Kinh tế

Thạnh Mỹ Tây triển khai thống nhất kế hoạch xả lũ vụ Thu Đông năm 2023

07:32 19/06/2023

    

Theo kế hoạch, năm 2023, xã Thạnh Mỹ Tây có chủ trương thực hiện xả lũ ở các tiểu vùng Kênh 8 – Kênh 10 – Vịnh Tre và Kênh 8 – Kênh 11- Vịnh Tre- Bờ Dâu- Bắc Kênh 10 Châu Phú thuộc 03 ấp Mỹ Bình, Tây An và Bờ Dâu, có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp là 1.390 ha.

 

 

Mục đích của việc xả lũ là nhằm cải tạo đất, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế các đối tượng sâu bệnh gây hại, giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững hơn. Hơn nữa, xả lũ ngưng sản xuất lúa nhưng vẫn sản xuất các mô hình nuôi trồng thủy sản, đảm bảo tăng thu nhập cho nông dân. Do đó, xả lũ là việc làm rất cần thiết, được địa phương triển khai thực hiện sớm ngay từ vụ lúa Hè Thu, để bà con nhân dân trong vùng biết và có giải pháp chủ động ứng phó trước khi lũ về, nhằm đảm bảo tài sản của nhân dân không bị ảnh hưởng và thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

 

Có mặt tại buổi họp dân, chia sẻ với chúng tôi, ông Trịnh Văn Khước, nông dân ngụ ở ấp Mỹ Bình cho biết: Hiện tại, gia đình ông có khoảng 49000 m2 đất đang canh tác lúa, toàn bộ diện tích đất sản xuất đều nằm trong vùng xả lũ Kênh 8, ấp Mỹ Bình. Những ngày vừa qua, ông cũng có nghe thông tin trên loa đài phát thanh địa phương thông báo về công tác thực hiện xả lũ vụ Thu Đông năm 2023. Đồng thời được tham gia cuộc họp dân để triển khai, đối thoại trực tiếp với cán bộ lãnh đạo ở địa phương về vấn đề xả lũ, bản thân ông cũng rất đồng thuận với chủ trương xả lũ này.

 

Để việc xả lũ đạt kế hoạch đề ra và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thống nhất với kế hoạch đề ra. Đồng thời, tổ chức họp dân lấy ý kiến xả lũ mức độ nào là phù hợp, để đảm bảo hài hòa lợi ích cho nông dân. Bên cạnh đó, giữa ngành chuyên môn và địa phương cũng đã phối hợp, đề ra nhiều giải pháp thực hiện để bảo vệ diện tích trồng cây ăn trái trong vùng quy hoạch và vận động nông dân tự bảo vệ diện tích tự trồng.

Bên cạnh đó, xã cũng đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động từng hộ dân có diện tích sản xuất nằm trong vùng xả lũ thực hiện ký kết các nội dung trong cam kết xả lũ năm 2023, trong đó vùng trồng cây ăn trái có 245 hộ đã ký cam kết với diện tích là 137.21 ha; rau màu 10 hộ, với diện tích 3.29 ha; nuôi cá lóc giống 2 hộ, với diện tích mặt nước ao nuôi là 1.64 ha và có 8 hộ chăn nuôi (heo, bò, dê…)…

 

Anh Huỳnh Văn Gạch chia sẻ: gia đình anh có khoảng 5.200 m2 đất canh tác làm vườn, chủ yếu là trồng mít, có hơn 300 gốc mít đang cho trái và đã thu hoạch hơn 02 năm qua. Tính đến nay, vườn mít nhà anh đã phát triển được 05 năm tuổi. Được biết, vụ Thu Đông năm 2023, địa phương có chủ trương xả lũ, mà diện tích vườn của gia đình lại nằm trong vùng xả lũ. Do đó, từ cuối vụ Đông Xuân, gia đình anh đã chủ động từ trước, thuê Kobe về đào đắp lên vành đai khép kín, tôn cao bờ bao xung quanh vườn nhà, cao hơn so với mặt nước hiện tại khoảng 1,5m và đã thực hiện hoàn thành cao trình hơn 1 tháng quá. Cùng với đó cũng đã chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ cần thiết như: máy bơm… sẵn sàng khi địa phương bắt đầu thực hiện xả lũ, để góp phần phòng, tránh được những thiệt hại về tài sản, xả lũ nhưng không làm ảnh hưởng đến vấn đề sản xuất của gia đình.

Theo đó, thực hiện sự chỉ đạo của địa phương, Tổ nông nghiệp xã cũng đã tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch xả lũ và giám sát việc thực hiện kế hoạch trong các ngành, đoàn thể và ban ấp. Chỉ đạo theo dõi thường xuyên tình hình chuyển đổi của nông dân trong vùng xả lũ.

Đối với hội nông dân và ban ấp, phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xả lũ và vận động nhân dân trong vùng thực hiện. Triển khai vận động hộ dân trồng cây ăn trái, khi lên líp trồng phải đảm bảo cao trình chống lũ, đồng thời có phương án chủ động xây dựng vành đê bao để bảo vệ diện tích sản xuất của mình.

Cùng với đó, địa phương cũng đã chỉ đạo cập nhật danh sách những hộ dân có diện tích đổi trong tiểu vùng xả lũ, cần xác minh rõ ràng, cụ thể và lập biên bản đối với những hộ chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch của UBND xã. Khi thời gian cho phép xả lũ bắt đầu, chỉ đạo đề nghị cán bộ giao thông-thuỷ lợi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và nguồn nước… để có giải pháp ứng phó kịp thời. Xác định mực nước duy trì trong vùng xả lũ, đồng thời phối hợp với các ban ấp thường xuyên theo dõi, kiểm soát mực nước trong vùng xả lũ, đảm bảo an toàn hệ thống đê bao và tài sản của người dân. Phối hợp, chỉ đạo các Tổ hợp tác, Hợp tác xã thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng hệ thống trạm bơm và đảm bảo vận hành tốt trong việc điều tiết nước khi xả lũ.

Căn cứ vào nhiệm vụ được phân công, do tình hình thời tiết và lụt bão diễn biến thường rất phức tạp, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã cũng lãnh, chỉ đạo các ngành, các ấp chuẩn bị kế hoạch cụ thể, thường xuyên tổ chức kiểm tra để công tác xả lũ, phòng chống lụt bão năm 2023 đạt được hiệu quả, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân có thể xảy ra.

 

Nguyễn Kim

các tin khác