kích cỡ sẽ đánh bắt các loại cá khác nhau và  đánh bắt rất hiệu quả, văng lưới thì bắt được nhiều cá. Vì thế sản phẩm này, nhiều năm qua đã có tiếng về chất lượng và rất được nhiều bạn hàng cũng như người đánh bắt cá đến tận nơi mua hàng. Ngoài ra, với các công đoạn thủ công như; đan lưới; luồng 03 lớp màng; vô phau; đạp chì… Vì thế sản phẩm lưới 03 màng không chỉ mang hiệu quả kinh tế cho các cơ sở sản xuất, còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn trong mùa nước nổi.

Responsive image
 

     Cũng là làng nghề mùa nước nổi nhiều năm qua, nhiều hộ làm lọp cua ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức cũng đang tranh thủ làm hàng ngàn lọp cua cung ứng cho thị trường mùa nước nổi. Với đôi tay thoăn thoắt đang bện lọp cua, Chị Đan - ấp Mỹ Hòa cho biết: “Sau bao ngày mong đợi, thì thời điểm này con nước vừa nhảy, gia đình chị mới có đơn đặt hàng từ Đồng Tháp và Campuchia. Nên tranh thủ có lọp cua giao cho khách hàng, chị còn thuê thêm 02 người cháu ở cạnh nhà phụ tiếp. Cũng như những năm trước, mùa nước năm nay, gia đình chị Đan sản xuất 1.500 lọp cua để bán cho khách và một phần ít lọp cua để lại cho chồng chị sử dụng đi đặt cua ở cánh đồng Tịnh Biên kiếm thêm thu nhập mùa nước nổi”. 

     Được biết, những năm trước làng nghề lọp cua ấp Mỹ Hòa có đến gần 40 hộ sản xuất lọp. Và mùa nước nổi được xem là một mùa vui nơi đây. Người người, nhà nhà, từ trẻ đến già đều tham gia làm lọp cua, không khí nhộn nhịp hẳn và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con trong làng. Tuy nhiên, những năm gần đây, do đê bao khép kín, lũ về ít, nguồn lợi thủy sản cũng sụt giảm đặc biệt là con cua đồng rất ít. Vì thế người dân đánh bắt cũng bỏ nghề tìm việc khác, số lượng đặt hàng lọp cua ngày cũng ít dần. Nên các hộ làm lọp cua cũng không còn bán được nhiều sản phẩm. Hơn nữa chi phí mua nguyên liệu ban đầu làm lọp cũng tăng lên hàng năm, nhưng giá bán lọp cua không tăng là bao, vì thế người làm lọp cua không có lãi nhiều như những năm trước. Hiện nay, một số hộ làm lọp cua nơi đây chỉ sản xuất cầm chừng từ 1000 - 2000 cái lọp cung cấp thị trường mùa nước nổi kiếm thêm thu nhập cho gia đình cũng như cố gắng duy trì sản phẩm truyền thống của địa phương đã gắn bó với mùa nước nổi bao đời nay.

Trịnh Phượng – Đài truyền thanh huyện Châu Phú

các tin khác