Nông thôn

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân chủ động xuống giống vụ lúa Đông xuân 2022 - 2023 đúng theo lịch thời vụ

05:06 03/12/2022

    

Vụ Đông xuân là chính vụ trong năm, rất quan trọng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Tuy nhiên, năm nay, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp điều kiện thời tiết có nhiều bất lợi cho nông dân như biến đổi khí hậu, nước lũ lớn hơn so với cùng kỳ, cộng với nhiều đợt triều cường, nên nước lũ rút xuống chậm gây chậm trễ, khó khăn cho công tác làm đất, xuống giống của nông dân.

 

Nhằm đảm bảo cho việc sản xuất lúa vụ Đông xuân 2022 – 2023 hiệu quả, hạn chế sâu bệnh gây hại, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chủ động xuống giống lúa đúng theo lịch thời vụ.

Theo kế hoạch, lúa Đông xuân 2022 – 2023, nông dân các xã, thị trấn trong huyện sẽ xuống giống tổng diện tích khoảng 32.200 ha. Thời gian xuống giống bắt đầu từ ngày 01/11/2022 đến ngày 30/12/2022. Tùy vào điều kiện thực tế ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh. Lưu ý trên cùng một tiểu vùng không để nhiều trà lúa đan xen nhau.

 

Khuyến cáo cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiền – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho biết: “Khuyến cáo nông dân xuống giống vụ Đông xuân 2022-2023 trong vòng 02 tháng, bắt đầu từ ngày 01/11/2022 và kết thúc xuống giống vào ngày 31/12/2022. Trong đó, có 02 đợt xuống giống né rầy, đợt 01 từ 15/11 - 26/11/2022 (nhằm ngày 22/10 đến mùng 03/11/2022 âm lịch) và đợt 02 từ 11/12 - 25/12/2022 (nhằm ngày 18/11 đến mùng 03/12/2022 âm lịch). Nông dân nên xuống giống ngay các đợt né rầy để hạn chế tình hình rầy nâu và một số dịch bệnh trên đồng ruộng”.

Trong vụ lúa Đông Xuân 2022 – 2023, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên ưu tiên sử dụng các giống lúa cấp xác nhận và bộ giống chủ lực, như: Đài thơm 8, OM 5451, OM 18 …

Bên cạnh đó, có thể khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống lúa có triển vọng để có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, được đề xuất như sau: Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM 448... tuyệt đối không gieo trồng các giống lúa chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Riêng đối với nhóm giống lúa Japonica (ĐS1, Hana, Kinu... và Nếp: đề nghị các địa phương và bà con nông dân tổ chức liên kết sản xuất khi có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, khi sản xuất phải phù hợp với quy định và gắn với quy hoạch của từng địa phương.

Đồng thời, khuyến cáo trước khi gieo sạ, bà con nên thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng ít nhất hai tuần; đồng thời sử dụng nấm Trichoderma hoặc các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ. Bà con có thể bón lót vôi, phân lân hoặc những loại phân có chứa nhiều Silic giúp cho cây lúa có khả năng chống chịu được điều kiện bất lợi của thời tiết và một số dịch hại khác. Bà con nên áp dụng các biện pháp sạ hàng, sạ thưa, với lượng giống sử dụng không vượt 120 kg/ha. Sau khi gieo sạ bà con nên thăm đồng thường xuyên để theo dõi diễn biến sâu bệnh. Chú ý các đối tượng gây hại chính có thể xuất hiện trong vụ Đông Xuân như bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, muỗi hành, rầy nâu; chuột,.. không để cây lúa bị gây hại, mất sức sẽ kéo dài thời gian sinh trưởng và giảm năng suất sau thu hoạch. Trong quá trình sản xuất, bà con nên phối hợp với các hộ lân cận sử dụng chung các giống lúa có cùng thời gian sinh trưởng để thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý nguồn nước, sâu bệnh; đặc biệt là thuận lợi trong việc thu hoạch đồng loạt, bán tập trung để tăng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Hiền – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang khuyến cáo thêm: “Đặc biệt trong lịch thời vụ, nông dân cần lưu ý tuyệt đối không xuống giống sau ngày 31/12/2022, bởi có khả năng sẽ xảy ra dịch bệnh. Thực tế sản xuất trong những năm vừa rồi, ngành nông nghiệp nhận thấy nếu nông dân xuống giống qua tháng 01/2023, thường sẽ bị muỗi hành rất nhiều và có những diện tích bị cục bộ nặng. Cho nên nông dân tranh thủ, cố gắng xuống giống vụ Đông xuân 2022-2023 đến ngày 31 tháng 12 là dứt điểm. Đồng thời, hiện nay tình hình phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, cộng với biến đổi khí hậu, nông dân nên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà cụ thể là chương trình “03 giảm 03 tăng”; “01 phải 05 giảm” để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, mang đến một vụ mùa thắng lợi cho nông dân”.

 

Trúc Mai

các tin khác