Kinh tế

Cần bước đột phá trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

02:20 04/11/2020

    

Theo đại biểu Quốc hội Cao Đình Thường (Phú Thọ), về lâu dài nên có các chính sách phù hợp, không để tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến tìm kiếm thị trường, cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà, rào cản cho doanh nghiệp…

 

     Chiều 3/11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng.

     Mở đầu phiên họp chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã xem video clip báo cáo kết quả giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. 

     Có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp theo hướng kích cầu 

     Là đại biểu phát biểu đầu tiên, đại biểu Quốc hội Cao Đình Thường (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ đánh giá kết quả việc thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng sâu do tác động của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt các doanh nghiệp, người lao động trực tiếp vì theo báo cáo tiến độ thực hiện hiện quá chậm. Chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang cho thấy nhiều bất cập, lúng túng trong việc thực thi, ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhóm đông đảo nhất cần hỗ trợ lại là nhóm tiếp cận khó nhất. Đây chính là nhóm động lực của năm 2021. 

     “Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho đến giữa tháng 9 chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ này. Nguyên nhân của tình trạng trên phải chăng đó là sự ngại ngùng, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai khiến tiến độ bị chậm trễ?”. Đại biểu đặt câu hỏi.

     Cũng theo ĐB Cao Đình Thưởng, “việc hỗ trợ trực tiếp chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, giải pháp tình thế, còn về lâu dài nên có các chính sách phù hợp, không để tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến tìm kiếm thị trường, cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà, rào cản cho doanh nghiệp”.

Responsive image

 

  Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thường (Phú Thọ) 

     Đồng thời, cần khuyến khích các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp theo hướng kích cầu. Nếu không có bước đột phá trong cải cách hành chính, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sang năm 2021 không những không giúp cho các doanh nghiệp giảm được chi phí khó khăn mà còn kìm hãm sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp, gây khó khăn cho thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp 5 năm. Vì đây là đối tượng và động lực chính trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

     Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh do tác động dịch bệnh. Thời gian vừa qua, Chính phủ ban hành nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, như tín dụng, chính sách về thuế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động, nhân dân. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này đến nay còn hạn chế. Do đó, Chính phủ cần đánh giá một cách đầy đủ các chính sách đã ban hành, các kết quả đạt được, những hạn chế, đánh giá hiệu quả từng gói hỗ trợ và đánh giá tình hình doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh sâu rộng, toàn diện để có chính sách phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực để phát huy hiệu quả chính sách đã quyết định.

     Quyết liệt, hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước 

    Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nêu con số: Năm 2021, nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỷ đồng, với nghĩa vụ trả nợ càng lớn. Dù dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 41,6% GDP đánh giá lại và khoảng 56,8% GDP chưa đánh giá lại, chưa vượt trần, nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể vượt mức 27,4% so với nợ công ngày 31.12.2016, thì tăng 56,6%, bình quân mỗi năm tăng 11,32%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. 

     Với tốc độ tăng như vậy, ĐB Nguyễn Minh Sơn cho rằng, rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất sẽ cao hơn, một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách, mặt khác tiềm ẩn rủi ro với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách giai đoạn tới gặp khó khăn. Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị cần có giải pháp đặc biệt quyết liệt, hiệu quả và tiết kiệm hơn trong sử dụng nguồn vốn này. 

     Đề cập đến kế hoạch phát triển 5, 10 năm tới, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho hay: Chúng ta đã có những khát vọng phát triển được lượng hóa với những mục tiêu: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Do vậy, nền kinh tế phải "chuẩn bị cho chặng bay mới, có người gọi  đây là Đổi mới lần 2 để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, gia nhập đội ngũ các nước phát triển. Vì vậy giai đoạn 5 năm tới có ý nghĩa quyết định”.

     "Nếu như loay hoay không cất cánh được hoặc cất cánh mà không đủ tốc độ, cao độ thì sau 10 năm, Việt Nam sẽ khó duy trì được tăng trưởng", đại biểu nhận định. 

     Để chuẩn bị cho giai đoạn tới, đại biểu Nghĩa cho rằng Chính phủ phải giải quyết hàng loạt bài toán về tăng trưởng, tài chính ngân sách, bảo vệ chủ quyền, nhà nước pháp quyền và đảm bảo quyền cũng như huy động sức dân. Trong đó, một yếu tố quan trọng là Việt Nam phải xây dựng những giải pháp, kế hoạch hành động đề án khả thi, khoa học trong điều kiện bình thường mới khi những vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp. Điều đó đòi hỏi cần đổi mới cách đặt mục tiêu cũng như cơ chế, giải pháp thực hiện. Cùng với đó, trong giai đoạn tới đây Việt Nam phải đón đầu tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững và tự chủ…/.

Thanh Cao ST Báo điện tử ĐCSVN

các tin khác