Kinh tế

Nhà vườn Thạnh Mỹ Tây thu hoạch bưởi bán Tết Canh Tý 2020

03:27 24/12/2019

    

Còn chưa đầy 01 tháng nữa là đến Tết Canh Tý 2020, chúng tôi có dịp trở lại ghé thăm gia đình ông Lê Văn Sang (tên thường gọi là Út Nhật) ngụ ấp Thạnh Hòa, là một trong những gương điển hình đi đầu về mô hình chuyển đổi cây trồng thành công từ mô hình bưởi da xanh.

 

     Đúng vào dịp Tết, theo chân ông, chúng tôi có dịp tham quan vườn bưởi da xanh, ruột hồng xanh tươi, sai trĩu quả rộng khoảng 4.000 mét vuông, với 200 gốc bưởi được ông trồng đến nay vừa tròn 5 năm tuổi. Dự kiến dịp Tết Nguyên Đán năm nay, vườn bưởi của gia đình sẽ cho thu hoạch khoảng hơn 2 tấn trái, mỗi trái bưởi đến thời kỳ thu hoạch, trọng lượng bưởi loại 1 phải đạt từ 1,3 kilôgam trở lên thì mới đạt yêu cầu và hiện đã được thương lái bao tiêu thu mua toàn bộ sản lượng bưởi với giá 50.000 đồng/kg. 

Responsive image
 

     Là một trong số những nhà vườn ở địa phương đi đầu thành công từ mô hình trồng bưởi da xanh, ông Lê Văn Sang phấn khởi cho biết: Để có được những trái bưởi to tròn và đẹp, chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng, không chỉ trong dịp Tết, nhà vườn như ông đã phải bỏ ra biết bao công sức, mới có được kết quả như vậy. Cũng tại thời điểm này, thị trường tiêu thụ bưởi rất mạnh, bởi trong số những loại trái cây được chọn chưng trong mâm ngũ quả ngày Tết, quả bưởi luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, thường thương lái đến tại vườn thu mua, giá cả thì tăng vọt, vào dịp Tết có khi tăng gấp đôi so với ngày thường, sau khi trừ chi phí đầu tư, ước tính nông dân thu lợi nhuận khá cao. 

Responsive image
 

     Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng. Được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thạnh Mỹ Tây nói riêng và huyện Châu Phú nói chung đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng một số loại cây ăn trái như: cam sành, quýt đường, xoài, mít, bưởi da xanh v.v… đến nay đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế khá cao so với trồng lúa, trong đó ông Lê Văn Sang một trong những hộ gia đình tiêu biểu, thành công từ mô hình này. Qua lời ông kể, được biết: Hiện 4.000 mét vuông đất đang canh tác trồng bưởi của gia đình, trước đây vốn dĩ chỉ là đất trồng lúa cho thu nhập thấp, rồi từ lúa ông mới chuyển đổi sang làm rẫy nhưng thu nhập cũng chẳng mấy khấm khá hơn, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, cuối cùng ông mới quyết định chuyển sang trồng cây ăn trái. Với đầu óc nhạy bén “Dám nghĩ dám làm”cộng với nghị lực và quyết tâm vượt khó, tự mài mò học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ thực tế, thành công từ mô hình bưởi da xanh đã tạo điều kiện cho gia đình ông thay đổi cuộc sống từ chính trên mảnh đất của mình.

     Theo số liệu thống kê, đến nay toàn xã đã vận động chuyển đổi canh tác được khoảng 125 hécta/130 hécta theo chỉ tiêu huyện giao từ đây đến giai đoạn năm 2020, trong đó có 260 hộ dân tham gia chuyển đổi từ lúa sang trồng cây ăn trái. Phải nói rằng: Hiệu quả từ việc chuyển đổi đất lúa sang trồng bưởi da xanh của người dân đã dần mở ra một triển vọng mới trong sản xuất, do giá cả luôn giữ ở mức ổn định, cho thu nhập cao hơn hẳn những loại cây ăn trái khác và có thể cho trái quanh năm, vì vậy cây bưởi da xanh hiện nay rất thu hút và hấp dẫn đối với người dân. Do vậy, để hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật cho nông dân, gắn bó lâu dài với nghề làm vườn, nhất là các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả, địa phương cũng đã phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật làm vườn cho hộ dân. Ùng với những chủ trương hợp lý và với cách làm hiệu quả, sẽ góp phần mở ra hướng đi mới bền vững cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển ổn định đi lên./.

Nguyễn Kim - Đài Truyền thanh huyện Châu Phú

các tin khác