Nông thôn

Tăng nguồn lực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

02:30 12/06/2020

    

Việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

 

     Chiều 10/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội làm việc tại Hội trường, cho ý kiến về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). 

     Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần bảo đảm an toàn vốn cho ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động và bất thường thì việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng sức chịu đựng của ngân hàng. Đồng thời, giúp ngân hàng thương mại tăng khả năng huy động vốn, từ đó mở rộng được tín dụng; đặc biệt tín dụng của Agribank thì 70% dành cho nông nghiệp, nông thôn thì đây là yếu tố để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển kinh tế nông thôn, phát triển ngành nông nghiệp bền vững hơn.

     Cũng theo ĐB Trần Hoàng Ngân, chi bổ sung 3.500 tỷ đồng không phải là chi tiêu dùng mà là khoản chi đầu tư và đầu tư phải quan tâm đến yếu tố hiệu quả. Sau khi đọc báo cáo của kiểm toán về Agribank năm 2019 thì tổng tài sản của ngân hàng so với khi mới thành lập tăng 1.000 lần; lợi nhuận trước thuế trên 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế là hơn 11.048 tỷ đồng. Vì vậy, "đầu tư vào đây sẽ hiệu quả và thu hồi vốn được".

Responsive image

 

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: quochoi.vn.

     Đồng quan điểm, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng cần thiết phải tăng vốn điều lệ cho Agribank. 
Theo ĐB Tiến, hiện tại vốn điều lệ của Agribank bị giới hạn khoảng 30.600 tỷ đồng, không được bổ sung trong nhiều năm nay khiến tỷ lệ an toàn vốn của Agribank bị suy giảm và thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của hệ thống tổ chức tín dụng trong nước và sát với ngưỡng tối thiểu bình quân tại Thông tư số 22 của Ngân hàng nhà nước.

     Đồng thời, nếu Agribank không được đầu tư tăng vốn điều lệ thì sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 
Mặt khác, nếu Agribank không được tăng vốn điều lệ thì các chỉ tiêu tăng trưởng của Agribank bị ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động của ngân hàng, giảm vị trí, vai trò trong hệ thống tổ chức tín dụng, đồng thời không hoàn thành mục tiêu đề án cơ cấu lại ngành ngân hàng.

     Về mức và nguồn vốn bổ sung điều lệ cho Agribank, ĐB cho rằng, trước mắt, năm 2020 Agribank cần thiết phải bổ sung vốn điều lệ là 3.500 tỷ đồng là hợp lý, bởi mức này được tính toán trên cơ sở tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank về nguồn vốn để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank theo Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ xây dựng phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu và chi phí còn lại của ngân sách nhà nước năm 2019 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

     ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP. Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ nhất trí với các phương án, giải pháp của Chính phủ đã trình với Quốc hội, trong đó có lộ trình thực hiện tăng vốn điều lệ cho Agribank theo đúng quy định của pháp luật là việc làm cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay. 
Tuy nhiên, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) băn khoăn tăng vốn vào thời điểm này có phù hợp hay chưa với điều kiện và tình hình khó khăn của nền kinh tế mà chúng ta được nhận định là khó khăn khó lường, chưa lường hết được. 

     “Tôi đề nghị cân nhắc một là về nguồn để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank. Hai là thời điểm cân nhắc kỹ lưỡng để làm sao nó thực sự đảm bảo an toàn trong việc cân đối thu chi ngân sách của năm 2020”, ĐB kiến nghị.

     Nhấn mạnh vấn đề ngân sách nhà nước phải được bảo đảm, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đề nghị phải có giám sát, có kiểm tra, nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc tăng vốn điều lệ, tránh tình trạng thất thoát tài sản nhà nước. 

     * Chiều nay, Quốc hội đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải.

     Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Đoàn ĐBQH về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải.

     Trước đó, với 94,41% tổng số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14.

     Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021./.

Thanh Cao (sưu tầm)

các tin khác