Nông thôn

Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi lươn theo tiêu chuẩn Vietgap

04:42 09/01/2019

    

Từ 2 bàn tay trắng, đang làm việc ở thành phố trở về quê lập nghiệp, trao đổi với chúng tôi, anh Võ Thanh Tâm, ngụ ấp Mỹ Bình, xã Thạnh Mỹ Tây chia sẻ: “Cuộc sống gia đình tôi lúc mới đầu về quê, không có đất sản xuất nên gặp rất nhiều khó khăn. Để cải thiện kinh tế, thấy bà con xung quanh ấp, có rất nhiều hộ nuôi lươn đạt lợi nhuận kinh tế khá cao, vì lẽ đó, tôi hay tin địa phương có phối hợp với ngành chuyên môn huyện tổ chức lớp dạy nghề nuôi lươn cho bà con nông dân nên mạnh dạn đăng ký tham gia học tập kinh nghiệm, để về áp dụng”.
Responsive image

Mô hình nuôi lươn trong bể của hộ anh Võ Thanh Tâm, ngụ ấp Mỹ Bình, xã Thạnh Mỹ Tây

 

Tận dụng khoảng đất trống cặp mé kênh trước nhà, anh tiến hành đầu tư làm 2 bể bạt nuôi lươn, mỗi bể có diện tích từ 20m2 – 22m2. Nguồn con giống được anh thu gom từ những người đặt dớn về thả nuôi, với số lượng 140 kg lươn con giống cho 01 bể nuôi. Thời gian sinh trưởng của lươn kéo dài từ 9- 10 tháng, đến đợt thu hoạch, trừ đi khoảng hao hụt, năng suất trung bình mỗi bể lươn đạt từ 110 kg lươn thành phẩm trở lên. Tính từ năm 2016, anh đã thu hoạch được 2 đợt lươn thành phẩm, với giá dao động lươn loại nhất hiện tại là 175.000 đồng/kg, loại nhì là 147.000 đồng/kg, trừ đi các khoảng chi phí, mỗi năm anh thu lời hơn 40.000.000 đồng.

Theo số liệu thống kê, toàn xã hiện có 2.100 m2 bể nuôi lươn, với 57 hộ nuôi. Ngoài ra, địa phương còn thành lập được 01 tổ nghề nghiệp nuôi lươn theo tiêu chuẩn Vietgap, với diện tích bể nuôi là 822m2. Từ mô hình nuôi lươn truyền thống, nhiều hộ đã áp dụng thành công mô hình nuôi lươn theo tiêu chuẩn Vietgap, trong đó có hộ anh Võ Thanh Tâm.

 Theo anh Tâm, nuôi lươn không khó nhưng phải chú ý tuân thủ đầy đủ các kỹ thuật, tiêu chuẩn Vietgap như: cách chăm sóc, phòng bệnh cho lươn, xử lý môi trường ao nuôi, sử dụng thức ăn cho lươn, sử dụng thuốc v.v….để lươn phát triển to, khỏe, ít bệnh, hạn chế được hao hụt, giúp người nuôi đạt được lợi nhuận cao nhất. So với lươn nuôi theo cách thông thường, lươn nuôi theo chương trình Vietgap sẽ có giá dao động cao hơn từ 5.000đồng/kg-10.000 đồng/kg, lươn thành phẩm còn được Trung tâm giống thủy sản An Giang thu mua, nếu đạt các tiêu chuẩn Vietgap yêu cầu, nên nông dân rất an tâm về đầu ra.

Để phát triển nguồn lươn sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Hướng tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ nuôi lươn truyền thống ở địa phương chuyển đổi sang mô hình nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGap, để giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng lươn thương phẩm. Thật sự, mô hình nuôi lươn đã và đang mở ra một hướng đi mới cho nhiều nông dân ở địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, nhất là những hộ có đất canh tác ít, có thể thay đổi cách làm ăn hiệu quả hơn./.

Nguyễn Kim (Đài Truyền thanh huyện Châu Phú)

các tin khác