Thời sự - Xã hội

Thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh An Giang

04:35 31/07/2021

    

Ngày 11/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 498/QĐ-UBND Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2021–2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh An Giang.

 

Responsive image
 

        Mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030:

     Mục tiêu 1:  Phấn đấu đạt mức sinh 1,93 con/phụ nữ vào năm 2025 để đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con) vào năm 2030; quy mô dân số dưới 2 triệu người. Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản. Giảm 40% số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn để đạt 60% vào năm 2030.

     Mục tiêu 2: Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số, duy trì tỷ lệ tăng dân số của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang, cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. 

     Mục tiêu 3: Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý: Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22,7%; Tỷ lệ Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 10,2%; Tỷ lệ phụ thuộc chung đạt 49%. 

     Mục tiêu 4: Về nâng cao chất lượng dân số:  Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 70%; 60% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 80% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; Tuổi thọ bình quân đạt 74,4 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 66 năm; Chiều cao trung bình của người Việt Nam đối với nam đạt 167 cm, đối với nữ đạt 156 cm. 

     Mục tiêu 5: Thúc đẩy phân bố dân số hợp lý, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thúc đẩy đô thị hóa, đưa tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 40%;  Tiếp tục thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. 

     Mục tiêu 6: Hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Có 80% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư của tỉnh; 80% các ngành, các lĩnh vực sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. 

     Mục tiêu 7: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững: 

     + Tiếp tục thực hiện tốt, hướng đến đạt mục tiêu cao hơn các kế hoạch, chương trình về giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, xuất khẩu lao động hiện có; nghiên cứu xây dựng các kế hoạch, chương trình với mục tiêu tăng tối đa số lượng việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo, cải thiện chất lượng việc làm. 

     + Tiếp tục thực hiện tốt, hướng đến đạt mục tiêu cao hơn các kế hoạch, Chương trình, dự án, đề án chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả chăm sóc sức khỏe sinh sản, an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm, …) hiện có. Nghiên cứu xây dựng các kế hoạch, chương trình với mục tiêu đảm bảo mọi người lao động đều được chăm sóc sức khỏe và có sức khỏe tốt. 

     Mục tiêu 8: Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ít nhất 25% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với Người cao tuổi;  100% cơ sở y tế tuyến huyện trở lên có điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho Người cao tuổi. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần/năm; 100% Người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. 

     Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với công tác dân số; đồng thời tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa Chương trình hành động số 49-CT/TU ngày 27/04/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh An Giang; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với sự già hóa dân số; phân bố hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

     Mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, có 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản; duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 1,93 con). Đổi mới và đa dạng hóa các hình thức truyền thông; tiếp tục cuộc thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 02 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới; phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, lồng ghép chính sách dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển, đây cũng là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 được đặt ra./.

Xuân Yên – TTYT huyện

các tin khác