Nông thôn

Châu Phú: Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi

12:13 19/06/2020

    

Để thực hiện tốt các quy định về hoạt động chăn nuôi, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi và việc quản lý Nhà nước về chăn nuôi, hiện ngành Chăn nuôi – Thú Y huyện Châu Phú đang tổ chức thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện. Đối tượng thực hiện kê khai gồm tất cả các tổ chức, cá nhân chăn nuôi.

 

Responsive image
 

     Theo quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi, từ ngày 15/01/2020, tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi. Đối với gia súc có 09 loại phải khai báo, gia cầm 07 loại và động vật khác 12 loại. Cụ thể, về loại vật nuôi gồm trâu, bò, heo nái, heo đực giống, heo thịt, dê, cừu, thỏ, ngựa, gà, vịt, vịt xiêm, ngỗng, cút, bồ câu, đà điểu, hươu sao, chim yến, ong mật, chó, mèo, dông, vịt trời, dế, bò cạp, tằm, trùng quế, rồng đất... Tùy vào loại vật nuôi mà có quy định về số lượng tối thiểu cần thực hiện kê khai. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý. 

     Để tổ chức thực hiện tốt việc kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn, hiện ngành Chăn nuôi và Thú y huyện đang kết hợp cùng các địa phương tổ chức thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền như phối hợp Đài Truyền thanh tuyên truyền về công tác thực hiện kê khai các hoạt động chăn nuôi trên hệ thống loa đài; thông qua các buổi tiếp xúc với người dân; trực tiếp đến từng hộ chăn nuôi hướng dẫn hộ nuôi kê khai; đồng thời, thông tin, tuyên truyền cho mọi người hiểu đúng, ủng hộ và chủ động thực hiện kê khai các hoạt động chăn nuôi trong suốt quá trình chăn nuôi tại hộ gia đình.

     Tại Điều 57 của Luật Chăn nuôi có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020, quy định quyền của tổ chức, cá nhân chăn nuôi như sau: Tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất bị thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật; được hưởng chính sách của Nhà nước có liên quan đến hoạt động chăn nuôi; được tập huấn, đào tạo về chăn nuôi; quảng bá sản phẩm theo quy định của pháp luật; được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến chăn nuôi theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức, cá nhân chăn nuôi có nghĩa vụ: Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định; thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; đảm bảo đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi đó là: “Gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi” (quy định tại khoản 13 Điều 12 của Luật này). 

Trúc Mai

các tin khác