Thời sự - Xã hội

Không kỳ thị người nhiễm Covid 19

05:54 19/11/2021

    

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 với biến thể Delta lây lan rất nhanh, nỗi lo của bệnh nhân khi không may bị nhiễm Covid 19 hoặc bị cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung hay tại nhà vì là F1, F2 do tiếp xúc gần với người bệnh không chỉ là sức khỏe của mình, của gia đình, người thân mà còn là sự kỳ thị của những người xung quanh, của hàng xóm láng giềng. Thay vì được chia sẻ, cảm thông và được giúp đỡ vì chẳng may bị nhiễm Covid, người bệnh còn phải chịu lời ra tiếng vào bởi một bộ phận người dân do chưa hiểu rõ về cơ chế lây lan dịch bệnh hoặc vì họ lo lắng thái quá mà đã có hành vi, thái độ kỳ thị gây tổn thương đến tinh thần của người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid 19.

 

Responsive image
 

Trên phạm vi cả nước, dịch Covid 19 nguy hiểm và phức tạp khó lường bởi những cas nhiễm tăng nhanh từng ngày trong thời gian gần đây, nhưng rõ ràng tâm lý hoang mang lo lắng và sự kỳ thị đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phòng chống dịch khi chúng ta để sự sợ hãi, kỳ thị tác động đến lời nói và hành động. Không ai có lỗi khi đại dịch COVID-19 bùng phát và tất cả chúng ta phải cùng nhau đoàn kết để kiểm soát hiệu quả đại dịch này. Có thể nói bất kỳ ai trong mỗi chúng ta cũng có thể bị nhiễm Covid 19 nếu chúng ta không tuân thủ thật tốt các biện pháp phòng chống dịch như thực hiện triệt để khuyến cáo 5K của bộ y tế và tiêm vaccine phòng ngừa Covid 19.

     Tại huyện Châu Phú, khi thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính Phủ, cùng với “làn sóng” người dân từ các vùng có dịch như Thành phố Hồ Chi Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở về quê đã làm gia tăng số lượng người nhiễm Covid 19. Tính đến giữa tháng 11 năm 2021 số người dương tính với Sars- Cov 2 tại huyện Châu Phú đã trên 1.200 trường hợp, trong đó số dương tính về từ các tỉnh gần 200 cas; trong khu cách ly, phong tỏa gần 800 cas và trong cộng đồng cũng khoảng 200 trường hợp. Nhằm giảm tải hệ thống giường bệnh, nhân lực y tế, các tổ chuyên môn, an ninh trật tự, phục vụ hậu cần… tại các cơ sở điều trị COVID-19 trong huyện, để ngành y tế tập trung nguồn lực điều trị người mắc bệnh COVID-19 ở mức độ nhẹ, trung bình và nặng có hiệu quả, Châu Phú đã có chủ trương cách ly điều trị tại nhà đối với trường hợp F0 không triệu chứng trên cơ sở thực hiện hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 không triệu chứng tại nhà của Sở Y tế. Trước đó ngày 1/11, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản thống nhất đề xuất của Sở Y tế triển khai cách ly điều trị tại nhà các F0 không triệu chứng. Đây chính là thời điểm thích hợp nhắc nhở lẫn nhau làm thế nào để trở thành những người hàng xóm tử tế, hãy đối xử tốt với người khác và cư xử với mọi người bằng sự tôn trọng đặc biệt đối với những người bị nhiễm Covid 19. 

      Tất nhiên chúng ta thấy rằng mỗi người bị nhiễm bệnh hoặc liên quan đến bệnh nhân covid 19 đều phải có trách nhiệm khai báo trung thực đầy đủ thông tin về y tế như các trường hợp tiếp xúc và lịch trình di chuyển phục vụ cho công tác truy vết, nhưng không có nghĩa là những thông tin này được đưa công khai lên mạng xã hội hoặc các cơ quan truyền thông bởi vì điều này sẽ tạo tâm lý lo sợ đối với những người đã có tiếp xúc với F0, F1 hoặc F2.

      Pháp luật đã qui định rất rõ ràng về tôn trọng bảo vệ đời tư cá nhân người bệnh, không phải báo chí hay cơ quan truyền thông có quyền đưa thông tin về bất kỳ cá nhân nào. Theo đó, phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hành vi cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Quan trọng hơn cả là hướng đến lành mạnh hóa môi trường mạng, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và mỗi người dân. Do vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức, rèn luyện hành vi đạo đức. Khi hoạt động trên không gian mạng cũng phải có suy nghĩ và hành vi ứng xử tương ứng, thống nhất với cuộc sống đời thực; có trách nhiệm lời nói và hành vi của chính mình; tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để kiểm chứng, không đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý; không chia sẻ nội dung thông tin xấu, độc... gây hiểu lầm, hoang mang dư luận. Như vậy mọi hành vi vi phạm của công dân đều có qui định của pháp luật để chế tài. Mỗi người trong chúng ta hãy làm tròn nhiệm vụ của mình trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, những quan hệ đối xử cần phải tế nhị hơn nhất là đối với những người không may nhiễm bệnh hay những người trở về từ vùng có dịch bệnh phức tạp. Hãy xử sự với nhau bằng sự cảm thông chia sẻ và lòng nhân ái để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid 19, để “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19” sớm đưa mọi sinh hoạt trở lại trạng thái bình thường mới trong đời sống xã hội./.

Lan Thanh

các tin khác