Kinh tế

Châu Phú đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

01:47 22/06/2023

    

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện Châu Phú đã chủ động và tích cực phối hợp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ cho hội viên nông dân. Các hoạt động này đã giúp hội viên, nông dân có điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, góp phần củng cố, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

 

Cụ thể, trong hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân. Thực hiện Đề án xây dựng và phát triển quỹ Hỗ trợ nông dân, trong nhiệm kỳ Hội đã thẩm định, phát vay 32 dự án với tổng số tiền 03 tỷ 281 triệu/82 hộ. Hội cơ sở cùng với Ngân hàng xuống địa bàn kiểm tra, giám sát, đối chiếu việc vay vốn của bà con, việc thu lãi, làm hồ sơ vay vốn cho nhân dân, thu nợ đúng đối tượng, đúng thời gian, vận động các thành viên trong tổ tiết kiệm vay vốn gửi tiết kiệm,.. Toàn huyện hiện có 102 tổ, 4.665 hộ, dư nợ 95 tỷ 704 triệu đồng, nợ quá hạn 380 triệu đồng chiếm 0,34%.

Trong tổ chức đào tạo nghề cho nông dân, Huyện Hội và các xã – thị trấn phối hợp cùng Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ Hội Nông dân tỉnh, Phòng Lao động-Thương binh và xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang, mở được 62 lớp dạy nghề theo quyết định 1956 về kỹ thuật trồng và làm vườn cây ăn quả, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi dê, nuôi lươn…. Cấp chứng nhận cho 1.430/500  học viên; 02 lớp sơ cấp có 125 nông dân tham dự. Giải quyết việc làm cho 95% lao động. Hội phối hợp với ngành nông nghiệp huyện triển khai kế hoạch mở mới 62 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất theo chương trình Dự án VnSAT tại các xã, thị trấn.

 

Trong hoạt động cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, các cấp Hội trong huyện tích cực phối hợp với các công ty bảo vệ thực vật tổ chức hội thảo tuyên truyền cho bà con nông dân sử dụng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Phối hợp với công ty Quản Nông Xanh và công ty Đức Thành tổ chức Hội thảo và trình diễn máy bay phun thuốc siêu nhẹ điều khiển từ xa. Phối hợp Trung tâm dạy nghề hỗ trợ nông dân tổ chức hội thảo phân hữu cơ của công ty Viễn Khang, công ty Phân bón Bình Điền, Mê Kong tại các xã trong huyện.

Tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận, ứng dụng khoa học, công nghệ, Hội Nông dân huyện và các xã – thị trấn kết hợp cùng các ngành chuyên môn cấp huyện, cán bộ kỹ thuật viên nông nghiệp và các công ty: VFC, Tân Thành, Lộc Trời, Bayer, Thôn Trang, Hóa Nông Lúa Vàng, Tấn Hưng, Phú Nông, Hợp Trí, H.A.I,….tổ chức hội thảo, khuyến nông và cấm bảng trình diễn các mô hình sản xuất chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được 135 cuộc với khoảng 7.090 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Xây dựng Kế hoạch phối hợp cùng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện tổ chức đoàn tham quan mô hình ứng dụng Công nghệ cao, chuỗi giá trị liên kết, ứng dụng hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Kết hợp với các công ty tổ chức 63 cuộc hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật có 1.871 lượt nông dân tham dự. Phối hợp với Ban kinh tế Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa Nhật và chuỗi liên kết giá trị lúa gạo.

 

Phối hợp phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện và UBND xã Ô Long Vĩ triển khai dự án quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái tập trung và tổ chức triển khai công tác Hội Nông dân huyện tham gia tuyên truyền, vận động nông dân tham gia chuỗi giá trị liên kết cánh đồng lớn vụ Hè Thu trên địa bàn huyện. Phối hợp tổ chức tư vấn cho 60 cán bộ, hội viên về kỹ thuật trên cây xoài, kỹ thuật trên cây nhãn, ếch, cá và trên rau màu ở xã Khánh Hòa. Trình diễn 03 mô hình, trong đó: mô hình gà thịt ở xã Thạnh Mỹ Tây và trình diễn 02 mô hình vịt trứng ở xã Bình Long, Khánh Hòa chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Tham dự họp dân triển khai lấy ý kiến chính sách hỗ trợ cho nông dân thực hiện Dự án đầu tư hệ thống thủy lợi sản xuất Nhãn xuồng ứng dụng công nghệ cao xã Khánh Hòa.

Phối hợp cùng Trung tâm xúc tiến Thương mại Bộ Nông nghiệp tổ chức chương trình “Nhịp cầu nhà nông” và chương trình “Bác sĩ nông học” tại huyện. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia nông nghiệp các cơ quan như: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam; Các chuyên gia Giảng viên cao cấp Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang. Qua chương trình cung cấp nhiều kiến thức, giải đáp nhiều thắc mắc của nông dân về sản xuất, chăn nuôi; một số bệnh hại và biện pháp phòng trừ.

 

Trong hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, Hội phối hợp với Bưu điện để đưa sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Hỗ trợ Công ty Cổ phần Trang Trại Sạch xây dựng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùng quế và bao tiêu sản phẩm. Phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn nông dân đăng ký thương hiệu sản phẩm trên vườn cây ăn quả như nhản xuồng, sầu riêng,.. Hỗ trợ nông dân đăng ký giấy phép kinh doanh, logo và đề nghị cấp chứng nhận đạt chuẩn OCOP cho 12 sản phẩm. Phối hợp phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện tổ chức họp dân làm việc về liên kết tiêu thụ lúa với tập đoàn Lộc Trời tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện

Từ các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, các chương trình phối hợp và tập huấn về khoa học kỹ thuật, học tập các mô hình, dự án... đã tác động tích cực giúp hội viên nông dân chuyển biến nhận thức, khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đây thật sự là hướng đi đúng của hội, là những việc làm thiết thực để thu hút và tập hợp nông dân vào hội. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện cùng các cấp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất; phối hợp doanh nghiệp tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, kiến thức về kinh tế, thị trường, quản lý kinh doanh, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế bền vững.

Trúc Mai

các tin khác