Kinh tế

Thạnh Mỹ Tây nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

09:28 03/07/2023

    

Xác định xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân là một trong những đích đến của xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2024. Do đó, ngay từ đầu năm 2023, xã Thạnh Mỹ Tây đã chú trọng đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, để nhằm mang lại những kết quả tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân, làm thay da đổi thịt từng ngày bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã.

 

 

Trong đó, thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo được xem là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta, nhằm cải thiện vật chất và tinh thần cho người nghèo, là một trong những giải pháp để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển ở mỗi địa phương. Chính vì thế, hằng năm, Đảng ủy, UBND xã, các ban ngành, đoàn thể xã Thạnh Mỹ Tây đã luôn quan tâm lồng ghép công tác xóa đói giảm nghèo với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngày càng có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể: qua triển khai thực hiện nhiều hoạt động, góp phần quan trọng vào bước tiến bền vững của xã như: tranh thủ tận dụng những tiềm năng sẵn có, đề ra giải pháp xóa đói, giảm nghèo thiết thực, tích cực chủ động trong vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập trung đầu tư và phát triển đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ giúp người dân vận dụng có hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo v.v… Theo kết quả điều tra, bình nghị hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2022, toàn xã có 122 hộ nghèo, tỷ lệ là 2,48%, so với năm 2021 giảm 1,11%; hộ cận nghèo là 132 hộ, tỷ lệ 2,68%, giảm 3,74%.

 

Nhằm hướng tới mục tiêu là thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước vào điều kiện thực tế, để huy động sức mạnh tổng hợp từ các nguồn lực xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã, với các hình thức cụ thể như: chăm lo về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội được thuận lợi hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; Hỗ trợ từ các nguồn vốn vay khi người dân có nhu cầu làm ăn để vươn lên thoát nghèo; vận động tuyên truyền cho người dân có sự chuyển biến về nhận thức không trông chờ, ỷ lại vào chính sách và sự hỗ trợ của nhà nước v.v... Thực tế cho thấy, nhiều hộ dân đã biết vận dụng sáng tạo những kiến thức từ những lớp học đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để tự tìm cho mình một cơ hội việc làm, một mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của gia đình như: chăn nuôi, mua bán nhỏ, may công nghiệp, sửa xe gắn máy v.v…

Như kế hoạch năm 2023, địa phương sẽ tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5% còn (102 hộ) và phấn đấu giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 1,0% còn (97 hộ). Đồng thời, địa phương cũng đã tăng cường chính sách ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có khả năng thoát nghèo trong năm, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện như: có lao động và có ý chí vươn lên thoát nghèo, có kiến thức cơ bản để tiếp cận các phương pháp trợ giúp, có phương án sản xuất kinh doanh, các thành viên trong hộ không có người mắc phải các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, ma túy, mại dâm…

 

Bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; địa phương còn chú trọng công tác tuyên truyền trên loa đài phát thanh các tin, bài viết về chính sách, chương trình giảm nghèo, về gương điển hình hộ nghèo làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và giảm nghèo trên địa bàn xã. Trong đó, nhiều đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền điện và các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo theo quy định. Từ đó đã góp phần phổ biến rộng rãi các chính sách, chương trình giảm nghèo đến được với đông đảo người dân, làm khơi dậy được ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, thay đổi dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách đãi ngộ của nhà nước, để tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng giúp đỡ để thoát nghèo, vươn lên khá giả, đã giảm dần số hộ nghèo, cận nghèo tái nghèo, phát sinh nghèo mới theo từng năm.

 

Ngoài ra, địa phương còn chú trọng việc thực hiện các giải pháp quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của xã năm 2023 như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả chương trình; Kiện toàn ban điều hành giảm nghèo bền vững của xã để hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn; Phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, sự tham gia của người dân trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến nhận thức người nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo bền vững; Nhất là tăng cường công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức, bảo đảm chất lượng dạy nghề gắn với công tác tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động; Tham gia các lớp tập huấn, đồng thời hướng dẫn kỹ năng giảm nghèo cho người dân, vận động người dân nhàn rỗi tham gia các lớp nghề phù hợp với nhu cầu…

Từ thực tế cho thấy, muốn giảm nghèo có kết quả, trước tiên cần phải hiểu rõ nguyên nhân xuất phát dẫn đến nghèo của các hộ gia đình như: thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu đất sản xuất, gia đình có người nghiện ma túy, thiếu thông tin, thiếu điện nước, nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ, tạm bợ… trên cơ sở đó có biện pháp hỗ trợ phù hợp, đồng thời phân công cụ thể cán bộ xã, ấp trực tiếp giúp đỡ hộ nghèo để thoát nghèo. Song với đó, địa phương cũng có kế hoạch điều tra, rà soát biến động hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm bảo đảm chất lượng, giảm nghèo phải thực chất và bền vững, tránh tình trạng các hộ luân phiên ra vào hộ nghèo để được hưởng chính sách. Đặc biệt là chống bệnh thành tích trong báo cáo kết quả giảm nghèo, bảo đảm kết quả giảm nghèo phản ánh khách quan, chính xác, đúng thực trạng mức sống của hộ dân tại địa phương.

 

 

Phải nói rằng: chính từ sự hỗ trợ đầu tư của nhiều nguồn kinh phí, nền kinh tế của xã Thạnh Mỹ Tây đã có những bước phát triển đáng kể trong công tác xóa đói giảm nghèo hằng năm. Bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời, đúng lúc, địa phương còn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, từ đó đã giúp người dân hiểu và có ý thức vươn lên trong cuộc sống, hạ tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo xuống mức thấp nhất có thể, nhằm góp phần cùng với chính quyền địa phương hướng tới mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2024 theo lộ trình Nghị quyết đã đề ra.

 

Nguyễn Kim

các tin khác