Kinh tế

Bình Thủy phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp chất lượng

10:01 07/09/2023

    

Bình Thủy là xã có toàn bộ diện tích nằm trên cù lao Năng Gù được bao bọc bởi sông Hậu ở phía bắc và phía đông, xép Năng Gù ở phía tây và phía nam. Diện tích đất tự nhiên là 1.552 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 797 ha chia làm 2 tiểu vùng (tiểu vùng I diện tích 500 ha; tiểu vùng II diện tích 232 ha; còn lại 65 ha là diện tích ngoài đê). Dân số có 4.249 hộ với tổng số nhân khẩu là 17.649 người, trong đó số hộ sống bằng nghề nông chiếm 77%.

 

 

       Từ những điều kiện trên cho biết, Bình Thủy có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, xã Bình Thủy đã tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm; hướng đến tập trung xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp; sản xuất theo quy trình; chú trọng phát triển đa dạng các hình thức quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường lớn trong nước và xuất khẩu,...từ đó hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao.

        Tuy nhiên, để thực hiện được các hoạch định trên, ngoài sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo địa phương, sự vào cuộc của các ngành chức năng thì rất cần ý thức chấp hành của người dân tại địa phương, đặc biệt là sự thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của bà con. Để hiểu hơn về vấn đề này, đồng chí Bùi Thị Ngọc Lê - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Việc thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của nông dân trên địa bàn xã là một việc làm hết sức quan trọng, không phải trong một ngày một buổi là hoàn thành, mà cần phải có thời gian để nông dân được thích nghi với môi trường sản xuất mới. Thực tế cho thấy, phần lớn tập quán sản xuất của nông dân dựa vào kinh nghiệm là chính, cho nên sản phẩm trồng ra thường không đạt chất lượng, dẫn đến bị ép giá dẫn đến thu nhập thấp. Do vậy, UBND xã đã và đang định hướng, xây dựng phương án trình cho Đảng ủy để có chỉ đạo chung trong toàn hệ thống chính trị, cho các hội đoàn thể cùng vào cuộc.

 

        Ngoài ra, UBND xã sẽ phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn của huyện để tạo đầu ra khác đảm bảo hơn cho vùng sản xuất rau màu của địa phương".

         

         Bên cạnh đó, để giúp cho bà con nông dân nắm và hiểu rõ về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói,...Hội Nông dân xã còn phối hợp Trạm trồng trọt bảo vệ thực vật huyện Châu Phú tổ chức tập huấn quy trình thiết lập và giám sát cấp mã số (CODE) vùng trồng và cơ sở đóng gói cho hơn 30 nông dân trên địa bàn xã. Qua đó, bà con nông dân được giới thiệu các quy định chung về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo tiêu chuẩn, các quy định chung về kiểm dịch thực vật và kiểm soát an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.

         

        Ngoài ra, bà con nông dân còn được hướng dẫn cách ghi chép sổ nhật ký canh tác, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; đặc biệt, bà con nông dân còn được hướng dẫn sử dụng thuốc sinh học, thuốc thảo mọc và nhóm thuốc có độ độc thấp, thời gian phân hủy nhanh, gắn với việc thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên đồng ruộng, nhằm góp phần từng bước bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn.

         Mới đây, Tổ Khuyến nông cộng đồng xã còn tổ chức xét công nhận sản phẩm OCOOP đạt tiêu chuẩn 3 sao đối với 2 loại sản phẩm "Mít sấy" và "Rau củ sấy". Đây được xem là định hướng nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

          

       Tin rằng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao, Bình Thủy sẽ phấn đấu xây dựng được nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo./.

 

Kim Thúy

các tin khác