Thời sự - Xã hội

Phòng và điều trị đau mắt đỏ sau mưa lũ

12:06 14/10/2021

    

Đau mắt đỏ là căn bệnh dễ mắc nhất là khi thời tiết chuyển mùa, sau mưa lũ do tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như virus, hóa chất, môi trường nước bẩn tù đọng... Vậy nguyên nhân nào gây bệnh, cách phòng và điều trị như thế nào?

 

     1. Tại sao đau mắt đỏ dễ mắc sau mưa lũ?

     Vào ngày mưa bão, lượng nước dồn nhiều, có nơi ngập úng dẫn đến việc tất cả các tác nhân độc hại cho sức khỏe như chất thải, hóa chất, vi sinh vật đáng lẽ không được tiếp xúc với con người thì lại xuất hiện xung quanh đời sống người dân do thiếu và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

     Do vậy nước nhiễm bẩn là môi trường lây lan bệnh dễ dàng nhất. Vì vậy cần phòng ngừa đúng cách và khoa học để không ảnh hưởng tới thị giác.

Responsive image

Đau mắt đỏ là căn bệnh dễ mắc sau mưa lũ.

     2. Các nguyên nhân gây đau mắt đỏ thường gặp

     - Virus: Adenovirus là nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất chiếm tới 80% các trường hợp.

     - Vi khuẩn: Các vi khuẩn Staphylococus, Hemophilus Influenza… là tác nhân đứng thứ 2 sau virus.

     - Dị ứng hóa chất, chất thải, bụi bẩn… chiếm từ 15 - 40% các trường hợp, khó xác định chính xác tác nhân gây bệnh vì đôi khi là tổng hợp của nhiều tác nhân và phản ứng tùy cơ địa người bệnh.

     3. Triệu chứng của đau mắt đỏ

     - Ban đầu xuất hiện đỏ mắt nhiều mức độ.

     - Sau đó mắt bị kích thích cộm, ngứa, chảy nước mắt, xuất hiện cảm giác dị vật như có cát, bụi trong mắt.

     - Mi mắt có thể phù nề hay không, ghèn vàng xuất hiện nhiều vào buổi sáng gây khó mở mắt, đôi khi ra nhiều lần trong ngày, vệ sinh mắt một vài tiếng lại thấy xuất hiện.

     - Nếu đau mắt đỏ không được điều trị đúng, kịp thời có thể dẫn tới viêm giác mạc gây giảm thị lực.

     4. Điều trị đau mắt đỏ

     Đau mắt đỏ chủ yếu là điều trị triệu chứng, ở vùng lũ thiếu thốn thuốc men nhất là vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa thì có thể sử dụng trước kháng sinh phổ biến dễ mua nhất như: Chloramphenicol 0,4%, Gentamycin 0,3% ngày 4 - 5 lần.

     Nếu không thuyên giảm thì cần đi khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa mắt, dùng nhóm kháng sinh phổ rộng như nhóm Quinolon, có thể cân nhắc thêm thuốc Corticoid tra liều thấp để giảm triệu chứng viêm và theo dõi diễn biến bệnh trên máy sinh hiển vi khám bệnh để điều trị bệnh hiệu quả, an toàn.

Responsive image

Nếu chẳng may bị nước bẩn bắn vào mắt cần dùng nước muối sinh lý tra rửa nhiều lần để rửa trôi và làm loãng tác nhân gây bệnh.

     5. Cách phòng bệnh đau mắt đỏ

     - Các tác nhân gây đau mắt đỏ rất dồi dào trong nước lũ, nước mưa, nước sinh hoạt tù đọng, nhiễm bẩn vì vậy việc làm sạch và cung cấp nước sinh hoạt trong thời gian sớm để tắm rửa, vệ sinh mắt là một điều tối quan trọng.

      - Nếu chẳng may bị nước bẩn bắn vào ngay sau đó phải chớp mắt tạm thời trong nước sạch nhất đang có.

     - Nếu có nước muối sinh lý thì tra rửa nhiều lần để rửa trôi và làm loãng tác nhân, tránh day dụi mắt gây tổn thương thêm bề mặt nhãn cầu.

     - Bên cạnh đó, việc sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như khăn mặt, chậu rửa, thường xuyên rửa tay với nước sát khuẩn, đeo khẩu trang khi tiếp xúc (do Adenovirus lây qua hô hấp) sẽ hạn chế được lây lan bệnh cho người xung quanh.

     Ngoài ra, để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

     1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

     2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

     3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

     4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

     5. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần được nghỉ ngơi một cách hợp lý, hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

     Như vậy, đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rằm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kép dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần ý thức phòng bệnh một cách tốt nhất và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh./.

Lê Tiên

các tin khác