Nông thôn

Nông dân Vĩnh Thạnh Trung ứng dụng hiệu quả từ Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững” (VnSAT)

12:40 10/10/2018

    

Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững” (VnSAT) được triển khai trên địa bàn xã Vĩnh Thạnh Trung từ vụ Thu Đông năm 2016 đến nay đã giúp cho nông dân trên địa bàn xã nâng cao thu nhập hơn trên cùng một diện tích trồng lúa khi nông dân ứng dụng kỹ thuật của Dự án mang lại. Nông dân thực hiện theo Dự án VnSAT này sẽ tăng lợi nhuận cho bà con nông dân thêm 30% trên mỗi hecta khi tham gia thực hiện dự án áp dụng công nghệ tiên tiến; giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác lúa gạo.
Responsive image

 Thực hiện theo Dự án VnSAT giúp bà con nông dân tăng lợi nhuận thêm 30% trên mỗi hecta

Qua thời gian từ khi triển khai đến nay, trên địa bàn xã đã mở 42 lớp tập huấn kỹ thuật Dự ánVnSAT, có 1.135 nông dân tham gia, nông dân được truyền đạt các kiến thức về quy trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”.Theo đó, “3 giảm là giảm lượng giống, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, 3 tăng là tăng năng suất, tăng lợi nhuận và tăng chất lượng”,còn “1 phải là phải sử dụng giống xác nhận, 5 giảm là giảm lượng giống, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch”.Qua đó, đã có nhiều nông dân ứng dụng thực tế theo kỹ thuật của Dự án trên diện tích đất của mình đem lại lợi nhuận khá cao. Hiện vụ Thu Đông này, trên địa bàn xã có 84 hộ ứng dụng kỹ thuật Dự ánVnSAT, với 99,3 hecta.

Là một trong những hộ dân đã mạnh dạn ứng dụng theo kỹ thuật Dự ánVnSAT trên diện tích lúa hiện có của gia đình, chú Lê Hoàng Vương- nông dân ấp Vĩnh Quý nói: “Trước đây, khi chưa áp dụng theo kỹ thuật Dự án VnSAT lợi nhuận ít, giống thì tốn nhiều, từ ngày có mở lớp tập huấn kỹ thuật VnSAT nông dân chúng tôi áp dụng giảm được lúa giống, giảm lượng phân và thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy nông dân ở đây rất thích kỹ thuật của Dự án này, lợi nhuận cao hơn so với trước đây, áp dụng theo kỹ thuật này lợi nhuận khoảng 2.500.000 đồng/1 công, còn trước đây lợi nhuận chỉ được khoảng 1.500.000 đồng/1 công, xung quanh đất tôi cũng làm theo mô hình này nhiều. Ban đầu tôi đâu dám làm nhiều, sau đó thấy hiệu quả nên mới mở rộng thêm”.

Còn chú Huỳnh Thanh Dũng – nông dân ấp Vĩnh Hưng được Trạm Khuyến nông huyện chọn làm mô hình trình diễn áp dụng “3 giảm 3 tăng” trong sản xuất lúa và hiện tại chú đã ứng dụng toàn bộ các diện tích lúa của mình theo kỹ thuật của Dự án VnSAT. Trao đổi với chúng tôi, chú Dũng cho biết: “Ứng dụng theo mô hình này, thì sạ thưa sẽ mang lại hiệu quả hơn, 1 công chỉ khoảng 10kg giống, còn lúc trước 1 công tới 20kg giống tốn kém hơn rất nhiều, khi ứng dụng kỹ thuật VnSAT này giảm được lượng giống, lượng phân, đỗ ngã không có, sâu bệnh cũng giảm, năng suất lại cao hơn so với áp dụng theo kỹ thuật cũ. Tôi đã áp dụng kỹ thuật này từ khi tham gia học lớp tập huấn kỹ thuật VnSAT năm 2017 đến nay, lúc đầu tôi chỉ làm thử 1 công để trình diễn mô hình, sau đó tôi áp dụng toàn bộ diện tích tôi đã canh tác, từ chỗ được trình diễn mô hình thấy được hiệu quả cao nên mới quyết định làm hết các diện tích còn lại”.

Với phương pháp huấn luyện cho nông dân vừa học trên lý thuyết, vừa thực hành từ thực tế đồng ruộng, người nông dân càng được thuyết phục hơn trong việc sử dụng giống xác nhận, sạ thưa, bón phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp, …đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao so với nông dân áp dụng theo lối canh tác truyền thống. Qua đó, làm cho nông dân tự tin, mạnh dạn áp dụng chương trình. Cụ thể là ruộng lúa sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh, không bị đổ ngã, cho năng suất cao, chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với nông dân canh tác theo kỹ thuật cũ.

Lợi ích khi tham gia vào Dự án đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực sau một thời gian nông dân địa phương đã được tập huấn, giảng dạy, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và ứng dụng thực tế có hiệu quả, đã mang lại nhiều lợi nhuận cao hơn so với ứng dụng theo kỹ thuật cũ trên cùng một diện tích đất, còn đối với cộng đồng được hỗ trợ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị.Theo quy định, Tổ hợp tác/ Hợp tác xã đạt 50% nông dân áp dụng “3 giảm 3 tăng” sẽ được Dự án hỗ trợ cung cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị giúp thành lập Hợp tác xã hỗ trợ chuyển từ “3 giảm 3 tăng” sang “1 phải 5 giảm”. Quy định trên, xã Vĩnh Thạnh Trung đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 1530/QĐ-UBND, ngày 28/6/2018 về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật Tiểu Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Thạnh Trung với nội dung đầu tư là xây dựng nâng cấp đường giao thông nội đồng “Vĩnh Quý”,  đường giao thông ra cánh đồng “cặp Đình Thạnh Lợi” và xây dựng mới cầu Đình Thạnh Lợi, với tổng mức đầu tư hơn 5.774.000.000 đồng và dự kiến Dự án sẽ thực hiện trong năm 2018 và 2019.

Để phát huy hiệu quả các hoạt động hỗ trợ của Dự án VnSAT mang lại trong thời gian tới, ông Huỳnh Tấn Hưng – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú cho biết: “Đến thời điểm này, nông dân đã qua lớp tập huấn này nhiều, thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông để nông dân nắm rõ hơn về lợi ích thiết thực của Dự án mang lại, từ những nông dân đã áp dụng “1 phải 5 giảm” có hiệu quả sẽ nhân rộng ra từ những điểm đó hoặc từ những mô hình trình diễn, chính từ mô hình đó khi hội thảo nông dân sẽ chứng kiến đã thực hiện thành công kỹ thuật theo Dự án. Đồng thời, Trạm Khuyến nông có những mô hình công nghệ cao mới, khi tập huấn lồng ghép chương trình Dự án này vào để nông dân thấy được những công nghệ thực tiễn, khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao để áp dụng trên đồng ruộng, tạo điều kiện cho người dân áp dụng theo hướng lâu dài trong việc sản xuất lúa giảm chi phí đầu tư mà tăng lợi nhuận”.

Cùng với sự nỗ lực của Ban Quản lý Dự án thì vai trò của các ban ngành chức năng, chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể, hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao nhận thức về lợi ích thiết thực của Dự án mang lại, để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và phát triển thương hiệu lúa gạo ở An Giang./.

Ngọc Mai (Đài Truyền thanh huyện Châu Phú)

các tin khác