Kinh tế

Hướng tới chính sách thuế bền vững trong khu vực ASEAN

12:14 26/06/2020

    

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, đây chính là thời điểm ASEAN và các nước thành viên tăng cường hợp tác và thống nhất với nhau về tiêu chuẩn tối thiểu chung đối với ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong khu vực.

 

Responsive image

 

Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: M.P) 

     Chiều 25/6, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) được công bố tại Hội thảo “Hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN – Trường hợp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp"
Theo nghiên cứu của VERP, mặc dù các quốc gia thành viên ASEAN đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên hầu hết lại ghi nhận mức thu ngân sách tương đối thấp. Điều này là do trong khi phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), các nước này đang dần mất đi các khoản thu ngân sách khổng lồ thông qua việc cung cấp ưu đãi thuế lớn cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

     Thực tế đáng lo ngại nhất là việc thiếu hụt ngân sách cho các khoản chi này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực vẫn đang đối mặt với áp lực tài khóa. Hầu hết các nước thành viên ASEAN đều có mức thâm hụt ngân sách trong một thời gian dài. Malaysia, Myanmar, và Lào đều thâm hụt ngân sách trong tất cả các năm của giai đoạn 2000-2020 (21 năm). Việt Nam, Campuchia, Indonesia, và Philippines có từ 17 đến 20 năm thâm hụt ngân sách trong giai đoạn này. Chỉ tính riêng năm 2018, sáu quốc gia thành viên ASEAN có mức thâm hụt ngân sách lớn và một số quốc gia ghi nhận mức nợ công cao. Tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài và nợ công cao sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể khi các nước tăng chi tiêu để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Các nước ASEAN dự kiến phải đối mặt với thâm hụt ngân sách với tỷ lệ trung bình 4,2% GDP năm 2020.

     Đáng chú ý, nghiên cứu của VERP chỉ ra rằng, cũng giống như nhiều khu vực khác trên thế giới, các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn đối với các nhà đầu tư. Trong 10 năm qua, thuế suất trung bình thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực đã giảm từ mức trung bình 25,1% năm 2010 xuống còn 21,7% năm 2020. 

     Với thực trạng một số nước thành viên áp dụng thời gian ân hạn thuế lên tới 20 năm và các ưu đãi lớn khác dựa trên lợi nhuận, mức thuế suất trung bình thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp giảm 9,4%. Điều này khiến ASEAN trở thành một trong những khu vực có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp sau ưu đãi thuế thấp nhất trên thế giới. Cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi dịch chuyển lợi nhuận. 

     VERP chỉ ra rằng, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, và Malaysia ước tính mất ít nhất từ 6-9% doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp do hành vi chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Không có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy ưu đãi thuế làm tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại ASEAN, thậm chí thực tế còn ngược lại. Hầu hết các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại ở ASEAN không nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn, mà thay vào đó được sử dụng để khỏa lấp những yếu kém trong năng lực quản trị và cơ sở hạ tầng, và đáp ứng mong muốn ngắn hạn của các nhà đầu tư bằng cách cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức tối thiểu. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế thậm chí đã tạo ra môi trường đầu tư không công bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

     Để giải quyết thực trạng trên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng VEPR đây chính là thời điểm ASEAN và các nước thành viên tăng cường hợp tác và thống nhất với nhau về tiêu chuẩn tối thiểu chung đối với ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong khu vực. Các Chính phủ cần ngăn chặn các thực hành thuế có hại gây thất thu ngân sách, mất đi nguồn lực để đầu tư cho các dịch vụ công thiết yếu và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nước thành viên.

     Bên cạnh đó, nhằm hướng tới mục tiêu quản trị tốt và minh bạch, các quốc gia nên thực hiện đánh giá lợi ích và chi phí của các chính sách ưu đãi thuế như một điều kiện tiên quyết trước khi phê duyệt các ưu đãi thuế đó. Khi được chấp thuận áp dụng, cơ quan nhà nước (tốt nhất là cơ quan thuế) phải thường xuyên giám sát tác động của các ưu đãi thuế này bằng các cuộc đánh giá giữa kỳ để xem kết quả thực hiện có đáp ứng với kỳ vọng của chính sách hay không…/.

Thanh Cao (sưu tầm)

các tin khác