Thời sự - Xã hội

Chủ động thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch hại trên lúa vụ Hè Thu

06:37 04/07/2022

    

Tính đến nay, toàn huyện Châu Phú đã xuống giống lúa vụ Hè Thu 2022 dứt điểm với diện tích 31.673,6 ha/32.726 ha, đạt 96,78% kế hoạch. Lúa ở giai đoạn làm đòng, trổ và ngậm sữa... Hiện trên các trà lúa đang xuất hiện một số dịch hại như chuột, sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn lá, cháy bìa lá, lem lép hạt… gây hại nhẹ đến trung bình. Ghi nhận diện tích nhiễm muỗi hành, sâu đục bẹ, bệnh vàng lùn, rầy cánh trắng xuất hiện rãi rác tại các xã.

Để chủ động phòng, chống các đối tượng gây hại trên cây trồng trong vụ mùa, ngành Nông nghiệp huyện và các địa phương đang tích cực kiểm tra, thăm đồng, phát hiện sớm các đối tượng gây hại trên lúa, giúp nông dân chủ động các biện pháp phòng trừ, bảo vệ tốt cây trồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ năng suất, sản lượng. Theo dõi chặt chẽ các đối tượng dịch hại như: rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn, muỗi hành và các dịch hại khác, không để dịch bệnh bùng phát gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất và hướng dẫn nông dân khắc phục kịp thời diện tích bị thiệt hại nếu có.

Đối với dịch hại rầy cánh trắng đang xuất hiện rãi rác tại các xã, ông Nguyễn Văn Hiền - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết: “Vụ Hè thu năm 2022, dịch hại muỗi hành gây hại ở mức độ nhẹ, có xuất hiện rầy cánh phấn. Tuy nhiên, hiện nay rầy cánh phấn chỉ là dịch bệnh thứ yếu, chứ không phải chủ yếu. Bởi rầy cánh phấn phát triển trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cho nên chủ yếu gây hại ở cuối vụ Đông xuân và đầu vụ Hè thu. Thời gian gần đây mưa nhiều, rầy cánh phấn không còn đáng lo ngại. Vì vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân không nên dùng thuốc hóa học để phòng trừ rầy cánh phấn. Nông dân chỉ cần quan tâm bón phân cân đối, cộng với thời tiết có mưa nhiều, rầy cánh phấn sẽ tự nhiên giảm mật độ, không nên sử dụng thuốc hóa học tốn kém chi phí”.

Trong điều kiện thời tiết ban ngày nắng nóng, chiều và tối có mưa rào; một số diện tích xuống giống muộn... là điều kiện thuận lợi cho một số dịch hại có khả năng phát sinh và gây hại mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là trên các giống lúa nhiễm sâu bệnh nhiều như OM 18, OM 5451, Đài thơm 8 và ở những ruộng còn tập quán gieo sạ dày, bón thừa phân đạm. Nếu không được thăm đồng thường xuyên; theo dõi, phát hiện và có biện pháp phòng trừ kịp thời, có khả năng ảnh hưởng đến năng suất lúa của nông dân.

Lưu ý một số vấn đề nông dân cần quan tâm từ đây đến cuối vụ để đảm bảo năng suất, sản lượng và lợi nhuận cho vụ mùa, ông Nguyễn Văn Hiền - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV thông tin: “Với điều kiện thời tiết như hiện nay, ngành Nông nghiệp dự báo đến nông dân cần quan tâm một số đối tượng từ đây đến cuối vụ như: bệnh cháy bìa lá có khả năng gây hại cục bộ ở các ruộng thừa phân; bệnh lem lép hạt, do điều kiện thời tiết ẩm độ cao, mưa nắng bất thường bệnh lem lép hạt có khả năng sẽ xuất hiện và gây hại trên các diện tích lúa của nông dân trong thời gian tới. Đặc biệt, nông dân cần quan tâm sử dụng thuốc theo 04 đúng và giữ thời gian cách ly, để đảm bảo an toàn cho nông sản sau thu hoạch, giúp mang đến một vụ mùa thắng lợi”.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, để bảo vệ cây trồng, bà con nông dân cần kiểm tra, thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa hè thu. Mặt khác, các ngành, địa phương cần thường xuyên cập nhật thông tin dự báo sinh vật hại lúa từ cơ quan chuyên môn để chủ động hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.

Trúc Mai

các tin khác